An Khê: Hội thảo khoa học Di tích lịch sử Chiến thắng Suối Vối-Rộc Dứa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 12-8, UBND thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý về hồ sơ khoa học Di tích lịch sử Chiến thắng Suối Vối-Rộc Dứa tại tổ 1 (phường Ngô Mây).


Tham dự có lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; cán bộ, chuyên viên, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND thị xã An Khê; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành của thị xã và các nhà khoa học, nhân chứng trên địa bàn.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh


Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây sinh năm 1924 tại thôn Vân Triêm (nay là thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Cuối năm 1946, Ngô Mây tình nguyện vào Đại đội Quyết tử và được chọn cùng các bạn của mình, như: Bùi Kinh, Huỳnh Tiên, Nguyên Đôn, Nguyễn An Thành, Nguyễn Tường...

Gia nhập đội cảm tử quân, Ngô Mây được nhận giữ một quả bom. Trên đường ra thao trường, về nhà, lên lớp học chính trị..., anh đều nâng niu vũ khí của mình. Anh luyện tập ôm bom thành thục, đủ mọi tư thế. Để chắc ăn hơn nữa, Ngô Mây còn đề nghị chỉ huy đơn vị cho lắp thêm một nụ xòe vào đầu quả bom 25 kg, đề phòng khi xung trận chẳng may đầu nổ bị hỏng.
 
Theo kế hoạch, cuối năm 1947, sau khi tổ chức trinh sát nắm bắt tình hình và quy luật hoạt động của địch, Đại đội Quyết tử tổ chức phục kích tại khu vực Suối Vối-Rộc Dứa. Rời Bình Định, từ Vĩnh Thạnh, Định Quang, đơn vị hành quân lên tập kết ở chiến khu xóm Ké (An Khê, Gia Lai). Đại đội Quyết tử bố trí đội hình, hoàn tất việc chiếm lĩnh trận địa trước 3 giờ sáng để sương xuống xóa hết dấu vết.

Đúng như dự kiến, đến khoảng 8 giờ ngày 12-11, bốn chiếc GMC chở lính Âu Phi từ hướng An Khê chạy đến. Qua khỏi khúc cua nhỏ, vừa thấy cầu bị cháy sém, xe địch từ từ chạy chậm lại (do sương nhiều, quân ta đã đốt nhưng cầu không sập hẳn). Một tên địch đứng lên hô to, đại ý: "chú ý, cầu sập" và ra hiệu cho đoàn xe dừng lại. Bọn lính trên xe vừa đứng lên, xe địch chưa dừng hẳn thì quân ta nổ súng. Khẩu trung liên bắn chặn đầu, ba tổ súng trường cũng đồng loạt nhả đạn. Bộ phận xung phong của Đại đội Quyết tử bắt đầu vượt qua một bãi cỏ tranh trống, khoảng gần 80 m. Trong khi đó, lính Âu Phi trên các xe bắt đầu nhảy xuống mặt đường tổ chức phản kích. Chúng bắn chặn phía trước mặt lực lượng ta, đồng thời đánh vòng sang từ bên sườn trái. Bộ phận bảo vệ sườn bên trái của ta bị một trung đội địch đánh bật. Đúng lúc này, khẩu trung liên bị hóc đạn sau khi bắn được hai loạt, khoảng 12 viên. Chiến sĩ Lưỡng bình tĩnh sửa súng, bắn thêm một loạt độ 5, 6 viên nữa thì vũ khí lại bị hỏng và đạn cũng chỉ còn 6 viên. Các súng trường đều đã hết đạn.

Không còn hỏa lực yểm trợ, bộ phận xung phong của ta mới cơ động được khoảng một nửa chặng đường 80 m buộc phải dừng lại. Một số chiến sĩ bị thương; bộ đội ta ném lựu đạn từ khoảng cách gần 60 m nên không trúng đích. Thời cơ xung phong đã qua. Trước tình hình đó, chỉ huy đơn vị quyết định tạm lui quân lại mé rừng phía sau, cách khoảng 300-400m, chiếm lĩnh địa hình có lợi.

Sau chừng 5 phút, một xe AM (Auto-Mitrailleuse) dừng giữa trận địa. Tiếng súng im dần. Trinh sát ta leo lên cây quan sát thì thấy: chiếc xe bọc thép mới đến đậu giữa 4 chiếc GMC, mỗi xe cách nhau khoảng 10-15 m. Địch đứng lố nhố khá đông quanh xe AM, mặt quay về hướng ta vừa mới thu quân. Tên chỉ huy cao to, đứng trên chiếc AM, quát lớn, đại ý: "Việt Minh đâu?". Trong tích tắc, cùng với tiếng hô to “Việt Minh đây” là một tiếng nổ vang rền. Từ bụi rậm, Ngô Mây đã ôm bom lao vào xe giặc. Địch hỗn loạn tháo chạy sang phía bên kia đường. Bộ đội ta xung phong và làm chủ chiến trường. Khoảng một trung đội giặc đã bị tiêu diệt. Ta thu được 3 tiểu liên Thompson, 2 tiểu liên Sten, 5 súng trường và 1 trung liên đầu bạc...

Đại đội tìm không thấy thi thể chiến sĩ Ngô Mây. Chiếc khăn quàng đỏ của người liệt sĩ can trường bị thủng, rách nhiều chỗ bay vướng trên một bụi cây.

Trong hoàn cảnh buổi đầu kháng chiến chống Pháp với vô vàn khó khăn, “tiếng bom Ngô Mây” là lời khích lệ, hiệu triệu quân và dân An Khê, Gia Lai cũng như cả nước đồng lòng đoàn kết chống giặc đến cùng.

Nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh quả cảm của Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây, năm 1997, huyện An Khê (nay thị xã An Khê) đã xây dựng Bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây tại tổ 1, phường Ngô Mây.

Hàng năm, vào các ngày lễ, Tết, chính quyền cùng Nhân dân trên địa bàn về đây dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, ghi ơn. Tại tỉnh Bình Định và Quảng Trị cũng xây dựng Khu tưởng niệm, Bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây.

 Năm 1997, huyện An Khê đã xây dựng Bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh quả cảm của Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Minh
Năm 1997, huyện An Khê đã xây dựng Bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh quả cảm của Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Minh



Ngoài ra, tấm gương hy sinh lẫm liệt của Anh hùng Ngô Mây đã đi vào sử sách, thơ, văn, tên phố, tên phường, tên trường…

75 năm qua, địa danh Rộc Dứa, Suối Vối luôn gắn với trận đánh của Anh hùng Ngô Mây. Khảo sát thực tế cho thấy hai loại cây mọc tự nhiên (dứa và vối) làm nên tên gọi nơi này đến nay vẫn còn, nhất là vối.

Tại Quyết định số 312/QĐ-UBND, ngày 6-7-2018 do UBND tỉnh Gia Lai ban hành phê duyệt danh mục kiểm kê di tích và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023 trên địa bàn tỉnh, gọi sự kiện trên là “Chiến thắng Suối Vối-Rộc Dứa”. Đây là một sự định danh chính xác.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia ý kiến về tên gọi, địa điểm, đường đến di tích, ngày, tháng hy sinh của Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây và nội dung sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích…

Thông qua hội thảo, thị xã An Khê sẽ điều chỉnh, bổ sung thông tin để hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm tri ân Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời, giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu đời sau.

Trước đó, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương tại Bia tượng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Mây.

 

NGỌC MINH

 

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.