9X thu nhập khấm khá nhờ nuôi dế thương phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng nhờ nuôi dế thương phẩm, anh Trương Quốc Bạch (27 tuổi, ngụ P.Trung Nhứt, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) được xem là người đem đến mô hình khởi nghiệp mới cho thanh niên địa phương.
 
Mô hình nuôi dế thương phẩm đem lại nguồn thu khấm khá cho anh Bạch ẢNH: DUY TÂN
Mô hình nuôi dế thương phẩm đem lại nguồn thu khấm khá cho anh Bạch ẢNH: DUY TÂN

Tham quan trại nuôi dế của anh Bạch, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì chỉ với diện tích vỏn vẹn 50 m2, đặt 20 lồng nuôi dế, mỗi tháng anh có nguồn thu nhập hơn 6 triệu đồng.

Anh Bạch kể, cách đây hơn nửa năm, tình cờ đến thăm một người bà con, thấy người này nuôi dế thương phẩm có hiệu quả nên anh tâm đắc rồi xin 1 ổ dế về nuôi thử. Sau đó, anh học hỏi thêm kinh nghiệm rồi quyết định đầu tư thành mô hình kinh tế của gia đình. “Ban đầu, tôi mua thêm 2 ổ trứng dế với giá 600.000 đồng về nuôi thử nghiệm. Sau thời gian nuôi, thấy dế sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh, công chăm sóc ít, thức ăn đa dạng... nên tôi quyết tâm đầu tư phát triển mô hình này”, anh Bạch kể.
 
Anh Bạch cho dế ăn ẢNH: DUY TÂN
Anh Bạch cho dế ăn ẢNH: DUY TÂN
Với số vốn ban đầu gần 40 triệu đồng, anh Bạch dồn hết vào việc lập trại nuôi dế gồm 20 chuồng. Mỗi chuồng có kích thước khác nhau để thuận tiện cho dế đẻ trứng, ấp trứng và nuôi thành dế thương phẩm. Theo anh Bạch, trại nuôi dế phải thông thoáng; chuồng làm bằng khung sắt, xung quanh bao ni lông, phía trên có nắp đậy bằng vỉ lưới để tránh sinh vật lạ vào ăn dế. Thức ăn cho dế gồm lá khoai mì, lục bình, lá chuối... được anh tận dụng đất vườn nhà để trồng. Mỗi ngày cho dế ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. “Đặc tính của dế là không uống nước mà chỉ liếm râu. Do đó phải phun sương 2 lần mỗi ngày vào lúc cho dế ăn để nước đọng trên râu và thức ăn của dế”, anh Bạch chia sẻ kinh nghiệm.
Các vỉ để trứng gà, trứng vịt được anh Bạch dùng làm “nhà” cho dế. Riêng dế sinh sản thì làm thêm các ổ bằng khay đựng xơ dừa để đảm bảo độ ẩm bảo vệ trứng. Dế nuôi khoảng 30 ngày có thể thu hoạch bán thương phẩm, còn dế trứng phải nuôi đến 42 ngày mới thu hoạch. Dế nuôi 42 ngày tuổi thì bắt đầu sinh sản. Dấu hiệu nhận biết là dế có cánh dài và gáy thường xuyên. Khi đó cho dế đẻ vào ổ trong 1 - 2 ngày. Sau đó, cho các ổ dế vào bao tải và đặt ở chuồng khác để ấp. “Mỗi chuồng dế khi thu hoạch được khoảng từ 7 - 10 kg. Đặc biệt, phải có kỹ thuật nuôi để đàn dế phát triển đồng đều khoảng 80%, ít tình trạng dế bự, nhỏ sẽ bị thương lái chê”, anh Bạch cho biết.
Hiện dế sữa có giá 120.000 đồng/kg; dế trứng từ 200.000 - 220.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Nhờ đó, anh Bạch có thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Theo anh Bạch, những con dế có màu vàng óng là con khỏe mạnh và nhiều dinh dưỡng nhất. Dế có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng như: chiên bột, chiên nước mắm, rang lá chanh… 
Anh Trần Tuấn Huy, Bí thư Đoàn phường Trung Nhứt, đánh giá: “Đây là mô hình khởi nghiệp mới tại địa phương. Bản thân anh Bạch đã tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi và nuôi có hiệu quả, đem lại thu nhập khá. Bên cạnh đó, anh còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi dế cho các đoàn viên thanh niên ở địa phương khởi nghiệp”.
Theo Duy Tân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.