11 tuổi mới được đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đã 11 tuổi nhưng gần đây, em Kpuih Nhé (làng Khôi, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) mới lần đầu được cắp sách đến trường. Chung lớp với Nhé còn có em trai Kpuih Hoa, nhỏ hơn 4 tuổi. Chưa hết, đứa em thứ 3 là Kpuih Canh cũng đã đến tuổi vào lớp 1 nhưng chưa từng được đi học. Đáng nói là cũng “mới mẻ” như việc đến trường, các em đều vừa được làm… giấy khai sinh!
Mấy cơn mưa liên tiếp khiến con đường dẫn vào làng Khôi sình lầy ngập ngụa. Không thể qua một đoạn đường khó, chúng tôi đành bỏ lại xe máy rồi lội bộ tìm đến nhà anh em Kpuih Nhé. Cậu học trò nhỏ được cô giáo cho nghỉ một tiết để đi cùng tôi. Nhà em nhỏ xíu, dựng tạm bằng những tấm ván mỏng ghép lại, mái lợp tôn, nền đất. Trong nhà không có vật dụng gì khác ngoài 2 chiếc giường cùng mấy chiếc nồi lỏng chỏng nơi góc bếp.  
Mẹ em, chị Kpuih Phơi (SN 1988) uể oải tiếp chuyện. “Mình đuổi nó đi rồi!”-chị bực bội khi chúng tôi hỏi đến chồng là anh Rơ Lan Bêu. Lý do là bởi anh này nghiện rượu, thường xuyên đập phá đồ đạc. Địu đứa cháu út mới 2 tuổi đứng cạnh, mẹ chị gật đầu xác nhận. Hỏi nhà có đất sản xuất không, chị Phơi cho biết chỉ có đám đất nhỏ trồng ít đậu xanh. Do đó, vợ chồng chị phải làm thuê mới có đồng ra đồng vào. Thường xuyên sống trong cảnh túng thiếu với 7 miệng ăn, họ chẳng màng chuyện cho con đến trường. Em Nhé được gửi sang nhà bác phụ chăn bò kiếm cơm. 
2 anh em Kpuih Nhé, Kpuih Hoa hạnh phúc khi được đến trường. Ảnh: Phương Duyên
2 anh em Kpuih Nhé, Kpuih Hoa hạnh phúc khi được đến trường. Ảnh: Phương Duyên
Theo lời vài người từng đến nhà thăm, tặng quà gia đình, bố mẹ Nhé ít chăm lo các con, nhiều vật dụng được hỗ trợ lần lượt bị đem bán để lấy tiền thay vì siêng năng lao động. Gần đây, một số người quen và giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân đến vận động anh em Nhé ra lớp. Lúc này, ai nấy mới tá hỏa là cả 4 anh em đều… chưa có giấy khai sinh. Lại phải nhanh chóng làm giúp cho xong thủ tục cần thiết này. Vậy là, sau 11 năm chào đời, đến cuối tháng 9-2021, Nhé mới được chính thức là 1 công dân!
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Đạo-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ga-thông tin: Toàn xã có 1.337 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 15,6%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 66%. Trong 6 thôn, làng của xã, có đến 3 làng đặc biệt khó khăn gồm: làng Khôi, Tu 1, Tu 2. Nói về công tác vận động học sinh ra lớp, ông Đạo cho hay: Hàng năm, UBND xã phối hợp với ban giám hiệu các trường tổ chức vận động trẻ ra lớp bằng cách trực tiếp đến nhà hoặc thông qua các cuộc họp dân, qua đó nắm bắt những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để có sự động viên, hỗ trợ kịp thời. 
Nhắc đến gia đình anh chị Kpuih Phơi, ông Đạo cho hay đây là trường hợp “cá biệt”, lười lao động, ý thức vươn lên kém, thường xuyên uống rượu. Dù được xã quan tâm, các đơn vị, tổ chức từ thiện đến thăm, tặng quà nhưng gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo, những vật dụng đáng giá như quạt máy, nồi cơm điện, bàn ghế… đều đem bán. Khi chúng tôi thắc mắc về nguyên nhân các con của họ chưa được đến trường trước đó (kể cả bậc mầm non), ông Đạo phân trần là do gia đình thiếu sự hợp tác dù đã từng được vận động nhiều lần. Nhưng khi được hỏi vì sao cả 4 cháu đến giờ mới làm giấy khai sinh, về trách nhiệm và sự sát sao của cán bộ các hội, đoàn thể từ thôn làng đến cấp xã trong khi làng Khôi cách trụ sở UBND xã chỉ 2 km, ông Đạo im lặng.
Nếu được vận động đúng độ tuổi, lẽ ra em Nhé đã học lớp 6, còn em trai Kpuih Hoa vào lớp 2. Nhưng giờ đây, 2 anh em mới lần đầu đặt bút gò từng con chữ. Lớp 1C Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân-điểm trường làng Khôi có thêm 2 học trò đặc biệt khiến cô giáo chủ nhiệm Ksor H’Guin phải dành nhiều thời gian để tâm, dìu dắt bởi đi học với các em là điều quá mới mẻ. Cô H’Guin nhớ mãi hình ảnh Nhé, Hoa ngày đầu đến lớp: áo rách, quần cộc, chân đất. Giờ thì các em đã được hỗ trợ đồng phục, cặp sách, giày dép như bao bạn bè. Không phải chăn bò và được đến trường, với các em đó là niềm hạnh phúc. Nhé rụt rè giãi bày: “Đến lớp có cô, thầy và các bạn. Thích nhất là được học cái chữ. Trường có nhiều đồ chơi nữa”. 
Thật khó để biết còn trường hợp nào như Nhé, Hoa hay không. Hy vọng đây chỉ là chuyện hy hữu. Hy vọng đứa trẻ nào, dù khó nghèo đến mấy cũng được gia đình quan tâm, được chính quyền, các hội, đoàn thể và cộng đồng chung tay tiếp sức đến trường. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.