Tuy nhiên, để chương trình hoàn thành đúng tiến độ, một số địa phương vẫn cần thêm nguồn lực.
Lan tỏa yêu thương
Cách đây gần 1 tháng, gia đình ông Đinh Moi (làng Vơn, xã Yang Nam, huyện Kông Chro) hân hoan dọn vào ở trong ngôi nhà sàn khang trang, vững chãi. Gia đình ông là 1 trong 3 hộ tại xã Yang Nam được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở (60 triệu đồng/nhà) từ nguồn vận động của Ban tổ chức lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IX-2025 thông qua Hội Nông dân tỉnh.
Đặc biệt, cả 3 ngôi nhà đều được làm theo mẫu nhà sàn truyền thống của dân tộc Bahnar, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa. “Nhà sàn cao và thoáng mát, mình ở quen rồi nên thích lắm. Mình rất vui khi được hỗ trợ làm nhà”-ông Moi phấn khởi chia sẻ.

Bà Chu Thị Thu Hương-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-cho biết: “Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên nghèo” với mục tiêu cụ thể, rõ ràng, hướng tới các địa bàn khó khăn. Chúng tôi mong rằng, sau khi có nơi ở ổn định, các hộ hội viên yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia hoạt động Hội.
Thời gian tới, Hội tiếp tục huy động đa dạng nguồn lực để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hội viên khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường-cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đến ngày 22-5, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng và sửa chữa 7.484 căn nhà, đạt 91,77% kế hoạch. Trong đó, 4.993 căn nhà đã hoàn thành. Toàn tỉnh có 10 địa phương đã khởi công xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đạt 100% kế hoạch.
Nỗ lực từng ngày
Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 tháng để hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai chương trình với quyết tâm cao, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và nỗ lực vượt khó để đảm bảo tiến độ đề ra. Tuy vậy, thực tế cho thấy, một số nơi vẫn đang gặp khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại, 3 huyện mới đạt tỷ lệ khởi công trên 90% và 4 huyện mới đạt trên 70%. Ông Đinh Văn Súy-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho hay: Toàn huyện có 619 hộ được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở; trong đó, xây dựng 556 nhà, sửa chữa 63 nhà. Đến nay, tỷ lệ khởi công đạt trên 90%.
Tuy nhiên, huyện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn kinh phí. Việc phân bổ vốn còn chậm, trong khi khả năng đối ứng của người dân còn hạn chế do phần lớn là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, huyện mong cấp trên cân đối hỗ trợ thêm kinh phí để triển khai đúng tiến độ.

Tại huyện Ia Pa, công tác triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng đang được tập trung đẩy mạnh. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Trưởng, tổng số nhà cần xây dựng, sửa chữa là 507 căn (362 căn xây dựng, 145 căn sửa chữa); trong đó, tỷ lệ khởi công hiện đạt hơn 80%.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ là có đến 181 căn nhà thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do nguồn vốn từ 2 chương trình phân bổ chậm, trong khi người dân khó khăn, khả năng đối ứng thấp nên không thể triển khai đồng loạt.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, huyện Ia Pa ưu tiên cách làm dân chủ để người dân lựa chọn mẫu nhà, diện tích theo nguyện vọng, đảm bảo phương châm “nhà của dân thì dân làm chủ”. Địa phương sẽ giải ngân theo tiến độ, đồng thời chỉ đạo các tổ công tác giám sát quá trình triển khai thực hiện nhằm đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định và chất lượng công trình, đúng tiêu chí “3 cứng”: nền cứng, khung cứng, mái cứng.
“Huyện đang tích cực tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục, điều kiện xây dựng, đồng thời vận động thêm các nguồn lực xã hội hóa và kiến nghị tỉnh hỗ trợ bổ sung kinh phí để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình”-Bí thư Huyện ủy Ia Pa thông tin.

Ia Pa phát huy vai trò các đội xung kích trong xóa nhà tạm, nhà dột nát
