"Vua cá chình" đầm Trà Ổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Nghe nói, ở vùng này so về độ lỳ đòn thì chú Bảy đứng đầu phải không?”. Ông Bảy Tú cười đáp: “Lỳ gì đâu, tôi nhát chết lắm, thấy đánh nhau là sợ chết khiếp. Được cái nuôi cá chình mun là lỳ đòn thôi!”.
Ông Bảy Tú tức là Võ Tuấn Tú (57 tuổi) đang sống giữa cù lao Châu Trúc (đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Ngư dân này đã có công tái sinh loài cá tiến vua trước nguy cơ tiệt chủng và được mọi người tôn vinh là “vua cá chình” đầm Trà Ổ.
 
Ông Bảy Tú khoe một con cá chình mun “khủng” mà ông nuôi
Bén duyên với loài cá tiến vua
Ông Bảy Tú châm trà mời khách rồi kể, ông vốn sinh ra ở vùng Gò Bồi (thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định), ngày trẻ đã đam mê nuôi hải sản và thường lân la nhiều đầm vịnh để tìm hiểu về các giống cá. Năm 1997, ông tham gia vào dự án nghiên cứu cá chình mun đầm Trà Ổ nên cùng nhiều người khăn gói ra giữa đầm dựng lều để nghiên cứu cá. “Khi bắt gặp loài cá chình mun, tôi đã mê mẩn nó. Từ đó, tôi xác định ngay con đường đi của riêng mình, sẽ chinh phục bằng được loài cá này…”, ông Bảy Tú nói.
Ngày ra giữa cù lao Châu Trúc, ông Bảy Tú cùng 5 thành viên trong tổ nghiên cứu đóng lều, ăn dầm ở dề suốt nhiều năm trời chỉ để… nghiên cứu cá. “Ngày ấy, cù lao này đâu có điện đài gì. Con đường đất độc đạo ra đây thì mưa lũ gây sạt lở hết. Chúng tôi đều có chế độ nhà nước, mỗi tháng 3kg gạo và 80.000 đồng. Tiền này dành dụm gửi về vợ con, còn mình chịu khó chắt bóp”, ông Tú kể lại.
Đầm Trà Ổ rộng 1.200ha, là sự hợp lưu của 2 con nước mặn và ngọt nên cua cá trong đầm thứ gì cũng thơm ngon nức tiếng. Trước năm 1985, đầm Trà Ổ vẫn còn thông ra biển nên cá chình mun phát triển mạnh. Có đoạn, người dân chỉ cần ra đầm cuốc vài nhát bùn là bắt đầy xô chình mun. Tuy nhiên, từ sau năm 1985 do chính quyền đầu tư đập ngăn mặn để giữ phù sa cho đầm nên chình mun cũng suy kiệt dần. Trong khoảng 3 thập niên trở lại đây, loài chình mun mất hút trước sự luyến tiếc của người dân và ngành thủy sản Bình Định. 
Có thời gian, để hồi sinh cá chình mun Trà Ổ, ngành thủy sản Bình Định đã thuê, mời hàng loạt chuyên gia đầu ngành ra vùng đầm này để hỗ trợ người dân nuôi tạo lại loài cá tiến vua này, nhưng bất thành. “Chình mun là một loài cá hiếm, cả nước chỉ chình mun Trà Ổ mới cho thịt giòn dai và ngon nhất không đâu bằng. Tuy nhiên, loài cá này rất khó thuần phục vì nó khó ăn khó ở. Nó thích ăn ở nước sạch hoặc vùng nước suối chảy, ăn đồ tươi và ngủ thì tìm hang hốc hoặc chui vào bùn đất sét…”, ông Bảy Tú chia sẻ.
 
Vùng đầm Trà Ổ, “mỏ” giống cá chình mun được ông Bảy Tú khai phá
Quyết tâm chinh phục
Đến năm 2000, dự án nghiên cứu cá chình mun đầm Trà Ổ kết thúc, ông Bảy Tú xin chính quyền ở lại cù lao Châu Trúc để đeo đuổi, nuôi cá chình mun. Ông quả quyết: “Đầm Trà Ổ là cái “mỏ” giống của chình mun nên chỉ có ở đây tôi mới thực hiện được giấc mơ của mình”. Những năm đầu, ông làm quen với 11 chủ nghề đánh bắt cua cá lớn nhất đầm Trà Ổ để nhờ họ giúp đỡ cung cấp con giống chình mun. Hễ ai bắt được chình mun giống là ông đạp xe đến mua ngay. Có khi ông Bảy Tú hết tiền, phải đi mua chịu cá chình giống rồi vay mượn trả sau. Cứ chắt chiu nuôi từng con chình giống, dần dần cái ao nuôi cũng phát triển lên vài ngàn con.
Ngày đầu, thấy ông Bảy Tú cặm cụi đào ao nuôi cá chình mun, nhiều dân làng cũng tỏ ra lo lắng cho ông. Bởi nuôi chình mun rất khó, ngay những người sinh ra trong “ruột” đầm Trà Ổ và giàu nứt đố đổ vách cũng chưa dám thuần nuôi loài cá này. Chặng đường chinh phục loài cá chình mun của ông Bảy Tú rất ly kỳ, đáng khâm phục. Giờ ngồi lại, ông Bảy Tú thừa nhận: “Khoảng 7 năm đầu, tôi nuôi cá chình mun lỗ đến xanh mặt”. Có những năm hạn hán, không đong đếm được con nước ở Trà Ổ, hồ nuôi rút nước khô khốc khiến cá chết hàng loạt. Còn có năm thì lũ lụt đổ về bất ngờ, cuốn vỡ cả một ao chình mun của ông Bảy Tú, tổn thất đến vài tỷ đồng. Năm đó, thấy ông Bảy Tú thất thần, dân làng thương xót mang lưới chài, chèo ghe ra đầm Trà Ổ giúp ông đuổi bắt vớt lại những con cá chình “xổng ao”. Thất bại 1-2 năm đã đành, đằng này kéo dài đến 7-8 năm mà ông Bảy Tú vẫn không nản chí. Ngược lại, mỗi lần thất bại, ông lại rút ra được bài học kinh nghiệm mới.
Những khi thất bại ông Bảy Tú thường la cà khắp nơi để học hỏi, kết giao với nhiều bằng hữu cùng chí hướng. Ông đi lang bạt khắp nơi, quen biết với nhiều thành phần từ tư thương, nhà nghiên cứu đến bậc tiền bối nuôi cá. Cứ thế, bạn bè chiến hữu của ông Bảy Tú ở khắp các miền Nam, Trung, Bắc. Họ vừa là bạn vừa là thầy của ông. Có thời gian, ông ra tận Hà Nội để học một khóa chế biến vi sinh của Nhật Bản trong nuôi chình… “Quá trình nghiên cứu, học hỏi tôi đưa ra được phương trình nuôi chình, đó là cân bằng giữa giống - hệ số đầu tư thức ăn - mức tăng trọng - công cán - thị trường, đầu ra… Bí quyết cuối cùng để nuôi chình mun, theo tôi vẫn là lỳ đòn và đam mê”, ông Bảy Tú bộc bạch.
Đến ngày thành công
Những năm chật vật chinh phục loài cá tiến vua, ông Bảy Tú xác định ở khu vực miền Trung có thế mạnh về giống cá chình bông, loài cá thường sống ở thượng khe suối. Thế nên ông bắt đầu lân la đặt hàng mua giống khắp nơi. Bạn hàng ông ngày càng mở rộng, từ khu vực miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân (tỉnh Bình Định) rồi đến các vùng miền núi Quảng Ngãi, Quảng Nam và khu vực Bắc miền Trung… Khi nhập đủ chình giống, ông Bảy Tú đi xe đò vào TPHCM lập thêm 1 trạm trung chuyển để phân bổ chình giống và dần mở rộng ra cả nước. 
Mốc thời gian mở ra vận hội cho ông Bảy Tú là năm 2010. Ông đã thuần phục được chình mun và đến năm 2013 thì thành công rồi phất lên vùn vụt. Trong vòng 6 năm trở lại đây, ông Bảy Tú vẫn nuôi đều đặn 4 ao cá chình mun và trở thành người nuôi cá chình lớn nhất miền Trung. Do thị trường rộng lớn khắp cả nước nên giá cả cá chình mun luôn ổn định ở mức 550.000-600.000 đồng/kg. Như vậy với 4 ao nuôi chình mun, hiện tại ông xuất đều đặn 4 tấn/năm, thu về trên 2,2 tỷ đồng, chưa kể việc xuất bán, phân bổ giống chình mun phục vụ cho cả nước... 
Chỉ trong vài năm, thành công của ông Bảy Tú đã làm sống dậy vùng đầm Trà Ổ. Từ thành công của ông, người dân ven đầm Trà Ổ đã bắt đầu nhân rộng và phát triển loài cá tiến vua năm xưa. Ai đến hỏi, ông Bảy Tú đều tận tình giúp đỡ và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nuôi chình mun, cung cấp cả con giống. Ngoài ra, ông cũng giúp đỡ, đào tạo cho một số người trẻ ven đầm Trà Ổ để báo đáp ân huệ dân làng đã giúp đỡ ông. Ông Bảy Tú chia sẻ nguyện vọng: “Tôi chỉ mong làm sao hồi sinh lại vùng sinh sản cho chình mun ở đầm Trà Ổ. Từ đó, biến vùng đầm này thành một mỏ giống chình mun lớn nhất cả nước, để xuất khẩu loài cá này ra nước ngoài”.
Tiến sĩ Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, cho biết, chình mun hay các loài cá chình khác có một đặc thù di cư ra biển để giao phối và sinh sản nên rất khó để chúng đẻ tại ao nuôi. Ông Võ Tuấn Tú đã có công chinh phục, tái nuôi được loài cá chình mun, chứng minh được giá trị kinh tế của loài cá vua này cho đầm Trà Ổ. Đặc biệt, ông đã biết cách lựa chọn vị trí thích hợp và khai thác tốt mỏ giống tại đầm Trà Ổ. Đây cũng là một mô hình hiệu quả, tối ưu nhất để tận dụng địa thế tự nhiên trong nuôi chình mun.

Năm 2018, ông Bảy Tú được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất 5 năm liền (2013-2017). Cũng trong năm 2018, ông đoạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Ngoài ra, ông Bảy Tú còn nhận được rất nhiều phần thưởng danh giá khác của lãnh đạo Nhà nước, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định…

Ngọc Oai (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.