Võ sư tâm huyết với nhị khúc côn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kinh qua nhiều môn võ thuật trong suốt hàng chục năm theo nghiệp võ, võ sư Phạm Đăng Khoa (SN 1972, tổ 3, thị trấn Chư Prông) đã tìm được hướng đi riêng. Ông là người hiếm hoi tại Gia Lai đang theo đuổi môn phái Đức Nam Nhị khúc côn để lưu giữ tinh hoa võ Việt.

Đam mê võ thuật

Sinh ra ở Nam Định, khi 4 tuổi, ông Phạm Đăng Khoa đã rơi vào cảnh gia đình ly tán. Cha mẹ ly hôn, ông theo mẹ vào sinh sống tại tỉnh Kon Tum. Một mình mẹ lăn lộn làm đủ thứ nghề để nuôi 3 con nhỏ nên ông Khoa đã phải trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực.

Võ sư Phạm Đăng Khoa (hàng trước, thứ 2 từ trái sang) cùng các môn sinh Gia Lai tham gia Giải Nhị khúc côn Cúp các câu lạc bộ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 7-2024 (ảnh nhân vật cung cấp).

Võ sư Phạm Đăng Khoa (hàng trước, thứ 2 từ trái sang) cùng các môn sinh Gia Lai tham gia Giải Nhị khúc côn Cúp các câu lạc bộ toàn quốc tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 7-2024 (ảnh nhân vật cung cấp).

Mẹ con ông Khoa tá túc ở gần một doanh trại quân đội. “Hồi bé, tôi rất nhỏ con nên thường bị bắt nạt và cũng từ đó muốn học võ để tự vệ. Một lần, tôi đi theo chú bộ đội đã xuất ngũ. Khi bị người khác gây sự, chú ấy đã liên tiếp thực hiện những cú đòn nhanh hạ gục đối phương. Từ đó, tôi coi chú như thần tượng và càng thôi thúc mình học võ để phòng thân”-ông Khoa kể.

Ngoài giờ học, ông Khoa phải đi làm thêm nhiều việc như: bán vé số, đan lưới, đan mành trúc… Khi có chút sức vóc, ông vào rừng chặt củi hay đi phụ hồ để đỡ đần mẹ. Dành dụm được một khoản riêng nho nhỏ, ông có điều kiện đi học võ tại võ đường Năm Tạo (TP. Kon Tum) vào năm học lớp 7.

Ông Khoa chia sẻ: “Đó là lớp võ đầu tiên tôi theo học nhưng khóa học 3 tháng hết 3.000 đồng mà tôi chỉ gom góp được 2.500 đồng nên còn phải nợ. Học được hơn 1 tháng thì thầy bảo phải cúng tổ 1 con gà để xem chân. Tôi không biết kiếm đâu nên liều mình mang cái áo khoác mẹ mới mua cho mặc trong mùa lạnh để đi đổi lấy con gà. Mẹ biết chuyện la mắng quá chừng nhưng không biết làm sao. Đến lúc không đóng nổi 500 đồng còn nợ thầy, tôi phải bỏ học võ giữa chừng”.

Hoàn cảnh khó khăn song ông Khoa rất chăm chỉ học tập. Ông thích đọc sách, đam mê khám phá. Ông tìm các tiệm sách cũ để thuê vì không có tiền mua. Một lần, thấy một quyển vở trong có ghi chép lại những chiêu thức của môn võ Karate căn bản, ông liền thuê về rồi sao chép bằng tay với những nét vẽ nguệch ngoạc và tự tập theo. Nhờ cuốn cẩm nang này, ông Khoa như được khai sáng về võ học dù chỉ tự học “chay” do không có thầy dạy.

“Giữ lửa” tinh hoa võ Việt

Ông Khoa sau đó tiếp tục tìm học võ Taekwondo, Vovinam. Khi trình độ khá lên, ông đứng lớp giảng dạy cho nhiều câu lạc bộ ở Kon Tum và Gia Lai. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ông chuyển về Gia Lai sinh sống và dạy Vovinam tại các câu lạc bộ ở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Nhà Thi đấu thể thao tỉnh... Từ năm 1997, ông đứng lớp câu lạc bộ của võ sư lão làng Nguyễn Đắc Trình ở huyện Chư Prông, góp công đào tạo ra nhiều thế hệ tài năng Vovinam, góp phần đưa địa phương này nằm trong tốp đầu của phong trào Vovinam toàn tỉnh.

Võ sư Phạm Đăng Khoa giữ vai trò Tổng trọng tài tại các giải đấu Nhị khúc côn (ảnh nhân vật cung cấp).

Võ sư Phạm Đăng Khoa giữ vai trò Tổng trọng tài tại các giải đấu Nhị khúc côn (ảnh nhân vật cung cấp).

Ông Dương Văn Hoan-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Prông: “Ông Phạm Đăng Khoa rất tâm huyết với phong trào võ thuật và có nhiều đóng góp trong việc phát triển Vovinam tại Chư Prông từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Ông theo đuổi võ phái Đức Nam Nhị khúc côn. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh vì đó là nét đẹp của võ Việt”.

Năm 2014, ông Khoa bất ngờ tìm được niềm đam mê mới. Sau khi tìm hiểu về môn phái Đức Nam Nhị khúc côn, ông lập tức bị cuốn hút và gia nhập năm 2017. Được sáng lập từ năm 2013 bởi võ sư Lâm Giang, Đức Nam Nhị khúc côn là môn phái duy nhất tại Việt Nam chuyên luyện tập một loại binh khí, đó là nhị khúc côn. Hiện môn phái này có hàng ngàn môn sinh trải rộng khắp 26 tỉnh, thành trong cả nước.

Ông Khoa tập trung nghiên cứu và sáng chế ra loại côn làm bằng mút xốp. Và với côn mút xốp, từ năm 2018, Đức Nam Nhị khúc côn tổ chức nhiều giải đấu cấp khu vực và toàn quốc với cả nội dung quyền và đối kháng. Trong các giải đấu đó, ông Khoa đảm nhiệm vai trò tổng trọng tài. Ông cũng mở lớp dạy nhị khúc côn tại huyện Chư Prông.

“Đức Nam Nhị khúc côn là sản phẩm văn hóa do người Việt sáng lập. Đức là đạo đức, Nam nghĩa là Việt Nam. Nó không chỉ giúp các môn sinh rèn luyện thể chất, có khả năng tự vệ mà còn giáo dục về tinh thần thượng tôn võ đạo, tôn trọng pháp luật, cũng như tinh thần tôn sư trọng đạo. Mục tiêu lớn nhất của các môn sinh trong võ phái vẫn là dùng võ thuật để rèn luyện thể chất, nhân cách, góp phần gìn giữ và quảng bá nét văn hóa cổ truyền của người Việt”-ông Khoa nhấn mạnh.

Hiện con trai út của ông là Phạm Đăng Nhân (17 tuổi) cũng đang là môn sinh tài năng của môn Đức Nam Nhị khúc côn. Nhân giành được 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng tại Giải Vô địch Đức Nam Nhị khúc côn toàn quốc và 1 huy chương vàng ở giải đấu khu vực miền Tây. “Việc tập luyện và thi đấu môn thể thao này giúp em khỏe mạnh, phản xạ tốt hơn. Môn võ này có tính giải trí rất cao nên giúp em giảm căng thẳng sau những giờ học”-Nhân thổ lộ.

Có thể bạn quan tâm

Dấu ấn Kim Sang-sik

Dấu ấn Kim Sang-sik

Khác với hình ảnh điềm đạm kể từ khi làm HLV tuyển Việt Nam, ông Kim Sang-sik đã bộc lộ nhiều cung bậc cảm xúc xuyên suốt trận chung kết lượt về ASEAN Cup 2024