“Việt Nam thế kỷ XVII: Những góc nhìn từ bên ngoài” do hai nhà Việt Nam học gồm Olgar Dror, hiện là Phó Giáo sư Lịch sử tại Đại học Texas A&M và K.W.Taylor hiện là Giáo sư Nghiên cứu Văn hóa Trung-Việt tại Khoa Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Cornell giới thiệu và chú giải, vừa được NXB Đà Nẵng và Omega Plus ấn hành. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Cuốn sách Việt Nam thế kỷ XVII qua ngòi bút ký sự. |
Đây là cuốn sách tổng hợp hai tác phẩm viết về Việt Nam sớm nhất bằng tiếng Anh, bao gồm: “Ký sự xứ Đàng Trong” của Cha xứ Christoforo Borri và “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” của thương nhân Samuel Baron. Tác phẩm xuất bản lần đầu năm 2006 và nay đã có mặt tại Việt Nam với phiên bản tiếng Việt, về “giai đoạn sống động nhất trong lịch sử Việt Nam”, nói như Bradley C.Davis (ĐH Washington).
Ý tưởng hình thành nên cuốn “Việt Nam thế kỷ XVII” xuất phát từ thực trạng giai đoạn này được xem như “khoảng trắng” trong lịch sử nước ta. Tình hình chiến sự và chính trị khốc liệt, dai dẳng giữa các thế lực khiến cho ngày nay còn lại rất ít văn bản ghi chép chính thống và phi chính thống của chính người Việt về Việt Nam thế kỷ XVII. Tuy thiếu vắng tư liệu bản địa song nguồn tài liệu về hai Đàng được ghi lại bởi người phương Tây lại đặc biệt phong phú. Trong đó, nổi bật nhất là các tập bút ký của Christoforo Borri và Samuel Baron, với nhiều thông tin và mô tả giúp người đọc dựng nên bức tranh vừa toàn cảnh lại vừa có tính đối sánh về hai Đàng thời bấy giờ. Những ghi chép của Borri và Baron thể hiện những góc nhìn sắc sảo khác nhau về dân chúng Đàng Trong và Đàng Ngoài. Theo Borri, người Đàng Trong có trật tự, hữu hảo, phóng khoáng, tò mò về những miền đất khác, hiếu khách trước người ngoại quốc, giỏi buôn bán giao thiệp, giàu có phát đạt, có tiếng nói tương đối dễ học. Còn theo Baron, người Đàng Ngoài kém trật tự, lạnh nhạt, khó chịu, không mảy may hiếu kỳ trước những điều mới lạ, ngờ vực người ngoại quốc, buôn bán yếu kém, nghèo và có tiếng nói khó học.
Trong con mắt của người Châu Âu thế kỷ XVII, Đàng Trong - Đàng Ngoài là hai quốc gia độc lập với thiết chế nhà nước, kinh tế, xã hội và văn hóa riêng biệt. Đến cuối thế kỷ XVII, chúa Nguyễn liên tiếp đánh bại những đợt xâm lấn của đội quân Đàng Ngoài, đồng thời thiết lập các đơn vị đồn trú quân sự ở đồng bằng Mekong.
VOI VÀ TÊ GIÁC Ở ĐÀNG TRONG
Đàng Trong qua ngòi bút của Christoforo Borri hiện lên như một thiên đường đã mất. Xin lược trích: Những cánh rừng xứ Đàng Trong có rất nhiều voi, nhưng dân bản xứ không mấy quan tâm bởi họ không biết cách bắt cũng như huấn luyện chúng: Họ mua những con voi được thuần từ bên Cao Miên, một vương quốc lân bang.
Những con voi này to gấp hai lần voi Ấn Độ, dấu chân chúng có đường kính không dưới nửa thước; hai ngà, thực chất là răng, mọc ra từ đằng miệng với chiều dài bốn thước rưỡi với con đực, ở con cái thì ngắn hơn nhiều; rất dễ để nhận ra, voi xứ Đàng Trong to lớn hơn nhiều so với những con voi thường thấy ở các triển lãm Châu Âu với cặp ngà không quá ba phần tư thước. Voi sống tương đối thọ, khi tôi hỏi chúng có thể sống bao lâu thì người quản tượng trả lời rằng con voi của ông ta từng sống 60 năm ở Cao Miên và 40 năm ở Đàng Trong.
Một con voi trung bình có thể chở được 13-14 người. Quản tượng (Nayre) ngồi trên đầu voi để điều khiển chúng. Tôi không chỉ được cưỡi voi trên đất bằng mà còn thường xuyên được nó chở đi vượt biển, qua quãng đường dài hơn một dặm. Với bất kỳ ai chưa từng tận mục sở thị, được thấy một khối sinh vật lừng lững lướt đi trong nước như một con thuyền, trên vai tải một khối lượng khổng lồ quả là một trải nghiệm kỳ thú. Thật ra, con vật khổng lồ đó cũng thi thoảng thấm mệt dưới sức nặng vô lý mà cơ thể nó phải mang vác, và còn có phần gây khó thở; để giảm bớt cơn nhức mỏi nó sục vòi hút nước và phun lên thật cao, hệt như một con cá voi băng qua đại dương.
Cũng bởi vẻ ngoài có phần thô của voi mà rất nhiều người nhầm lẫn, rằng nó không thể quỳ hay nằm, và rằng chỉ duy có một cách để bắt voi, ấy là đốn hạ cái cây mà nó hay tựa mình để ngủ, vì khi không có điểm tựa nó sẽ ngã nhào và trở thành con mồi béo bở cho cánh thợ săn: Quả là chuyện hoang đường cho dù đúng là voi không ngủ nằm, nhưng đó là vì tư thế nằm khiến voi khó chịu, như đã nói ở trên, nên nó mới thường ngủ đứng với cái đầu lúc lắc không ngừng .
Khi ra trận, người ta sẽ dỡ nóc bành để quân lính ngồi trên đó chiến đấu như ở trong tháp canh với súng hỏa mai, cung tên và đôi khi là một khẩu pháo, những con voi đủ khỏe để vác mọi thứ, sức mạnh của chúng bất khả chiến bại so với các loài vật khác: Tôi từng nhìn thấy một con voi dùng vòi để vần vật nặng; một con khác nâng cả khẩu pháo lớn; và con khác nữa khéo léo dùng đôi ngà đẩy 10 chiếc thuyền đánh cá ra biển. Tôi cũng đã thấy những con voi quật ngã cổ thụ dễ dàng như ta nhổ bắp cải hay diếp xoăn; cũng dễ dàng như vậy, chúng hoàn toàn có thể xô ngã nhà cửa, phá hủy đường sá khi được ra lệnh hay tiêu diệt kẻ thù trong chiến tranh, hay phun nước chặn đứng cơn cuồng nộ của lửa trong các đám cháy .
Quả không sai khi nói rằng: Không có con thú nào khôn ngoan khéo léo bằng voi; bởi voi có thể làm nhiều điều với trí khôn của chúng. Trước hết, dù quản tượng có một dụng cụ bằng sắt dài tầm một thước với đầu móc để đánh cho voi chú ý hiệu lệnh, thì ông ta chủ yếu vẫn chỉ huy nó bằng lời nói; có vẻ như loài voi hiểu được ngôn ngữ; nhiều con thậm chí còn hiểu 3, 4 ngôn ngữ khác biệt tùy theo những vùng miền mà nó từng sinh sống. Tôi từng cưỡi một con voi vừa hiểu tiếng Cao Miên - nơi nó sinh ra, vừa hiểu tiếng Đàng Trong - nơi nó đang sống. Và sao có thể không thán phục cho được khi nghe quản tượng truyền đạt cho con voi của mình về từng đường đi nước bước, những nơi phải đi qua, đến lữ quán nào thì dừng lại, ở đó có gì ăn? Tóm lại, quản tượng cung cấp cho con voi đầy đủ chi tiết thông tin về chuyến hành trình nó sắp thực hiện, rồi dõi theo con vật to lớn thực hiện chính xác mọi điều nó được trông đợi làm. Thường khi chẳng khác mấy người ta trông đợi những việc một con người có đầy đủ năng lực phán đoán có thể làm đến mức con voi hiểu được điểm đến của mình, tự vạch ra lộ trình đi ngắn nhất, không chút mảy may đếm xỉa đến những chặng đường khó nhọc, những con sông, cánh rừng hay núi thẳm phải qua, con vật cứ thế tiến bước, không chút nao núng trước những chướng ngại có thể gặp phải, nếu gặp sông, nó sẽ lội hoặc bơi qua; nếu gặp rừng, nó sẽ bẻ cây hoặc để cho nhanh thì dùng vòi phạt cành bằng một lưỡi hái sắc bén thường được móc trên cỗ bành, và khi cần, voi sẽ dùng vòi quật đổ cây cối để mở đường xuyên qua những khu rừng rậm, bất cứ con voi nào cũng có thể mở đường tạo lối, và chúng làm điều đó một cách mau lẹ và khéo léo, trong sự tuân phục dành cho người quản tượng.
Điều duy nhất làm sinh vật này đau đớn và khó chịu đó là bị gai nhọn hoặc những vật tương tự đâm vào bàn chân - vốn là phần cơ thể vô cùng mềm yếu nhất của voi, bởi vậy chúng rất cẩn trọng khi đi qua những chỗ tiềm ẩn nguy hiểm. Khi đến lữ quán nghỉ đêm, quản tượng thả cho lũ voi vào rừng kiếm ăn nhưng không tháo bành ra; khi tôi thắc mắc về điều đó, ông ta giải thích rằng voi thường bẻ cành tước vỏ để ăn nên để chúng có thể phạt cành nhanh chóng cần phải giữ nguyên lưỡi hái sắt trên cỗ bành như điều vừa kể ở trên. Tôi thấy đặc biệt mãn nguyện khi nhìn thấy con voi khéo nhất bầy dùng vòi lấy cành cây, dùng răng tước vỏ và nhai ngon lành, thuần thục như ta bóc vỏ phỉ hay một thứ quả nào đấy ra ăn vậy.
Hôm sau, tôi đã kể cho khoảng 20 người đồng hành của mình nghe chuyện tôi vui sướng ra sao khi thấy con voi đó ăn lá cây ngon lành, thế là người quản tượng theo lệnh của chủ nhân gọi con voi tên Gnin đó lại; tuy đứng cách đó một quãng, song khi nghe đến tên mình nó liền ngẩng đầu vểnh tai lên. “Hãy nhớ lại, đó, vị Cha xứ đó, nhớ cái lúc ông ấy ngắm nhìn mi ăn hôm qua, giờ thì bắt lấy cành cây này, đến trước mặt ông ấy và biểu diễn lại những gì mi đã làm hôm qua”. Quản tượng vừa dứt lời thì chú voi đã nhanh nhẹn dùng vòi tóm lấy cành cây rồi đi đến trước mặt tôi, một người trong số rất đông những người khác, rồi chìa cành cây ra, tước vỏ và ăn; rồi nó cúi người xuống rất thấp, đoạn rời đi với vẻ như là đang cười, thể hiện niềm hân hoan và hài lòng nơi con vật, để lại tôi sững sờ vì kinh ngạc trước khả năng thấu hiểu và thi hành mệnh lệnh của nó. Nhưng voi chỉ tuân lời của quản tượng hay chủ nhân của nó: Chúng chỉ chấp nhận cho những người này cưỡi lên mình; còn đối với người lạ, nếu định trèo lên thì cầm chắc gặp họa lớn, vì voi sẽ dùng vòi giật tung cỗ bành và giết chết người đó; vì thế khi có người muốn leo lên lưng voi, quản tượng sẽ phải che mắt voi bằng hai cái tai khổng lồ kỳ dị của nó.
Nếu có lúc nào đó con voi không nghe theo mệnh lệnh, người quản tượng sẽ đánh rất dữ vào giữa trán voi, khi đang cưỡi trên đầu chúng: Có một lần tôi cùng những người khác chứng kiến cảnh một quản tượng phạt con voi đang cưỡi, với mỗi cú roi quất mạnh xuống con vật, chúng tôi tưởng chừng như thể mình sắp rơi cả xuống đất. Nhìn chung, người ta chỉ quất 6, 7 roi, nhưng với lực mạnh đến nỗi cả người con voi run lên bần bật, ấy vậy mà nó vẫn đứng im nhẫn nhịn chịu đòn.
Chỉ duy nhất một trường hợp voi không nghe lời quản tượng hay bất kỳ ai khác, đó là khi nó động dục. Lúc đó, không chịu được bất cứ ai mà chỉ có mình mình, con vật giữ lấy cỗ bành cùng mọi thứ gì trong đó, nó giết chóc, phá hoại và đập nát tất cả thành từng mảnh. Nhưng thường thì quản tượng đoán biết được tình trạng của voi thông qua một vài dấu hiệu nhỏ, nên nhanh chóng cùng hành khách leo xuống, tháo bành khỏi người voi, để nó một mình ở nơi nào đó cho đến khi cơn cuồng nộ dịu xuống. Sau đó, như thể đã biết lỗi của mình, con voi cúi đầu nhận đòn, nghĩ rằng nó bị như vậy là đúng tội.
Ngày trước, voi được dùng nhiều trong chiến đấu, và những đội quân có thớt voi xông trận đều vô cùng dũng mãnh. Nhưng kể từ khi người Bồ Đào Nha nghĩ ra kế bắn đạn pháo vào mắt voi, chúng lại trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Bởi khi bị bắn tia lửa vào mắt, voi điên cuồng tháo chạy, làm tan vỡ hàng ngũ, giẫm đạp và giết chóc bất kể thứ gì cản đường chúng (dựa theo những gì Cha Borri nhắc tới ở đây, voi đã được huấn luyện làm quen với tiếng nổ và đạn pháo để tham gia các trận chiến ở Đàng Trong suốt thế kỷ XVII và sau đó).
Những con voi đã được thuần hóa chỉ chiến đấu với hai đối thủ, một là voi rừng và hai là tê giác. Thường thì nó chỉ có thể đọ được với tê giác chứ không thể thắng nổi voi rừng. Tê giác là một loài thú có hình dạng to ở khoảng giữa ngựa và bò, xấp xỉ những con voi nhỏ nhất, toàn thân phủ đầy vảy cứng như một bộ giáp sắt. Tê giác có một chiếc sừng hình kim tự tháp mọc thẳng từ ngay giữa trán, chân và móng thì giống của bò. Khi tôi còn ở Nuocmon (Nước Mặn là một thương cảng đồng thời cũng là thành trì quan quân trú đóng, nay là thành phố Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định), một thành trì thuộc Pulucambi, người đứng đầu nơi này từng đi săn tê giác ở cánh rừng gần nơi chúng tôi ở. Theo hầu ông ấy có hơn một trăm tùy tùng, một số chạy bộ, số khác cưỡi ngựa, cùng khoảng từ tám đến mười con voi. Con tê giác từ trong rừng lao ra, đứng trước bao nhiêu kẻ thù nhưng nó không hề tỏ ra nao núng mà dũng mãnh xông đến; buộc đám người dạt sang một bên. Nó đối mặt với hậu quân, còn vị quan cưỡi trên lưng voi thì đang đợi con mồi tới để giết nó.
Con voi vốn định dùng vòi tóm lấy đối thủ nhưng không thành vì tê giác nhanh nhẹn vọt đi, quay người tính dùng sừng húc. Viên quan biết rõ tê giác không dễ gì bị đả thương nhờ lớp vảy cứng trên mình trừ khi nó để sơ hở ở mạn sườn, ông ta chờ cho đến khi con vật nhảy vọt lên để lộ điểm yếu thì liền đâm mũi giáo thật chuẩn xác trong tiếng hò reo vui sướng của quân sĩ - những người không làm gì khác ngoài việc nhặt nhạnh củi khô để nhóm lửa chuẩn bị thui con vật chiến lợi phẩm cho đến khi lớp vảy trên người nó cháy xém, khi đó họ xẻ thịt và chia nhau ăn ngon lành. Phần nội tạng gồm tim, gan, óc được nấu thành món thơm ngon dâng lên vị quan, người đang ngồi trên mô đất cao, tách biệt mình với đám quân lính. Tôi cũng có mặt ở đó và được tặng mấy chiếc móng tê giác, thứ mà người ta tin rằng có công hiệu và tính năng như vuốt của đám thú lớn (hoặc sừng hươu nai), sừng tê giác còn được coi là có tính chống độc, như sừng kỳ lân vậy.
Vua Lê trên đường đi làm lễ Tịch điền. Lễ thường được tổ chức vào tháng Hai hằng năm theo dương lịch. Trong tranh gồm: Vua xứ Đàng Ngoài, Quan Văn trong bộ triều phục phỏng theo kiểu Trung Quốc, Đội trưởng Đội túc vệ đang điều khiển thớt voi, các đội trưởng khác cưỡi ngựa theo sau, những túc vệ tinh tuyển, lọng và quạt. Ảnh: Omega Plus cung cấp. |
ĐẠI LỄ CẦU PHÚC CHO ĐẤT NƯỚC Ở ĐÀNG NGOÀI
Đại lễ cầu phúc cho đất nước, tục thường gọi là lễ BOUA-DEE-YAW (Vua đi Giao, “nhà vua đi tế trời đất”) hay tên chữ là lễ CAN-JA (Càn gia, “nhà trời”) qua ngòi bút của Samuel Baron như sau: Nhà vua không bao giờ hoặc hiếm khi ra khỏi cung cấm để cho thỏa thú vui, nhưng mỗi năm một lần, vua sẽ xuất hiện trước dân chúng (không kể đến những dịp đặc biệt được chúa tháp tùng xuất cung) trong buổi lễ long trọng nhân dịp đầu năm mới, vào một ngày tốt được chọn trước, bởi lẽ người Đàng Ngoài quan niệm rằng trong năm có những ngày tốt, ngày tốt nhất, ngày bình thường và ngày xấu, điều này xuất phát từ quan niệm mê tín của họ, cho rằng họ không được khởi sự làm việc gì quan trọng khi chưa giở lịch âm ra xem và tham khảo ý kiến của mấy ông thầy bói mù.
Vào dịp này, từ tờ mờ sáng, vua, chúa, thái tử cùng các vị đại thần đến địa điểm làm lễ ở phía nam kinh thành, vốn được dựng lên cho dịp lễ này với ba cửa nhưng không giống tam quan ở chùa, bên trong cũng không có bất kỳ hình tượng nào. Đoàn người dừng bước ở bên ngoài cho đến khi trời sáng hẳn; trong khi đó, nhà vua tắm rửa sạch sẽ và vận lễ phục mới (phải là bộ chưa hề được mặc trước đây). Khoảng tám giờ, một phát súng thần công khai hỏa; báo hiệu cho chúa, thái tử cùng các quan đại thần cung tiến về phía nhà vua để thực hiện nghi lễ tỏ lòng tôn kính và dâng lời chúc tụng. Nghi thức được tiến hành trong im lặng, không khí trang nghiêm và trịnh trọng phủ lên cả hai phía. Liền sau đó là phát súng thần công thứ hai báo hiệu đã đến lúc nhà vua được tháp tùng đến những cánh cửa đóng kín dẫn vào ba gian đã nói ở trên. Khi nhà vua gõ cửa, người canh cửa sẽ hỏi ai đấy. Nhà vua đáp, là nhà vua. Và thế là cửa mở họ cho nhà vua vào mà không có người tháp tùng bởi điều đó trái với lệ. Vua làm thế ba lần để qua ba cánh cửa cho đến khi vào được trong nhà, nơi ông thực hiện nghi thức cầu khấn thần linh với sự thành kính cao độ theo lối riêng của người Đàng Ngoài. Sau khi khấn vái xong, vua bước lên cỗ kiệu sơn son thếp vàng đặt giữa sân. Sau một chốc dừng lại, người ta dâng lên cho vua một lưỡi cày buộc sẵn vào con trâu, hệt như cách người dân vẫn dùng để cày cấy hằng ngày. Nhà vua nắm lấy cái cày, cũng hệt như cách người nông dân cầm nắm và sử dụng trong đời thực, cầu phúc cho muôn dân và chỉ dạy họ bằng những hành động tượng trưng rằng không ai phải xấu hổ khi là nông dân, rằng với sự lao động siêng năng, cần cù và nghiêm ngắn, đặc biệt là trong văn hóa nông nghiệp gắn liền với ruộng đồng, họ chắc chắn có thể trông chờ nhận về niềm vui thành quả xứng đáng với công sức lao động và những nhọc nhằn đã qua.
Buổi lễ cầu phúc sẽ kết thúc khi phát súng thần công thứ ba nổ rền. Nhà vua sẽ lại bước lên cỗ kiệu được che lọng do tám lính khiêng đi qua một vài con phố trước khi hồi cung, các quan văn mặc triều phục kiểu Trung Quốc đi chân đất theo sau. Đội túc vệ được tuyển lựa kỹ càng của chúa cũng theo hầu vua, cùng với đó là màn phô diễn của những đội voi, ngựa, tiếng trống đánh, tiếng thanh la, tiếng kèn kêu, tiềng cồng rền theo đó vang dậy không ngớt, cờ phướn muôn màu bay phấp phới. Khi đi ngang qua đám dân nghèo hai bên đường, nhà vua thể hiện sự hào phóng của mình bằng cách vung những nắm tiền đồng ban phát cho họ. Cách vua một quãng, chúa cưỡi voi trang nghiêm đi theo sau, tiếp đến là các con trai của ông ta cùng hoàng thân quốc thích rồi đến tướng soái và đại thần trong triều, tất cả đều phục sức sang trọng. Họ được hộ tống bởi một đội lính gác gồm ba hoặc bốn nghìn chiến mã, khoảng từ 100-150 tượng binh được trang hoàng lộng lẫy, cùng không dưới 10.000 quân sĩ mặc giáp oai phong, riêng áo và mũ được may từ những loại vải bền tốt của Châu Âu, điều đó đã cho thấy chúa vượt xa vua về độ xa hoa, tráng lệ. Chúa tháp tùng nhà vua phần lớn quãng đường, nhưng đến con phố rẽ về phủ thì chúa tách đoàn người. Thái tử đi sau đoàn người theo cùng một lộ trình với đội hình quy mô chỉ bằng một nửa quy mô của vua cha, đến đoạn rẽ về tư dinh, thái tử cũng tách đoàn...
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/viet-nam-the-ky-xvii-qua-ngoi-but-ky-su-839031.ldo
Theo Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)