Vị tướng giàu lòng nhân ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm giúp đỡ người khác mà không màng danh lợi hay sự ghi ơn. Ngay cả lúc được vinh danh công lao, ông còn nhường cho người khác không hề đắn đo.

"Giúp đỡ người khác không phải mong vinh danh "việc làm tử tế" cũng không phải làm chính sách. Vì chính sách đã có các cấp Đảng, Nhà nước lo rồi". Thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm luôn có tâm niệm như vậy mỗi khi ông muốn giúp một ai đó.

Xứng danh người lính Cụ Hồ

Từng tiếp xúc và làm việc với tướng Trịnh Hoàng Lâm, tôi rất hiểu ông. Sinh ra lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, thiếu thốn, từ vùng đất nghèo khó Quảng Nam, mỗi khi gặp những hoàn cảnh khó khăn là trái tim nhân ái của ông lại ngân rung. Có lần đến thăm ông vào buổi trưa, cánh cổng sắt hé mở, tôi dựng xe trong sân, nhìn ông nằm đọc báo trên chiếc ghế kê bên hông nhà, là nơi ông thường ngồi tiếp khách để ngắm hoa.

Từ ngày phu nhân qua đời, các con có gia đình riêng, căn nhà rộng bỗng trở nên vắng vẻ, thấy ông lầm lũi một mình tôi lại chạnh lòng. Nhận ra có người đến, ông ngồi bật dậy, niềm nở vào câu chuyện với khách.

Bà mí Ê Đê vui gặp tướng Trịnh Hoàng Lâm về thăm buôn Ja Wầm

Bà mí Ê Đê vui gặp tướng Trịnh Hoàng Lâm về thăm buôn Ja Wầm

Cuộc đời của tướng Lâm có một thứ ham muốn, đó là muốn giúp đỡ người khác. Hễ thấy đồng bào còn gặp khó khăn, nhiều gia đình nhà cửa tạm bợ là ông lại muốn giúp. Khi còn làm chính trị viên Đại đội 303 sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, phát hiện có một bà mẹ không có nhà cửa phải đi ở nhờ gầm sàn nhà người khác trong làng Broih nằm bên bờ sông Ba, thuộc huyện Krông Pa, Gia Lai, ông đã đề xuất ý kiến, bàn bạc với lãnh đạo đơn vị phát động chặt cây làm nhà cho mẹ thoát khỏi cảnh ở nhờ, được bà mẹ cũng như người dân Ja Rai trong vùng xúc động và càng yêu quý hơn những người lính Cụ Hồ.

Sau này làm chính trị viên tiểu đoàn, ông lại có một đề xuất táo bạo là xây dựng buôn làng định cư cho đồng bào Ê Đê buôn Ja Wầm (Đắk Lắk) trong khi có nhiều ý kiến của lãnh đạo tỉnh chưa thống nhất, bởi rằng tỉnh đã giúp đồng bào nhiều dự án phát triển kinh tế nhưng không dự án nào đánh bật được thói quen ăn sâu bám rễ từ ngàn đời với phương thức sản xuất nhỏ lẻ cố hữu trong đầu người dân. Được Công ty Lâm Nông nghiệp Ea Súp đồng tình với cách làm và hỗ trợ, nhanh chóng đất rừng được khoanh vùng san ủi, nơi dựng nhà, nơi để đồng bào trồng cà phê.

Cái tâm và lòng nhiệt huyết của người lính cùng với sự đồng lòng của tập thể, buôn định cư mau chóng ra đời. Bộ đội cùng đồng bào nhận khoán với Công ty Lâm Nông nghiệp Ea Súp chăm sóc rừng. Đời sống đồng bào thay đổi, tàn quân Fulro dần rút khỏi qua biên giới, không còn nạn quấy phá, cướp bóc.

Kế hoạch xây dựng khu định cư được tỉnh đánh giá là khu định cư kiểu mẫu góp phần ổn định đời sống cho đồng bào. Đơn vị quân dân kết hợp vừa làm kinh tế vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu được đoàn lãnh đạo Tổng cục Chính trị quân đội quốc gia Lào tham quan học hỏi, Quân khu V lấy mẫu hình đơn vị phát động toàn quân khu học tập.

Hết lòng vì đồng đội

Sau này làm chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk rồi tỉnh Đắk Nông, đeo quân hàm tướng, ông vẫn lui tới thăm hỏi đồng bào để khẳng định buôn làng do ông phác thảo xây dựng cho đồng bào vẫn phát triển theo hướng bền vững. Hiện nay, về với đời thường, thỉnh thoảng ông vẫn lên thăm hỏi đồng bào.

Lẽ sống "Ai đối xử với mình thế nào thì mình đối xử lại như vậy" luôn nằm lòng người dân Tây Nguyên nên ngày Tết, đồng bào kéo nhau từ các buôn làng xa xôi ra TP Buôn Ma Thuột kèm theo bó măng, bó lá bép, con dúi, con cá, con gà… cùng gia đình ông đón xuân.

Lúc thời vụ giáp hạt, tướng Lâm lại bồn chồn lên thăm đồng bào, những gia đình nào còn khó khăn đều được ông chỉ dẫn cách làm ăn, trường hợp nào cần hỗ trợ đột xuất ông sẵn lòng giúp đỡ.

Tướng Trịnh Hoàng Lâm thăm mẹ đồng đội cũ đã hy sinh nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7

Tướng Trịnh Hoàng Lâm thăm mẹ đồng đội cũ đã hy sinh nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7

Tấm lòng ông là vậy. Có lần tôi đi cùng ông về Quảng Nhiêu, huyện Cư M’gar, nơi gia đình ông cùng đồng bào Quảng Nam ngày mới lên đất Tây Nguyên dừng chân lập nghiệp, đúng vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ.

Những dịp này ông đã chuẩn bị một số suất quà thăm hỏi gia đình đồng đội của ông năm xưa, những người cùng ông tham gia cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã không cùng ông trở về hoặc để lại một phần máu thịt trên chiến trường.

Đến thăm một gia đình đồng đội cũ là thương binh, địa phương hỗ trợ tiền dựng được căn nhà tình nghĩa, khi chúng tôi đến thấy tường đã xây, cửa đã dựng, tôn đã lợp, nhưng nền vẫn trơ đất đỏ. Tướng Lâm hỏi đồng đội:

- Còn cái nền nhà sao chưa đổ bê-tông cho sạch?

- Xã làm đến đó thì hết tiền, đang đợi.

Tướng Lâm mở túi đưa cho người đồng đội đủ số tiền mua vật liệu để đổ nền nhà. Vợ chồng chủ nhà từng quen với việc làm tình nghĩa của người đồng đội nên chỉ biết cảm ơn và hứa sẽ làm ngay.

Tướng Lâm giúp đỡ người khác mà không màng danh lợi hay sự ghi ơn. Ngay cả lúc được vinh danh công lao, ông còn nhường cho người khác không hề đắn đo. Ông Kpa Thu Nha, nguyên Bí thư Huyện ủy Ea Súp, nói với tôi:

- Ông Rơ Ô Cheo, Tiểu đoàn trưởng 303, được phong anh hùng, là người Tây Nguyên chúng tôi rất vui nhưng công lao truy quét Fulro phải nói đến chính trị viên Trịnh Hoàng Lâm, ông đã nhường danh dự này cho đồng chí đồng đội của mình.

Quan tâm hỗ trợ người nghèo

Trước dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tướng Lâm đi dạo một vòng quanh phường, trở về ông chuẩn bị một số phần quà, mỗi phần khoảng vài trăm ngàn đồng đi thăm hỏi tặng những gia đình trong phường mà theo ông, họ không có Tết.

Các anh chị lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường mời ông đi cùng đoàn, ông nói: "Các anh chị thay mặt Đảng, chính quyền thăm hỏi những gia đình thuộc diện chính sách là gia đình cách mạng, thương binh liệt sĩ…, còn đối tượng của tôi là những người cư trú trên địa bàn phường còn nghèo khó, là người bán vé số dạo, người thu mua phế liệu, đi làm thuê, họ là những người tàn tật do chiến tranh không phải thương binh… Hiện tại họ đang nghèo khó, tôi không phải giàu có gì đâu nhưng tôi có điều kiện hơn, được bạn bè, đồng đội, anh em có chút quà chúc nhau ngày Tết, tôi muốn chia sẻ phần lộc ấy giúp họ có được không khí Tết bằng trách nhiệm của một con người…".

Lời nói chân tình của vị tướng làm các anh chị lãnh đạo phường cảm động và càng hiểu thêm về tâm hồn, tình cảm đẹp của một vị tướng giữa đời thường.

Thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm sống chân thành bằng trái tim của người lính Cụ Hồ từng trải qua không ít những hy sinh, gian khổ của thời chiến tranh cũng như thời chuyển đổi từ bao cấp sang đổi mới mà nhiều người còn tư duy trì trệ.

Ông về với đời thường nhưng trong nhà không lúc nào vắng khách đến thăm. Họ là đồng bào các buôn làng xa xôi từng được ông giúp đỡ trong xây dựng cuộc sống, họ là những cán bộ chiến sĩ một thời dưới quyền ông, nhờ sự quan tâm của ông mà họ có đất có nhà giữa thành phố.

Luôn rộng cửa đón người thân

Về chuyện cấp đất cho quân nhân, theo tướng Trịnh Hoàng Lâm, cán bộ chiến sĩ có an cư thì mới yên tâm phục vụ quân đội. Ông đã cắp cặp lên Bộ Quốc phòng, Quân khu V, rồi lên tỉnh và chính quyền thành phố để họ cấp được một số suất đất ở cho bộ đội. Lui tới thăm gia đình ông, họ còn là những đồng đội cùng vào sinh ra tử với ông trong chiến đấu cũng như trong đấu tranh giữa đời thường với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Với tướng Lâm lúc còn đương chức cũng như khi về nghỉ hưu, suy nghĩ việc làm của ông luôn để lại ấn tượng tốt trong mỗi con người, nên dù về với đời thường, cánh cổng nhà ông luôn mở rộng đón những người thân thiết ra vào.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Có thể bạn quan tâm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.

Khi người già đi học công nghệ

Khi người già đi học công nghệ

Đều đặn mỗi tháng một lần, nhiều cụ ông, cụ bà từ 60 đến 90 tuổi lại mang tập bút đến lớp học về sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhằm bắt kịp được với thời đại 4.0 cũng như biết cách phòng tránh lừa đảo qua mạng.

Bừng thức gốm cổ M'nông

Bừng thức gốm cổ M'nông

Có thời điểm nghề làm gốm cổ của người M’nông R’lăm ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ lụi tàn, nhưng nơi ấy vẫn còn một vài nghệ nhân cố sức giữ nghề để giữ lấy nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.