Vẹo cột sống mà… không biết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vẹo cột sống nhẹ có thể không ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt, người bệnh cũng không biết. Cho đến một ngày, tuổi tác, lối sống hay một tai nạn thành "chất xúc tác" bỗng thành bệnh tai hại…
Chị Ng.T.T.N (40 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) khổ sở vì những cơn đau lưng tái diễn đã hơn 1 năm nay. Chị cứ nghĩ đơn giản là do ngồi nhiều hay do tập thể thao bị đau cơ nên tự chờ hết đau, đau quá thì chị chỉ nhờ ai đó đấm lưng, dùng dầu xoa bóp. Thế nhưng trong một lần khám bệnh, chị được phát hiện có vẹo cột sống nhẹ và biểu hiện thoái hóa cột sống giai đoạn đầu.
Tăng nguy cơ thoái hóa cột sống
Bác sĩ (BS) chỉnh hình ở một phòng khám gần nhà, cũng là bạn chị N., bắt chị về nhà tập luyện một số động tác cơ lưng, khuyến cáo ngồi 30 phút là phải đứng lên đi bộ 5 phút, kèm theo lời dọa: "Không làm theo là thoái hóa nặng, đi đứng như bà già luôn đó!".
Đối chiếu phim cũ trong hồ sơ khám sức khỏe học đường 25 năm trước mà chị N. tìm được với phim mới, BS cho biết chị đã bị vẹo cột sống nhẹ từ lâu, rất nhẹ đến mức anh là bạn thân với chị cũng không để ý. Tuy nhiên, sau 2 lần mang thai, rồi 10 năm làm văn phòng ngồi một chỗ khá nhiều, cột sống đã vẹo còn bị tì đè không phù hợp, thiếu vận động khiến cột sống dễ bị đau và bắt đầu thoái hóa sớm.
 Khám bệnh tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM
Khám bệnh tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM
TS-BS Nguyễn Tiến Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, nhận xét ông từng gặp những bệnh nhân bị vẹo cột sống nhẹ nhưng không biết. Tình trạng này có thể là vẹo cột sống tiên phát từ nhỏ (nguyên nhân không rõ ràng), cũng có thể là vẹo cột sống thứ phát (do mắc phải, ví dụ do chấn thương, bệnh cột sống). Nếu vẹo cột sống nhiều, rõ ràng, bệnh nhân thường chủ động đi điều trị ngay nhưng vẹo nhẹ thì nhiều người lại không biết, vả lại nó cũng ít ảnh hưởng đến sinh hoạt, vận động nên coi nhẹ. Tuy nhiên, kết hợp với lối sống như thiếu vận động, một chút vẹo này có thể dẫn đến thoái hóa cột sống sớm. Có người mới 35 tuổi, hay thậm chí trẻ hơn, đã có dấu hiệu thoái hóa cột sống, mà nguyên nhân là sự kết hợp giữa 2 yếu tố: vẹo cột sống nhẹ và lối sống.
Đau lưng thường xuyên, sau chấn thương: Phải đi khám
BS chuyên khoa II Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Đa khoa Vạn Hạnh (TP HCM), thông tin vẹo cột sống ở người lớn còn có thể gặp sau chấn thương hay sau cơn bệnh đau lưng. Cơn đau ở một tổ chức nào đó như cơ, dây chằng vùng lưng - cột sống dẫn đến một tư thế xấu. Nếu cơn đau này kéo dài có thể dẫn đến hậu quả là cột sống vẹo nhẹ.
Để tránh trường hợp này, cách tốt nhất là khi bạn có bệnh hay chấn thương vùng lưng, hãy đi khám để điều trị sớm và được hướng dẫn cách vận động, ngồi phù hợp, tránh tư thế lệch lạc dẫn đến ảnh hưởng cột sống. Khi đã phát hiện hơi vẹo rồi thì phải đến BV ngay, vì nếu chỉ mới bắt đầu bất ổn do chấn thương hay tư thế thì hoàn toàn có thể khắc phục được.
Ngược lại, nếu bệnh nhân cứ cố sống chung với cơn đau, chỉ dùng thuốc giảm đau, xoa bóp để trị triệu chứng nhất thời mà không đi khám, tình trạng có thể nặng thêm theo thời gian, nhất là khi bước vào lứa tuổi trung niên, cao niên. Khi đó vấn đề sẽ khó giải quyết hơn. Bởi lẽ, bệnh gì để lâu cũng phức tạp thêm và phát sinh biến chứng.
BS Định phân tích có nhiều trường hợp các cơn đau do cột sống bị áp lực không phù hợp mới ở giai đoạn đầu và việc giải quyết đơn giản đến không ngờ. Ông từng khuyên bệnh nhân về…kê lại máy tính vì họ để màn hình máy tính theo góc chéo, ngồi tại chỗ mà quay nửa người sang thao tác hay sử dụng một chiếc ghế nệm quá mềm khiến cả ngày phải ngồi cong lưng làm việc; hoặc có thói quen ngồi nghiêng một bên những lúc chỉ làm việc bằng chuột máy tính….
TS Lý khuyên rằng dù không gặp bất cứ tai nạn, chấn thương nào mà thấy hay đau, mỏi lưng, bạn cũng nên đi khám. Vì đó có thể là dấu hiệu cột sống có vấn đề, có thể là dấu hiệu của một bệnh khác; tình huống nào cũng nên kiểm tra và can thiệp sớm. 
 
Biện pháp bền vững là tập luyện
TS-BS Nguyễn Tiến Lý nhận định với các trường hợp phát hiện vẹo cột sống nhẹ, cho dù không cải thiện được thì BS cũng hướng dẫn bệnh nhân các phương án lâu dài để ít ra nó không vẹo nặng thêm và không dẫn đến các tình trạng khác như thoái hóa khớp. "Những biện pháp đó bao gồm điều chỉnh tư thế phù hợp trong sinh hoạt hằng ngày: thế ngồi, cách bưng bê vật nặng… Ngoài ra, có những bài tập vật lý trị liệu, bài tập thể dục mà BS và chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn để bệnh nhân tự tập lâu dài ở nhà, giúp cột sống và các tổ chức cơ, dây chằng xung quanh được khỏe mạnh, ngừa thoái hóa khớp và áp lực không phù hợp lên cột sống, gây đau và các vấn đề khác. Do vậy, việc thay đổi lối sống, tăng cường vận động, thể thao cũng rất cần thiết" - BS Lý nói.
Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.