Vé bay Tết Nguyên đán: Nhiều chặng không còn ghế để mở bán cho khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại nhiều đường bay đến các địa phương đã hết vé và Cục Hàng không Việt Nam đang theo dõi sát sao để có phương án tăng tải cung ứng nhằm đảm bảo đi lại cho người dân.

Chỉ còn hơn một tháng nữa đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đến nay, hàng loạt các đường bay đã hết vé trong giai đoạn cao điểm nghỉ lễ.

ve-bay-tet-nguyen-dan-nhieu-chang-khong-con-ghe-de-mo-ban-cho-khach-dd.jpg
Nhiều đường bay đã hết vé trong một số ngày cao điểm của cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều đường bay đã “cháy vé”

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ lễ (từ 21-27/1/2025), tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương đang tăng nhanh chóng. Trong đó, một số đường bay đã đạt trên 90% đến 100% tỷ lệ đặt chỗ vào từ 23-27 tháng Chạp như: Thành phố Hồ Chí Minh đi Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vinh, Chu lai, Quy Nhơn…

Khảo sát giá vé trên website bán vé của các hãng hàng không Việt Nam, ngày 25/1/2025 (ngày 26 tháng Chạp âm lịch) - ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết, đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Quy Nhơn, vé bay duy nhất chỉ còn mỗi Vietnam Airlines với ghế hạng thương gia, mức giá lên tới 4,67 triệu đồng và còn đúng 2 ghế còn lại. Đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Thanh Hóa chỉ còn một ghế thương gia giá vé xấp xỉ 6 triệu đồng. Các hãng bay khác không còn chỗ bán trong ngày này.

Các ngày gần kề và sau giai đoạn này vẫn còn nhiều chỗ. Cụ thể, ngày 28/1/2025 (ngày 29 Tết, đêm Giao thừa), vé bay còn rất nhiều và giá vé bay Vietjet gần 3,6 triệu đồng; Vietnam Airlines là 3,74 triệu đồng.

Ở chiều ngược lại trong giai đoạn này, tỷ lệ đạt chỗ rất thấp, chỉ từ 5% đến 30% tùy chặng, tùy ngày. Các hãng hàng không thực hiện nhiều chuyến bay rỗng để vận chuyển hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung.

Vào cuối kỳ nghỉ lễ, sau Tết Nguyên đán (giai đoạn từ 30/1-7/2/2025), trên các đường bay từ địa phương về lại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ đặt chỗ tương tự như giai đoạn trước Tết. Một số ngày trên các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ đã đạt hoặc xấp xỉ 100% như: Pleiku, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai, Đồng Hới, Buôn Mê Thuột, Vinh…

“Theo quy luật và giống như giai đoạn trước Tết, tỷ lệ đặt chỗ ở chiều ngược lại rất thấp và các hãng hàng không cũng phải khai thác nhiều chuyến bay rỗng trong giai đoạn này,” lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.

Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra giấy tờ của hành khách trước khi vào khu vực soi chiếu an ninh để lên máy bay. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra giấy tờ của hành khách trước khi vào khu vực soi chiếu an ninh để lên máy bay. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với các đường bay trục như Thành Hồ Chí Minh-Đà Nẵng/Hà Nội và ngược lại, tỷ lệ lấp đầy trong giai đoạn từ 25/1-2/2/2025 (tức 26 tháng Chạp tới mùng 5 tháng Giêng âm lịch) vẫn chưa cao, đạt trung bình 35-40%. Riêng ngày 25/1/2025 trên chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội là có tỷ lệ cao trên 80%, giá vé từ 3,41-3,74 triệu đồng.

Ngày 2/2/2025, ngày kết thúc kỳ nghỉ lễ, chặng Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận mức giá 3,74 triệu đồng với Vietnam Airlines; Vietjet Air là 3,6-3,68 triệu đồng và 3,41-3,68 triệu đồng với Vietravel Airlines.

Các đường bay du lịch từ Hà Nội đi các tỉnh miền Trung, miền Nam như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Bình Định… giai đoạn trước và sau Tết vẫn còn rất nhiều chỗ với tỷ lệ lấp đầy từ 20-50% tùy ngày, tùy chặng bay.

Bố trí thêm nhiều chuyến bay đêm

Trước nhu cầu đi lại tăng mạnh trên các đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, trên cơ sở bám sát tình hình đặt chỗ, bán vé và khả năng đáp ứng của các hãng hàng không và các cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã tiếp tục điều chỉnh tăng tham số điều phối giờ cất, hạ cánh (slot) tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, từ ngày 21/1-9/2/2025, số chuyến bay cất hạ cánh được nâng lên 48 chuyến/giờ vào ban ngày và 46 chuyến/giờ vào khung giờ ban đêm.

Các slot tăng thêm do tham số điều phối tăng đã được Cục Hàng không xác nhận hết cho các hãng hàng không Việt Nam để bổ sung tải cung ứng trên các đường bay hiện đã kín chỗ từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc như Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa, Huế, Chu Lai, Pleiku, Buôn Mê Thuột…

Các hãng hàng không sẽ tăng cường thêm nhiều chuyến bay đêm đến các sân bay địa phương trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các hãng hàng không sẽ tăng cường thêm nhiều chuyến bay đêm đến các sân bay địa phương trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng sẽ bố trí thêm nhiều chuyến bay đêm đến các cảng hàng không địa phương và điều chỉnh kế hoạch khai thác để bổ sung thêm các chuyến bay vào các khung giờ ngày trong các ngày cao điểm, các ngày có tỷ lệ đặt chỗ 100% ở thời điểm hiện tại.

Để thuận tiện đi lại trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, các hãng hàng không khuyến khích hành khách chủ động lên kế hoạch, đặt chỗ và mua vé từ sớm. Để tránh mua phải vé giả, vé bị nâng giá trong dịp này, hãng khuyến nghị khách hàng mua vé trên website, ứng dụng di động, phòng vé, đại lý chính thức và yêu cầu lấy hóa đơn khi mua vé.

Theo Việt Hùng (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa thống nhất không ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 đối với 4 loại giấy tờ do UBND TP. Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thành phố đề xuất.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.