Vận tải hành khách trên đà phục hồi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu đi lại tăng mạnh so với trước đó. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp kỳ vọng ngành dịch vụ vận tải sẽ dần hồi phục.
Lượng hành khách tăng cao
Ông Trương Văn Luận-Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải du lịch Thuận Tiến Gia Lai-cho biết: Bắt đầu từ tối mùng 5 Tết, lượng khách từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã tăng mạnh, bình quân nhà xe phục vụ khoảng 800 lượt khách/ngày. Tối mùng 6 và mùng 7 Tết, đối với tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai-Đà Nẵng, nhà xe Thuận Tiến chạy 8 xe/tuyến; tuyến Gia Lai-Huế chạy 2 xe. Tần suất khai thác của đơn vị đạt khoảng 50 chuyến/ngày. “Chúng tôi rất mừng và kỳ vọng thời kỳ khó khăn nhất của doanh nghiệp vận tải do tác động của đại dịch Covid-19 đã qua”-ông Luận phấn khởi chia sẻ. Lý giải nguyên nhân lượng khách đi TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tăng mạnh dịp sau Tết, ông Luận cho rằng, bên cạnh lượng người dân từ các địa phương này về quê ăn Tết thì việc Chính phủ cho phép các trường dạy học tập trung khiến một lượng lớn sinh viên, học sinh quay trở lại thành phố. 
Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-đánh giá: Lượng khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán năm nay đạt 50-60% so với thời kỳ chưa có dịch Covid-19. Còn so với Tết Nguyên đán 2021, sản lượng vận tải khách Tết năm nay tăng mạnh.
Hành khách khai báo y tế trước khi lên xe tại Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa
Hành khách khai báo y tế trước khi lên xe tại Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa
Tuy nhiên, hiện tại, một số tuyến vận tải hành khách nhu cầu đi lại chưa cao, thậm chí nhà xe chưa thể mở lại. Chị Nguyễn Thị Trang-nhân viên quản lý Công ty TNHH một thành viên Đức Đạt Thành-thông tin: “Trong các ngày cao điểm, đối với tuyến Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh, nhà xe đã chạy 11 xe và quay đầu liên tục; tuyến Gia Lai-Đà Nẵng có 4 xe quay đầu hàng ngày. So với thời kỳ chưa có dịch Covid-19, tần suất đạt khoảng 60%. Tuy nhiên, tuyến Gia Lai đi một số tỉnh phía Bắc vẫn chưa thể mở lại vì lượng khách đăng ký quá thấp”. Cũng theo chị Trang, nguyên nhân tuyến đi các tỉnh phía Bắc có lượng khách đạt thấp là bởi giá vé máy bay từ Pleiku đi Hà Nội, Hải Phòng, Vinh rất cạnh tranh, tần suất bay cũng nhiều. Bên cạnh đó, nếu di chuyển bằng đường bộ, nhiều gia đình lại chọn đi bằng xe ô tô cá nhân về quê vì lo ngại dịch Covid-19.
Kỳ vọng phục hồi
Theo thống kê của Sở GT-VT, trong những ngày cao điểm (từ ngày 30-1 đến 4-2), tại các bến xe trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 216 chuyến xe, vận chuyển 3.466 lượt hành khách đi các tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 64 chuyến xe, tăng 1.089 hành khách so với cùng kỳ năm 2021). Về vận tải hàng không, chiều các tỉnh, thành về Cảng Hàng không Pleiku đã thực hiện 58 chuyến bay, vận chuyển 8.153 hành khách (tăng 23 chuyến bay, tăng 6.182 hành khách so với cùng kỳ năm ngoái). Chiều từ Cảng Hàng không Pleiku đi các tỉnh, thành đã thực hiện 58 chuyến bay, vận chuyển 5.918 hành khách (tăng 23 chuyến bay, tăng 4.138 hành khách).
Theo đánh giá của Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), hoạt động vận tải hành khách trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022 bảo đảm thuận lợi, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tại các bến xe, tình trạng tồn đọng khách đã không xảy ra. “Sở đã phân công lãnh đạo và cán bộ trực 24/24 giờ giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác vận tải hành khách, bảo đảm an toàn giao thông trước, trong và sau Tết. Thanh tra Sở tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện; khám sức khỏe, kiểm tra ma túy, việc sử dụng rượu bia đối với lái xe cũng như việc thực hiện quy định về giá cước vận tải trong những ngày cao điểm”-ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở GT-VT cho biết.
Lượng khách đi TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã tăng mạnh kể từ mùng 5 Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: Lê Hòa
Lượng khách đi TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã tăng mạnh kể từ mùng 5 Tết. Ảnh: Lê Hòa
Bên cạnh đó, Sở GT-VT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh thực hiện kê khai phụ thu giá cước chiều rỗng đúng quy định và thực tiễn nhu cầu đi lại; mức phụ thu tối đa không vượt quá 60% và áp dụng đến hết ngày 16 tháng Giêng. Đồng thời, các đơn vị phải niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Sở GT-VT trên phương tiện, tại bến xe để người dân có thể phản ánh về công tác vận tải Tết. “Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, đường dây nóng của Sở chưa nhận được thông tin phản ánh nào về hoạt động vận tải hoặc an toàn giao thông”-ông Hạnh cho biết thêm.
Với việc dịch Covid-19 tại các địa phương trên cả nước ngày càng được kiểm soát tốt hơn, nhu cầu đi lại phục hồi song song với quá trình phục hồi kinh tế-xã hội, năm 2022, ngành dịch vụ vận tải kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn. “Sau Tết, dự kiến lượng lao động trở về các tỉnh, thành phố sẽ tăng dần, kéo dài cho đến dịp nghỉ hè của sinh viên, học sinh. Cả 3 tuyến vận tải chính của doanh nghiệp đều hoạt động trở lại trước Tết. Toàn bộ 30 phương tiện xe khách của doanh nghiệp đều đã được duy tu, bảo dưỡng, sẵn sàng khai thác liên tục trở lại”-Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải du lịch Thuận Tiến Gia Lai thông tin thêm.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.