Văn học nghệ thuật Tây Nguyên thời kháng chiến chống Pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Biết có ở đâu trên trái đất này, chiến tranh lại liên miên, kéo dài như với đất nước Việt Nam? Và có lẽ cũng không ở đâu, đồng bào các dân tộc ít người lại gắn bó chặt chẽ với cách mạng và kháng chiến như ở nước ta. Trong những ngày cam go, không ít văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên đã góp những bài ca, điệu múa làm nên tinh thần lạc quan ấy.

Từ cuộc sống biệt lập giữa rừng xanh và đất đỏ, Tây Nguyên lần đầu tiếp xúc với những chiến sĩ cách mạng đi xây dựng phong trào Việt Minh đánh Pháp. Những con người của nền văn minh nương rẫy không có gì nhiều ngoài tấm lòng chân thật và niềm tin hồn nhiên mỗi ngày một được củng cố. Có thể khẳng định, văn nghệ DTTS Tây Nguyên thời kháng chiến chống Pháp chưa có bao nhiêu, cũng không có nhiều tác giả. Nhưng lần theo các bến nước, rẫy nương của vùng đất đậm đặc những trường ca, sử thi huyền thoại, những lời nói vần răn dạy đạo lý và  kinh nghiệm sống, những đêm hội rộn ràng tiếng ching chêng và náo nức vũ điệu xoang vẫn có thể tìm được những bài dân ca, ca dao với nội dung mới, ngân lên trong lòng dân sự quyết tâm chống giặc ngoại xâm, đoàn kết, động viên nhau cùng gìn giữ buôn làng, nương rẫy thân yêu… không chỉ theo Ama Jhao, NTrang Lơng, NTrang Gưh, bok Núp mà còn theo cán bộ, bộ đội Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Như bài ca của người Xê Đăng: “Nước ta to/Rừng ta lớn/Ná tên ta nhiều/Đếm không xuể/Nhìn không xiết/Pháp bao nhiêu tên?/Chúng đánh núi ta/Ta lại phải chịu?/Một người không mạnh/Trăm người chưa khỏe/Cả rừng đánh được/Cả núi đánh nhanh/Lấy người Kinh làm anh/Tìm người Kinh làm em…/Tất cả con một ruột/Kết một lòng/Nghe một tai/Đốt đồn, chặt Pháp”…

 Nhạc sĩ Nhật Lai (bên trái) và Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (ảnh chụp năm 1976). Ảnh: Phan Thế Hữu Toàn
Nhạc sĩ Nhật Lai (bên trái) và Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ (ảnh chụp năm 1976). Ảnh: Phan Thế Hữu Toàn



Hay “Chúng đến cướp đất ta/Chúng cướp Măng Đen để xây đồn/Chúng lấy Măng Púc để lập bót/Đốt làng ta làm đồn điền/Chặt rừng ta làm đường ô tô/…Ta xuống phía Đông có anh em người Kinh/Ta lên phía Tây có anh em người Lào/Lũ giặc nào ta cũng chẳng sợ…”.

Người Jrai hát cổ vũ thanh niên “Thi đua anh vũ trang/Hăng lên anh bộ đội/Anh nấp đánh đồn Bạc/Vây chặt đồn Xơ Gai/Giết Tây đồn Mơ Lá/Đánh phá đồn Cheo Reo…”. Và “Hãy đứng lên chiến đấu đồng bào/Không bỏ đất ông bà cho Pháp/Tranh đấu lâu ta sẽ độc lập”…

Dân ca Ê Đê thì lên tiếng kêu gọi “Giặc Xiêm nó đánh mạnh/Giặc Pháp nó đánh dữ/… Anh hãy cầm cái ná/Đi đầu quân NTrang Lơng”. Đây nữa “Ta quyết nối gót Aê Hmai/Ta quyết theo chân NTrang Lơng/Ta là con cháu núi rừng hùng vĩ/ Sức ta cao hơn núi/Lòng ta sâu hơn biển/… Năm nay nó chưa thua/Năm sau ta đánh tiếp/Cho đến khi rẫy ta được tự do/Cho đến khi nước ta được độc lập”…

Tinh thần ấy, ý chí ấy đã góp phần chống Pháp, giành lại độc lập, tự do cho quê hương Tây Nguyên, cho đất nước.
 
Cũng vào thời điểm này, để vận động quần chúng, đội thông tin tuyên truyền của các tỉnh Tây Nguyên được thành lập, đem lời ca, điệu nhạc, cả những bài dân vũ Jrai, Ê Đê, Xê Đăng mềm mại, trữ tình hay sôi động, những bài ching cũng được mang tên gọi mới “Mừng chiến thắng”… trình diễn trên những sân khấu đất giữa rừng, trong ánh lửa bập bùng tỏ mờ, không chỉ đem đến niềm vui mà còn tạo dựng cả niềm tin trong sáng vào sự nghiệp đấu tranh cho đất nước độc lập, giành lại tự do cho chính quê hương và dân tộc mình. Một số bài dân ca được các đội thông tin tuyên truyền, các ông Y Yơn, Nhật Lai sưu tầm đặt lời mới ca ngợi các chiến sĩ cách mạng đến với người dân Tây Nguyên, trở thành phổ biến, động viên bà con, như “Amiêt Man”, “Dăm Thơi”, “Tiễn đưa” (dân ca Jrai), “Gọi anh trở về”(dân ca Hrê)… Thậm chí ở vùng MDrak (tỉnh Đak Lak) còn xuất hiện sử thi khuyết danh “Săm Brăm” kể về thầy cúng người Chăm và phong trào “Nước xu” chống Pháp đã lan truyền khắp nơi, dẫu chẳng biết tác giả là ai. Những bài hát “Đing năm ca”, “Nhớ Cheo Reo”, “Chăn Đi bừng sáng”… của Kpă Púi cũng đã xuất hiện ở thời kỳ này, mang thêm niềm tin mới mẻ vào cách mạng, đến với tâm hồn trong trẻo của những con người hiền hòa, chân chất.

Mở rộng hơn, văn học viết của các DTTS thời chống Pháp không có gì ngoài một số bài thơ, ca dao của các chiến sĩ bị giam cầm trong các nhà lao Kon Tum, Đak Glei, Buôn Ma Thuột… mà nhà thơ Tạ Văn Sỹ ở Kon Tum đã dày công sưu tầm. Đồng thời, với 2 tác phẩm văn học nổi tiếng ở cả 2 miền là “Đất nước đứng lên” (Nguyên Ngọc) và “Lửa rừng” (Vũ Hạnh), trên khắp chiến trường khu 5 cũng xuất hiện một số ca khúc lấy đề tài và chất liệu dân ca Tây Nguyên làm động lực sáng tạo và cổ vũ kháng chiến như “Tây Nguyên hành khúc”, “Em Juk”, “Tiến lên Lăk “ (Đức Tùng & Hữu Tiến), “Du kích Ba Tơ” (Dương Minh Viên), “Dấu chân trên rừng” (Vĩnh An). Người có nhiều tác phẩm âm nhạc viết về Tây Nguyên nhất của thời kỳ này chính là Nhật Lai. Từ năm 1951 đến 1954, khi làm công tác vận động quần chúng ở Tây Nguyên, bằng năng khiếu âm nhạc và tình yêu Tây Nguyên như một mối tình định mệnh, ông không chỉ sưu tầm, đặt lời mới cho dân ca các DTTS Tây Nguyên mà còn sáng tác rất nhiều ca khúc dựa trên các chất liệu dân ca. Những ca khúc của Nhật Lai nổi tiếng và phổ biến hàng chục năm trong công chúng là “Thương anh cán bộ” (1952), “Đợi chờ” (1953), “Suối đàn trưng”, “Chim lạc đàn” (1953)…

Có thể khẳng định, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, văn nghệ DTTS Tây Nguyên chỉ mới có dân ca khuyết danh và tác giả âm nhạc Kpă Púi (quê ở Ayun Pa). Nhưng nghệ thuật diễn xướng dân gian, đặc biệt là âm nhạc cùng với mảnh đất và con người Tây Nguyên chân chất hiền hòa, tuy chưa hiểu gì nhiều nhưng vẫn một lòng theo cách mạng, đã tác động đến một số tác giả là những cán bộ người Kinh làm công tác vận động quần chúng, có năng khiếu âm nhạc, để có những ca khúc đầu tiên viết về vùng đất này. Đó cũng chính là tiền đề cho sự phát triển của âm nhạc Tây Nguyên, là suối nguồn mát lành cho những sáng tạo văn học nghệ thuật đủ các chuyên ngành ở thời kỳ chống Mỹ cứu nước và thời hiện đại.

 

 LINH NGA NIÊ KDAM 

Có thể bạn quan tâm

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.