Ưu tiên nguồn lực cho công nghiệp văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Du lịch văn hóa đã trở thành một mảng nổi bật trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa hãy còn non trẻ của vùng đất Gia Lai. Làm gì để khai thác nguồn lực cho ngành công nghiệp này là vấn đề đang được quan tâm.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có khả năng cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Lam Nguyên

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có khả năng cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Lam Nguyên

Công nghiệp văn hóa” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong chiến lược phát triển của ngành này. Đây là ngành sản xuất và truyền bá các dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa được tạo ra bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa và thương phẩm, bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Những hiện tượng toàn cầu như truyện tranh anime (Nhật Bản), nhóm nhạc Blackpink (Hàn Quốc)… là những minh chứng cho sự thành công của một số nước châu Á trong phát triển công nghiệp văn hóa. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, đóng góp vào GDP đất nước mà công nghiệp văn hóa còn góp phần gia cố, quảng bá “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia.

Trong dòng chảy đó, Việt Nam cũng được xác định có tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại. Ngày 8-9-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Gia Lai hiện có nguồn lực khá đa dạng, thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch. Về tài nguyên địa lý, nhiều điểm đến đã làm nên “thương hiệu” của Gia Lai như: Biển Hồ, hàng thông trăm tuổi, núi lửa Chư Đang Ya, thác K50…

Tài nguyên văn hóa-lịch sử cũng rất phong phú, đặc sắc với 44 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 10 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt; 8 di tích quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh) cùng bề dày văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Về nguồn lực con người, đội ngũ nghệ nhân các loại hình văn hóa của tỉnh khá đông đảo, qua đó giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như du lịch, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn... Trong đó, nhiều nghệ nhân tham gia “xuất khẩu văn hóa” thành công như: Rơ Chăm Tih (huyện Ia Grai), Rcom Bus (TP. Pleiku)...

Dù vậy, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Gia Lai nói riêng và nhiều địa phương khác trong cả nước nói chung vẫn còn gặp nhiều hạn chế như: chính sách chưa theo kịp thực tiễn; cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ; chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực; hành vi sao chép bất hợp pháp sản phẩm sáng tạo, vi phạm pháp luật về bản quyền chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để...

Du lịch văn hóa là thế mạnh của Gia Lai trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: Lam Nguyên

Du lịch văn hóa là thế mạnh của Gia Lai trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh: Lam Nguyên

Ngày 29-8-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Chỉ thị số 30/CT-TTg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ, để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, Việt Nam cần chú trọng đẩy nhanh quá trình ứng dụng, khai thác những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật cùng kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo, phát huy nguồn vốn văn hóa và quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh vừa có Công văn số 2178/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh yêu cầu tham mưu xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; chú trọng các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai cũng như khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Gia Lai, tập trung cho các công trình, dự án lớn, các hoạt động sáng tạo, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa, hình thành hệ thống thiết chế, không gian văn hóa-nghệ thuật...

Cùng với đó, UBND tỉnh đề nghị phát huy vai trò, trách nhiệm và tính sáng tạo, chủ động của doanh nghiệp trong tham gia đầu tư, xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa chủ lực của tỉnh, đặc biệt là du lịch văn hóa; xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt, là thế mạnh của tỉnh và có khả năng cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, quy hoạch và bố trí quỹ đất, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho các dự án phát triển công nghiệp văn hóa của địa phương, trong đó ưu tiên bảo tồn, giữ gìn phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa, các điểm du lịch văn hóa, vui chơi, giải trí, nghệ thuật biểu diễn, thiết chế văn hóa…; xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa…

Hai năm trở lại đây, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã mở chuyên ngành đào tạo mới là ngành Công nghiệp văn hóa nhằm đón đầu xu thế. Điều này thêm một lần khẳng định, công nghiệp văn hóa sẽ là hướng đi của tương lai.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến rất có lý khi cho rằng, để phát triển thì không thể tách rời 2 yếu tố công nghiệp và sáng tạo; phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, tuân theo quy luật của thị trường, có sự kết nối giữa tài năng sáng tạo với nguồn lực văn hóa, công nghệ, kỹ năng kinh doanh. Phát huy giá trị kinh tế của văn hóa sẽ góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Cả nước đang sôi sục chuyển mình theo lời hiệu triệu khẩn thiết của Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm. Một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đi đôi với những giải pháp quyết liệt thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Phản bác luận điệu xuyên tạc công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài Chỉ thị 45/CT-TW tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người VN ở nước ngoài trong tình hình mới...