Chỉ sau khoảng một tuần yêu cầu các doanh nghiệp cam kết giảm giá, giá heo trên thị trường tăng trở lại và dần lên mức cao hơn so với thời điểm chưa bị buộc giảm giá.
Ban đầu, nhiều cơ quan quản lý cho rằng các công ty chăn nuôi thao túng giá heo hơi. Nhưng khi xem lại số liệu, tổng đàn heo của các công ty chưa đến 35% tổng đàn heo cả nước, cơ quan chức năng lại cho rằng khâu trung gian đẩy giá cao.
Nhưng khâu trung gian bán thịt heo hiện nay, về cơ bản không có gì thay đổi so với khâu trung gian cách đây 2-3 năm, khi giá thịt heo xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Có vẻ như các cơ quan quản lý đang rối vì không biết phải tác động vào đâu để giảm giá heo, một mặt hàng chiếm tới gần 70% trong cơ cấu thịt tiêu thụ của người tiêu dùng VN, tác động khá lớn vào chỉ số giá tiêu dùng.
Thịt heo cũng như các mặt hàng khác sẽ tuân theo quy luật cung cầu, nguồn cung thiếu thì tất yếu giá sẽ tăng. Phải mất rất nhiều thời gian, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương mới đưa ra các con số cho thấy đàn heo hiện nay đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đến hơn 30%.
Đó là số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, trong khi các công ty và hiệp hội chăn nuôi cho rằng thực tế số heo giảm do dịch bệnh còn lớn hơn nhiều, thiệt hại nặng nề và lâu dài nhất là đàn nái trong dân.
Và vì nguồn cung thiếu hụt dẫn tới giá heo hơi tăng cao. Giá heo cao ở mức "siêu lợi nhuận" hiện nay chính là động lực mạnh mẽ nhất để doanh nghiệp và người dân tái đàn. Dịch tả heo châu Phi tại VN vẫn đang là mối đe dọa thường trực khi chưa có vắcxin phòng và thuốc đặc trị.
Cùng với giá heo giống lên quá cao (trên 2,5 triệu đồng/con heo con), nuôi heo đã trở thành một ngành kinh doanh rủi ro rất cao. Nếu giá bán heo không đủ cao thì các công ty và người dân không dám đầu tư mở rộng đàn.
Do đó, việc can thiệp mang tính hành chính kiểu yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán heo vừa làm thiệt hại cho người chăn nuôi (phải bán giá thấp hơn giá thị trường), vừa không giúp người tiêu dùng (giá bán lẻ vẫn cao) vì phần chênh lệch thuộc về một nhóm đầu nậu.
Các nấc trung gian trong bán thịt heo đã được hình thành tự nhiên trong nhiều năm qua không dễ gì thay đổi trong một thời gian ngắn.
Với người tiêu dùng, nếu giá thịt heo cao quá có thể chuyển qua ăn gà, vịt, trứng, cá... đang rất rẻ. Chính phủ đảm bảo cho người dân không thiếu thịt chứ không nên đảm bảo không thiếu thịt heo. Ai muốn ăn thịt heo giá cao là quyền của họ.
Như vậy, cách ứng xử hợp lý nhất với giá thịt heo hiện nay là coi đó như một mặt hàng bình thường và hãy để cho các quy luật của thị trường chi phối.
Thay vì yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán heo, nên khuyến khích tái đàn chăn nuôi bằng cách giảm các thể loại thuế phí, thủ tục cho nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, con giống... để giảm giá thành chăn nuôi.
Các loại thuế phí, thủ tục rườm rà trong nhập khẩu thịt heo cũng cần giảm thiểu để tăng nguồn cung cho thị trường nội địa.
Theo TRẦN MẠNH (TTO)