Ucraine sử dụng 7 ngàn và Nga 60 ngàn quả đạn pháo mỗi ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Theo CNN, dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Estonia và thống kê của các quan chức Ukraine cho biết, quân đội Ukraine đang tiêu tốn khoảng 6.000-7.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Kiev có thể sử dụng 10.000 quả đạn một ngày trong thời gian tới.
Pháo binh Ucraine khai hỏa tại tiền tuyến. Ảnh: NYT

Pháo binh Ucraine khai hỏa tại tiền tuyến. Ảnh: NYT

Tuy vậy, nó vẫn thấp hơn mức trung bình 20.000 quả mỗi ngày của Nga. Kỷ lục của Moscow trong năm nay là 60.000 quả đạn pháo một ngày.

Ông Armin Papperfer - CEO tập đoàn Rheinmetall của Đức cho biết, để đạt được mốc khai hỏa 10.000 lần mỗi ngày, Kiev cần được cung cấp 1,5 triệu quả đạn pháo mỗi năm. Đây là con số rất lớn, gây sức ép lên các nhà sản xuất phương Tây.

Vào tháng 7 năm nay, Mỹ cam kết chuyển thêm 2 triệu quả đạn pháo cho Ukraine, trong khi các nước EU hứa hẹn gửi khoảng 250.000 quả. Dù vậy, số đạn pháo này không thể ngay lập tức có mặt ở tiền tuyến. Một lô đạn pháo 155mm thông thường tốn khoảng 20 tháng để sản xuất và chuyển giao, trong khi các loại đạn hiện đại hơn có thể mất tới 36 tháng.

Để có thể cung ứng đủ cho nhu cầu của quân đội Ukraine, Mỹ đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng đạn pháo mỗi tháng, từ 14.000 quả lên 28.000 quả. Tập đoàn Rheinmetall cũng dự kiến sản xuất 400.000 quả đạn pháo trong năm 2023, gấp nhiều lần con số 100.000 năm 2022.

Tuy nhiên, nguồn tin của tờ New York Times tiết lộ, tốc độ sản xuất đạn pháo của Nga vẫn đang cao gấp nhiều lần các nước phương Tây. Khi cuộc xung đột kéo dài, tầm quan trọng của pháo binh được thể hiện rõ trên tiền tuyến.

Báo cáo vào đầu năm nay của The Eonomist chỉ ra rằng quân đội Ukraine đang sử dụng khoảng 180.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Trước chiến sự Nga- Ukraine, Mỹ có thể sản xuất khoảng 40.000 quả đạn pháo mỗi tháng. Nhận thấy nhu cầu bổ sung kho dự trữ cạn kiệt, Mỹ đã tăng năng lực sản xuất vũ khí.

Nhưng năng lực sản xuất hiện tại các nhà máy của Mỹ hầu như không đủ để đáp ứng nhu cầu vũ khí ngày càng tăng của Ukraine. Như The Washington Post đã lưu ý, mặc dù tiến độ sản xuất được đẩy nhanh, nhưng ước tính sẽ mất ít nhất 5 năm để bổ sung vào kho các mặt hàng như tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa đất đối không Stinger, cũng như các nhu yếu phẩm hậu cần khác.

Cho dù Mỹ và phương Tây cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn có thể”, nhưng hiệu quả viện trợ vẫn là mối quan ngại lớn. Nếu không hỗ trợ Ukraine đạt được cân bằng tiềm lực quân sự với Nga, có khả năng Ukraine sẽ khó giành được ưu thế trên chiến trường.

Có thể bạn quan tâm