(GLO)- Với mong muốn lan tỏa lối sống xanh, tuổi trẻ Gia Lai đã kết nối những người yêu thiên nhiên chung tay bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất.
Việc làm nhỏ-ý nghĩa lớn
“Đổi sách lấy cây” là chương trình ý nghĩa do nhóm từ thiện Fly To Sky tổ chức hàng năm với mong muốn kết nối cộng đồng chung tay hỗ trợ trẻ em vùng sâu, vùng xa và kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường. Năm nay, nhóm Fly To Sky triển khai chương trình “Đổi sách lấy cây” tại 7 điểm ở TP. Pleiku như: Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku, Trung tâm Ngoại ngữ Sao Kim cơ sở 2, quán cà phê Sê San, Touch Cinema… và 2 điểm ở huyện Mang Yang, Đak Đoa.
Chương trình “Đổi sách lấy cây” được nhóm tổ chức trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, duy trì từ ngày 28-5 đến 31-7-2022. Nhóm tiếp nhận các loại sách giáo khoa, sách tham khảo, báo cũ, bìa carton… Người tặng sách sẽ được nhận cây sen đá và các sản phẩm thân thiện với môi trường như: ống hút gạo, bàn chải tre, nước lau sàn sinh học, nước ngâm rửa thực phẩm. Số quà tặng quy đổi do nhóm kêu gọi tài trợ từ các Mạnh Thường Quân ở TP. Pleiku, tỉnh Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh.
Đoàn viên, thanh niên Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh dọn vệ sinh tại khu vực đồi thông xã Ia Dêr, huyện Ia Grai. Ảnh: Đức Thụy |
Chỉ với 5 kg sách báo cũ, khách hàng sẽ đổi được 1 cây sen đá hoặc 20 ống hút làm bằng gạo, ống hút làm từ tre thân thiện với môi trường hoặc 1.000 ml nước lau sàn sinh học, nước ngâm rửa thực phẩm. Dù mới triển khai 3 tuần nhưng chương trình đã thu được hơn 2 tấn sách báo, giấy các loại. Sau khi phân loại, sách vở còn mới được nhóm tặng cho thư viện các trường; số không còn sử dụng được sẽ bán gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo.
Tại điểm “đổi sách lấy cây” ở Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku, đông đảo người dân và học sinh đem sách vở, giấy báo đến đổi quà. Em Nguyễn Khánh Linh (lớp 8, Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Em thấy chương trình này rất ý nghĩa khi được góp sách ủng hộ các bạn thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vừa góp sức bảo vệ môi trường. Em ủng hộ 10 kg sách nên được nhận 1 cây sen đá và nhiều ống hút gạo. Những vật quy đổi rất dễ thương, tạo thói quen không sử dụng đồ nhựa cho mọi người. Em đã nhắn các bạn cùng lớp tới góp sách, ủng hộ chương trình”.
Ngoài các điểm ở Gia Lai, nhóm từ thiện Fly To Sky cũng triển khai chương trình tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Định. Tại mỗi địa điểm có 3 thành viên của nhóm tham gia cân sách, thông tin về chương trình và hình thức quy đổi. Số sách, giấy, báo thu được sẽ tập trung về một địa điểm rồi phân loại. Em Nguyễn Lê Gia Hân (lớp 11C1, Trường THPT chuyên Hùng Vương) cho biết: “Chương trình diễn ra vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Dù vất vả nhưng các thành viên của nhóm đều rất vui vẻ, nhiệt tình. Qua chương trình này, chúng em mong muốn lan tỏa tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm với môi trường sống đến mọi người”.
Anh Lê Văn Phúc-Chủ nhiệm nhóm từ thiện Fly To Sky-cho hay: “Chương trình “Đổi sách lấy cây” là hoạt động được duy trì từ năm 2019 đến nay. Mỗi năm, nhóm thu về từ 10 đến 20 tấn giấy các loại, hơn 500 bộ sách giáo khoa và khoảng 8.000 cuốn truyện. Chương trình nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa; thay vào đó sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường. Chúng tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ của người dân để có thêm sách vở cho các em học sinh vùng khó trước thềm năm học mới”.
Thành viên nhóm từ thiện Fly To Sky giới thiệu chương trình “Đổi sách lấy cây” với các giáo viên và học sinh. Ảnh: Phan Lài |
“Người Việt Nam không xả rác” là khẩu hiệu của Câu lạc bộ Vòng tay yêu thương (TP. Pleiku) đặt ra trong chiến dịch bảo vệ môi trường của mình. Câu lạc bộ đã triển khai chiến dịch với việc thu gom rác thải và cắm biển báo “Xin đừng xả rác” tại bãi dê (thôn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku), đồi thông xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Đó là những địa điểm thu hút khá đông du khách đến tham quan, trải nghiệm nhưng rác thải bị vứt bừa bãi, không được thu gom đúng nơi quy định. Ngoài nhặt rác, Câu lạc bộ còn tuyên truyền mọi người trồng thêm cây xanh. Câu lạc bộ cũng đã phối hợp với tổ chức Đoàn trồng 80 cây đỗ mai ở khu vực Lâm viên Biển Hồ và 2.000 cây xanh tại khu vực xã Gào (TP. Pleiku). Anh Lê Tuấn Thành-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vòng tay yêu thương-bộc bạch: “Thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trong khi ý thức bảo vệ môi trường của một số người chưa tốt. Chính vì thế, Câu lạc bộ mong muốn làm một điều gì đó để thay đổi nhận thức của mọi người, chung tay vì cuộc sống xanh-sạch-đẹp. Mọi người đều có thể bảo vệ môi trường từ những việc làm đơn giản nhất”.
Nâng cao ý thức cộng đồng
“Ngày chủ nhật xanh” là hoạt động ý nghĩa được tổ chức Đoàn các cấp triển khai hàng năm nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hưởng ứng “Ngày chủ nhật xanh”, ngày 29-5, Thành Đoàn Pleiku đã triển khai cho các tổ chức Đoàn cơ sở đồng loạt ra quân thực hiện những phần việc như: xử lý “điểm đen” rác thải; trồng cây xanh, vườn hoa trong khuôn viên công sở, trường học; xóa quảng cáo rao vặt, sơn vẽ các trụ điện trên địa bàn TP. Pleiku; khơi thông cống rãnh, phát quang đường làng ngõ xóm, khối phố… Các hoạt động được tổ chức đồng loạt đã tạo khí thế sôi nổi và lan tỏa ý nghĩa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Anh Thái Giang Nam-Phó Bí thư Thành Đoàn Pleiku-chia sẻ: “Hoạt động “Ngày chủ nhật xanh” thu hút hơn 200 đoàn viên, thanh niên tham gia. Mỗi công trình, phần việc đều linh hoạt thực hiện phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Hoạt động này vừa góp phần tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp vừa tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng phong trào “Tuổi trẻ Pleiku-chung tay xây dựng thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Từ đầu năm đến nay, thực hiện “Ngày chủ nhật xanh”, tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh đã thu gom, xử lý “điểm đen” rác thải, vệ sinh hơn 12 km đường giao thông nông thôn; phân loại 10 tấn rác thải các loại; tặng 1 mô hình “Ngôi nhà 200 đồng-thu gom rác thải”; xây dựng mới 5 tuyến đường thanh niên tự quản, trồng hơn 1.500 cây xanh… tại nhiều khu vực.
Đoàn viên, thanh niên xã Hòa Phú (huyện Chư Păh) chăm sóc “Tuyến đường cây thanh niên” ở làng Hreng. Ảnh: Phan Lài |
Bảo vệ môi trường sống chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi người. Sức hút của phong trào “Triệu cây xanh-Vì một Việt Nam xanh”, “Thử thách để thay đổi” và “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”… đã tạo nên làn sóng tích cực trong các tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Huyện Đoàn Phú Thiện đã lắp đặt 10 bể chứa rác thải tại giọt nước và trên các tuyến đường ở làng Trớ (xã Chư A Thai); Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh tổ chức trồng 50 cây xanh tại xã Al Bá (huyện Chư Sê)... Bên cạnh đó, các trường học cũng triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: thi vẽ tranh bảo vệ môi trường; tái chế rác thải nhựa; gây quỹ “Kế hoạch nhỏ”… nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong thiếu nhi. Các tổ chức Đoàn cũng triển khai tái chế lốp xe cũ, vật dụng bỏ đi thành công trình vui chơi cho thiếu nhi.
Với những chiến dịch, phong trào ý nghĩa đã triển khai, tuổi trẻ toàn tỉnh đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ môi trường, chung tay vì một môi trường sống xanh-sạch-đẹp. Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-thông tin: Tỉnh Đoàn thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và người dân trong bảo vệ môi trường. Các tổ chức Đoàn cơ sở cũng hưởng ứng bằng những công trình, phần việc ý nghĩa, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Phong trào bảo vệ môi trường dần trở thành hoạt động thường xuyên và thu hút đông đảo mọi người tham gia. Sự thay đổi tích cực của mọi người chính là động lực để tuổi trẻ toàn tỉnh tiếp tục nhân rộng, phát huy kết quả đã đạt được, chung tay bảo vệ môi trường sống, lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.
PHAN LÀI