Truyền thuyết ly kỳ về trâu trắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Câu chuyện về con trâu trắng (người xưa gọi Ngưu Tinh - NV) kết lên mối tình giữa làng Châu Lỗ (xã Mai Đình, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và Kim Thượng (xã Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội) hơn 400 năm qua như một truyền kỳ ấn tượng.

 Khung ảnh đền Châu Lỗ với hình con trâu trắng (Ngưu Tinh) minh họa - ẢNH: T.L
Khung ảnh đền Châu Lỗ với hình con trâu trắng (Ngưu Tinh) minh họa - ẢNH: T.L


Cơ duyên trâu trắng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngôi làng kết chạ với nhau ở một số tỉnh, thành vùng đồng bằng Bắc bộ thường nằm gần nhau về mặt địa lý, có sự giao lưu qua lại thường xuyên. Những ngôi làng cũng thường cùng xã, cùng huyện, tỉnh theo địa giới hành chính.

Nhưng làng (thôn) Kim Thượng nằm bên sông Cà Lồ, còn làng (thôn) Châu Lỗ bên sông Cầu cách nhau gần 15 km theo đường đê, thuộc 2 tỉnh, thành khác nhau là Hà Nội và Bắc Giang lại có kết chạ từ hơn 400 năm trước quả thực là một hiện tượng ngoại lệ, hiếm hoi.

 

 Toàn cảnh đền Châu Lỗ - nơi trâu trắng (Ngưu Tinh) từ Kim Thượng chạy sang. Đây cũng là nơi 2 làng kết chạ, kết nghĩa năm 1594 - ẢNH: N.H
Toàn cảnh đền Châu Lỗ - nơi trâu trắng (Ngưu Tinh) từ Kim Thượng chạy sang. Đây cũng là nơi 2 làng kết chạ, kết nghĩa năm 1594 - ẢNH: N.H


Chúng tôi rất tò mò về câu chuyện trên nên đã tìm gặp một số người cao niên ở hai ngôi làng này hiện nay. Tìm tới làng Kim Thượng, xã Kim Lũ chúng tôi hỏi thăm và được một số bạn trẻ giới thiệu đến gặp được ông Nguyễn Văn Quế, Trưởng ban chấp hành hội người cao tuổi thôn. Thấy người trẻ chúng tôi đang lắng nghe câu chuyện của làng mình, ông Quế tỏ ra phấn khích và cho biết ngay: “Người dân làng tôi và bên Châu Lỗ từ già đến trẻ ai cũng biết chuyện về con trâu trắng”.

Chuyện kể rằng, đầu năm 1593 (cách đây 428 năm), chúa Trịnh Tùng cùng văn võ bá quan rước vua Lê Thế Tông (trị vì 1573-1599) ra kinh thành Thăng Long sau khi đánh đuổi được thế lực nhà Mạc. Tháng 4 cùng năm đó, vua Lê lên chính điện ban chiếu đại xá tù bình, giảm sưu thuế toàn quốc. Triều đình cho nhân dân khắp nơi mở hội ăn mừng vì đã thoát khỏi cảnh binh đao, loạn lạc. Hưởng ứng không khí chung của đất nước, chiều tối ngày 11.9.1593, dân làng Kim Thượng đem một con trâu trắng ra cửa đình làng để giết mổ làm lễ tế thần rồi chia thịt cho dân làng ăn liên hoan…

Những trai tráng to khỏe được làng cắt cử đang chuẩn bị công việc giết mổ thì bất ngờ con trâu lồng lên làm đứt chạc rồi chạy vụt biến mất. Cả làng nháo nhác đi tìm trâu, nhưng do trời tối nên không thấy. Sáng sớm 12.9, dân làng Châu Lỗ làm lễ tế thần ở khu đền đã rất ngạc nhiên khi thấy con trâu lạ lông màu trắng không biết từ đâu đến. Trâu nằm phục trên bãi cỏ trước cửa đền ven đê sông Cầu. Cũng sáng hôm ấy, dân Kim Thượng sau khi hỏi thăm tin tức ở các vùng lân cận đã biết trâu trắng chạy theo bờ sông Cà Lồ, rồi bơi vượt sông Cầu sang đền Châu Lỗ.

 

Cây đa cổ thụ có tuổi đời gần 500 năm chứng kiến mối tình 2 làng Kim-Châu. ẢNH: N.H
Cây đa cổ thụ có tuổi đời gần 500 năm chứng kiến mối tình 2 làng Kim-Châu. ẢNH: N.H


Người làng Kim Thượng tìm vào đền Châu Lỗ gặp các cụ cao niên xin chuộc trâu. Thấy vậy, các cụ bên Châu Lỗ đã mời khách trà nước rồi nói: “Người là vàng, của là ngãi, không may trâu đứt chạc chạy sang đây, dân chúng tôi giữ giúp, nay xin trả lại chứ đâu dám lấy tiền chuộc của các anh!”.

Sau khi cám ơn làng bạn, người Kim Thượng ra dắt trâu về. Nhưng không ngờ trâu trắng cứ nằm trơ trơ và ngóc đầu về phía đền Châu Lỗ. Mấy thanh niên xúm lại mà không tài nào kéo được trâu đi. Như một điềm trời báo, người Kim Thượng cử người mang đồ sang đền Châu Lỗ làm lễ tạ thánh thần. Khi lễ xong, quả nhiên dân Kim Thượng mới dắt được con trâu trắng về làng mình.

Sau sự kiện như một điềm lạ ấy, không chỉ dân làng Kim Thượng mà người Châu Lỗ cũng rất coi trọng con trâu trắng. Dân ở cả 2 làng đã gọi trâu trắng là Ngưu Tinh. Bởi, Ngưu Tinh có nghĩa là ngôi sao trên trời ứng vào con trâu trắng để tạo ra một sợi dân vô hình kết lên mối tình 2 làng Kim-Châu sau này.

Nói có sách, mách có chứng, chúng tôi sang (thôn) làng Châu Lỗ, tìm gặp ông Nguyễn Đình Ấn ( 82 tuổi). Ông Ấn hiện đang giữ nhiều tài liệu về tục kết chạ của làng mình. Ông đã cho chúng tôi xem 2 tập sách mang tên Lịch sử kết nghĩa Kim-Châu trong đó ghi lại rõ câu chuyện về Ngưu Tinh từ hơn 400 năm trước. Có sách để còn lưu truyền cho con cháu những thế hệ mai sau.


 

 Hai làng gặp nhau nhân dịp kỷ niệm 400 năm kết nghĩa ( 1594-1994) - ẢNH: T.L
Hai làng gặp nhau nhân dịp kỷ niệm 400 năm kết nghĩa ( 1594-1994) - ẢNH: T.L



Mùa xuân cùng đi phu, đến thu kết nghĩa

Sau sự kiện ngày 12.9.1593, ông Nguyễn Đình Ấn kể tiếp cho chúng tôi nghe câu chuyện kết chạ ( còn gọi kết nghĩa anh em) giữa 2 ngôi làng. Cơ duyên nối tiếp cơ duyên, vào mùa xuân năm Giáp Ngọ (1594) trai tráng hai làng cùng đi phu lên vùng đất Cao Lạng (Cao Bằng và Lạng Sơn- PV) rồi gặp nhau trong niềm hoan hỉ như những người bạn lâu ngày hội ngộ.


“Tất cả những sự kiện về Ngưu Tinh, rồi câu chuyện đi phu làm cùng một nơi, giúp đỡ nhau thân tình… đã dẫn tới quyết định 2 làng kết chạ với nhau”, ông Ấn cho biết.

Đến mùa thu, nhằm ngày 12.9.1594, đúng kỷ niệm một năm sau khi hai làng gặp nhau để xin-trả trâu trắng thì lễ kết chạ đã diễn ra. Các cụ cao niên và đại diện nhân dân đôi bên đã chọn đền làng Châu Lỗ sát sông Cầu làm lễ kết nghĩa huynh đệ với lời thề thủy chung, son sắt. Ông Ấn đã đọc mấy câu thơ về lễ kết chạ, kết nghĩa này cho chúng tôi nghe. Đây là những câu trong tập thơ 244 câu lục bát và song thất lục bát được lưu truyền nhiều thế hệ ở 2 làng Kim-Châu:

…Xưa kia ai biết ai đâu
Ngưu Tinh dắt mối tình đầu nên thân
Đi phu Cao Lạng mùa xuân
Đến thu kết nghĩa toàn dân lâu dài.
Tình huynh đệ, nghĩa thâm giao
Dưới dày có đất, trên cao có trời
Dẫu cho vật đổi sao dời
Tử sinh vẫn giữ lấy lời tử sinh…


Từ đó ngày 12.9 hằng năm được người Kim Thượng và Châu Lỗ gọi là ngày lệ làng. Vào dịp này hàng năm ở 2 làng thường diễn ra các hoạt động thể thao, văn hóa hết sức sôi nổi. Còn vào dịp mùa xuân đầu năm, hai làng lại làm lễ gặp mặt tại đền Châu Lỗ. Một số năm, vào dịp gặp mặt thì chuyện Ngưu Tinh kết mối tình làng còn được phát trên loa phóng thanh. Bạn Ngô Duy Cương ở Châu Lỗ cho biết, ngay từ lúc bé đã được nghe chuyện Ngưu Tinh từ cụ mình kể lại, rồi còn được nghe qua loa phát thanh nên 2.300 người làng Châu Lỗ hay gần 3.000 dân Kim Thượng ai cũng biết chuyện này.

 

 Hội phụ nữ cao tuổi 2 làng dâng hương nhân ngày gặp nhau mùa xuân - ẢNH: N.H
Hội phụ nữ cao tuổi 2 làng dâng hương nhân ngày gặp nhau mùa xuân - ẢNH: N.H


Thử hỏi một số học sinh vừa tan học đang đi về trên con đường đê, điều bất ngờ với chúng tôi là các em không chỉ biết, còn thuộc cả 8 câu thơ về tục kết nghĩa mà ông Ấn mới đọc.

Để minh chứng cho mối tình nồng ấm, cao đẹp giữa 2 ngôi làng Kim-Châu, ông Ấn đã kể ra hàng loạt câu chuyện, sự kiện ý nghĩa, tốt đẹp. Vào những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), có lúc làng Kim Thượng bị chiếm đóng, còn Châu Lỗ vẫn thuộc vùng tự do. Trong hoàn cảnh éo le vậy, làng Châu Lỗ không sợ nguy hiểm mà vượt sông Cầu sang giúp Kim Thượng những việc chung, việc công.

 

Các cụ ông cao tuổi 2 làng làm lễ ở đình-đền Châu Lỗ ngày gặp mặt- ẢNH: N.H
Các cụ ông cao tuổi 2 làng làm lễ ở đình-đền Châu Lỗ ngày gặp mặt- ẢNH: N.H


Khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, vào năm 1957 khi Châu Lỗ sửa lại đình đền, Kim Thượng đã sai thợ ngõa (lợp nhà) và thợ nề (xây nhà) sang giúp không công, không đòi hỏi một thứ gì. Năm 1963 dân Châu Lỗ đắp đập chống lũ, người Kim Thượng lại sang giúp đỡ nhân lực, tiền của một cách chân tình, vô tư…

Năm 2006, làng Châu Lỗ lại sửa chữa đình, đền và cũng như những lần trước, dân Kim Thượng lại cho thợ sang làm giúp không công, rồi hỗ trợ gần 100 triệu đồng tiền mặt. Trong nhiều năm làng Kim Thượng bị lũ lụt, mất mùa thì dân Châu Lỗ đã mang lương thực, thực phẩm, con giống, cây giống sang giúp đỡ. Để cùng nhau phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình ở hai làng đã thường xuyên sang gặp gỡ, trao đổi để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Từ mùa màng cấy lúa, hoa màu cho đến chăn nuôi, làm nghề, buôn bán…giữa 2 làng đều có sự hợp tác, giúp đỡ nhau vô tư, nhiệt tình.


Ông Ấn chốt lại rằng: “Tục kết chạ, kết nghĩa anh em giữa hai làng Kim-Châu qua cơ duyên trâu trắng là một nét đẹp văn hóa luôn được người dân kế thừa và phát huy. Nó trở thành biểu tượng trong tình bạn, tình anh em luôn biết sẻ chia, nhường nhịn, quý mến nhau”.

Theo Dương Hải-Nguyễn Hường (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.