Trưởng thành từ Học kỳ trong quân đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình “Học kỳ trong quân đội” năm 2024 do Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức từ ngày 11 đến 20-6 đã trở thành sân chơi bổ ích, giúp 120 “chiến sĩ nhí” rèn sức vóc, luyện tinh thần và trưởng thành hơn.

Môi trường quân đội cũng đã khơi gợi ý thức trách nhiệm, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi thiếu nhi.

Tôi luyện bản lĩnh

Chương trình Học kỳ trong quân đội được tổ chức tại Tiểu đoàn Bộ binh 50 (Trung đoàn Bộ binh 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). 120 “chiến sĩ nhí” được biên chế thành 9 tiểu đội. Bài học đầu tiên trong môi trường quân ngũ của các “chiến sĩ nhí” là yêu cầu giữ vệ sinh, sắp xếp chăn màn. Dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ thuộc Tiểu đoàn Bộ binh 50, các “chiến sĩ nhí” chăm chú theo dõi từng động tác rồi thực hành để chăn, màn được gấp gọn gàng, đẹp mắt.

Không ít “cậu ấm, cô chiêu” chưa có thói quen dậy sớm thì nay chỉ cần hiệu lệnh của người chỉ huy vào lúc 5 giờ sáng là nhanh chóng thức giấc, gấp nội vụ rồi xếp thành hàng ngay ngắn để tập thể dục. Sau đó, các em trở lại phòng dọn vệ sinh khu vực sinh hoạt của tiểu đội mình; ba lô, giày dép được xếp gọn gàng, ngăn nắp, đúng vị trí quy định. 6 giờ sáng, các em di chuyển tới nhà ăn, tự rửa chén, đũa sau khi ăn xong.

Các chiến sĩ nhí học cách gấp nội vụ trong chương trình Học kỳ trong quân đội. Ảnh: P.L

Các chiến sĩ nhí học cách gấp nội vụ trong chương trình Học kỳ trong quân đội. Ảnh: P.L

Trong chương trình huấn luyện, các “chiến sĩ nhí” được hướng dẫn tập 16 động tác võ tay không, tìm hiểu về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam và của đơn vị, tìm hiểu về biên giới quốc gia và các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các em còn được hướng dẫn điều lệnh quản lý bộ đội, huấn luyện các tư thế võ tự vệ, các tư thế vận động trên chiến trường, cách tháo lắp súng tiểu liên AK. Qua nội dung huấn luyện, các “chiến sĩ nhí” hiểu rõ hơn sự rèn luyện vất vả, bản lĩnh, tinh thần thép của người cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Trưởng ban tổ chức chương trình Học kỳ trong quân đội: Qua 11 lần tổ chức, chương trình đã nhận được sự quan tâm của phụ huynh và các em thiếu nhi trong mỗi dịp hè. Do chỉ tiêu có hạn nên chúng tôi chỉ tổ chức mỗi năm 1 khóa với 120 thiếu nhi. Chương trình có sự tham gia của các em ở khu vực vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Điều đó chứng tỏ tính hiệu quả và sự lan tỏa của chương trình, giúp các em có những ngày hè thực sự bổ ích, thêm trưởng thành trong suy nghĩ và hành động.

Nội dung “hành quân dã ngoại” với chặng đường hơn 3 km và phải vượt qua các chướng ngại vật trên đường đã mang lại nhiều cảm xúc cho các “chiến sĩ nhí”. Quãng đường xa, thời tiết vùng biên giới nắng nóng nhưng các em đều nghiêm túc di chuyển theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Trong nội dung này, các em được tìm hiểu về bếp Hoàng Cầm; cách mắc tăng võng, lều bạt…

Trong bộ trang phục màu xanh áo lính, đầu đội mũ tai bèo, mỗi “chiến sĩ nhí” đều nhanh nhẹn, tự tin hoàn thành thử thách mà chương trình đề ra.

Em Trần Nhật Hưng (12 tuổi, tổ 11, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia chương trình Học kỳ trong quân đội. Lâu nay, em chỉ biết về môi trường quân đội qua ti vi và khá lo lắng khi tham gia chương trình. Qua những bài học bổ ích, em và các bạn rèn được tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và tác phong nhanh nhẹn”.

Chương trình Học kỳ trong quân đội được Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng chi tiết nhằm giúp các em rèn luyện ý thức tự lập, tính kỷ luật, nền nếp và tác phong quân đội.

Thượng tá Lã Thế Anh-Chính ủy Trung đoàn Bộ binh 991-cho hay: “30% chương trình là nội dung huấn luyện quân sự và 70% là nội dung giáo dục kỹ năng. Chương trình được sắp xếp khoa học, nội dung huấn luyện phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em.

Để các em có môi trường rèn luyện an toàn và đạt kết quả cao, ngay từ khi có kế hoạch, đơn vị đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, lực lượng và chương trình huấn luyện chi tiết. Công tác hậu cần, quân y cũng được quan tâm, bảo đảm đầy đủ. Đặc biệt, mỗi tiểu đội có 1 hạ sĩ quan phụ trách để hướng dẫn “chiến sĩ nhí” thực hiện đảm bảo các nội dung huấn luyện”.

Các chiến sĩ nhí vượt chướng ngại vật do Ban tổ chức chương trình Học kỳ trong quân đội đưa ra. Ảnh: P.L

Các chiến sĩ nhí vượt chướng ngại vật do Ban tổ chức chương trình Học kỳ trong quân đội đưa ra. Ảnh: P.L

Rèn kỹ năng

Bên cạnh nội dung huấn luyện quân sự thì các “chiến sĩ nhí” còn được trang bị những kỹ năng bổ ích như: cách nhận biết vật liệu nổ, sơ cứu người bị thương; kỹ năng tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt. Những chuyên đề: “Bản lĩnh-ý chí của tuổi trẻ”, “Vượt qua giới hạn và tâm lý sợ hãi của bản thân”, “Những thói quen của tuổi teen và phát huy sức mạnh của bản thân”, “Những quy tắc ứng xử trên không gian mạng”… giúp các em thêm hiểu biết, tự tin áp dụng để thích ứng với tình huống xảy ra trong thực tế.

Xa gia đình 10 ngày, các em không được sử dụng điện thoại để liên lạc với bố mẹ. Chính vì thế, đêm cảm xúc “Gia đình chiếc nôi êm ấm-biết ơn cha mẹ” đã khơi gợi tình cảm yêu thương, trách nhiệm với gia đình của các em. Trong bức thư viết tay gửi về cho gia đình, các em đã kể về những người bạn mới quen, những niềm vui trong môi trường huấn luyện, nỗi nhớ bố mẹ…

Chương trình Học kỳ trong quân đội là sân chơi bổ ích, giúp các “chiến sĩ nhí” rèn sức vóc, luyện tinh thần và trưởng thành hơn. Ảnh: P.L

Chương trình Học kỳ trong quân đội là sân chơi bổ ích, giúp các “chiến sĩ nhí” rèn sức vóc, luyện tinh thần và trưởng thành hơn. Ảnh: P.L

Sau những giờ huấn luyện, các “chiến sĩ nhí” còn tham gia trò chơi dân gian, nhảy dân vũ “Vũ điệu niềm tin”, tham gia lễ hội hóa trang và lễ hội sắc màu… Lần thứ 2 tham gia chương trình Học kỳ trong quân đội, em Lê Bảo Nam (14 tuổi, thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) không còn bỡ ngỡ, lo lắng mà thay vào đó là niềm vui, sự háo hức.

“Sau khi tham gia chương trình lần đầu, em thấy mình tự tin và trưởng thành hơn. Vì thế, em xin bố mẹ để tham gia chương trình Học kỳ trong quân đội năm nay. Đây cũng là phần thưởng sau 1 năm nỗ lực học tập và rèn luyện của em. Tại đơn vị huấn luyện, em rất vui vì được làm quen với nhiều bạn mới ở các địa phương khác”-Nam chia sẻ.

Với kinh nghiệm 8 năm tham gia làm điều phối viên chương trình Học kỳ trong quân đội, anh Lê Phan Tấn Đại (Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh) cho hay: “Một ngày của các “chiến sĩ nhí” bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 21 giờ 30 phút. Các nội dung huấn luyện thay đổi linh hoạt, đổi mới qua từng năm để tạo sự mới mẻ, sức hấp dẫn đối với các em. Trong 10 ngày, điều phối viên đã cập nhật hình ảnh của “chiến sĩ nhí” lên trang Facebook “Học kỳ quân đội Gia Lai” để các phụ huynh theo dõi về hành trình huấn luyện của con mình”.

Có thể bạn quan tâm

Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt giải nhất Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai

Đoàn trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt giải nhất Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai

(GLO)- Ngày 9-1, Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức vòng chung kết Hội thi Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Gia Lai năm học 2024-2025 với chủ đề “Học sinh, sinh viên tỉnh Gia Lai giữ gìn, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa dân tộc” và chương trình giao lưu truyền thống “Tiếp bước cha anh”.

Tuyên truyền kỹ năng phòng-chống tai nạn thương tích cho học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An

Tuyên truyền kỹ năng phòng-chống tai nạn thương tích cho học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An

(GLO)- Ngày 7-1, Trung tâm học tập cộng đồng phường Tây Sơn (TP. Pleiku) phối hợp với Công an phường, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn phường Tây Sơn tuyên truyền Luật Trẻ em, phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước cho hơn 1.200 học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn).

Lan tỏa tinh thần tình nguyện

Lan tỏa tinh thần tình nguyện

(GLO)- Chương trình “Ấm áp mùa đông-Xuân yêu thương” tổ chức vào ngày 21-12 tại xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) không chỉ mang đến những phần quà ý nghĩa với hàng trăm người dân địa phương mà còn góp phần lan tỏa tinh thần tình nguyện trong thế hệ trẻ.

Tỉnh Đoàn Gia Lai trao giải Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tỉnh Đoàn Gia Lai trao giải Cuộc thi tìm hiểu truyền thống 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

(GLO)- Ngày 24-12, Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức hội nghị báo cáo viên của Đoàn 6 tháng cuối năm 2024 và trao giải cuộc thi tìm hiểu truyền thống 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).

Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm và chúc mừng các cơ sở tôn giáo nhân dịp Lễ Giáng sinh

Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm và chúc mừng các cơ sở tôn giáo nhân dịp Lễ Giáng sinh

(GLO)- Chiều 23-12, anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai đã đến chúc mừng Ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh là chức sắc, chức việc tại Giáo xứ Đức An (TP. Pleiku) và Chi hội Tin lành Kông Brech (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) nhân Lễ Giáng sinh.

“Một ngày em làm chiến sĩ”

“Một ngày em làm chiến sĩ”

(GLO)- Đó là tên chương trình trải nghiệm do Thành Đoàn-Hội đồng Đội TP. Pleiku tổ chức ngày 22-12 nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam cho 100 đội viên đến từ các Trường Tiểu học, THCS trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai).

'No cái bụng' nhờ cánh đồng thanh niên

'No cái bụng' nhờ cánh đồng thanh niên

Cây lúa từ "cánh đồng thanh niên" không chỉ mang lại sự no đủ cho hàng trăm người dân Giẻ Triêng ở huyện vùng cao Quảng Nam, mà còn giúp bao nhiêu người vươn lên thoát nghèo. Trong hành trình đặt nền móng cho cây lúa nước nơi vùng đất gian khó này, sức trẻ đã in dấu đậm nét.

Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thuyết trình về tranh vẽ chủ đề 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: M.N

“Tiếp lửa” truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

(GLO)- Để đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hiểu rõ về truyền thống 80 năm vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), các tổ chức Đoàn-Hội-Đội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai chuỗi hoạt động ý nghĩa nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.