Chọn đồ trang trí Tết ở huyện Chính Định, Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Reuters đưa tin, ngày 19.1, các cơ quan y tế cho hay, số lượng bệnh nhân COVID-19 cần được chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện của Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm, khi hàng triệu người di chuyển khắp đất nước dịp Tết, làm dấy lên lo ngại về những đợt bùng phát mới.
Trước đó, ngày 14.1, Trung Quốc thông báo gần 60.000 người mắc COVID-19 đã chết trong các bệnh viện từ ngày 8.12 đến ngày 12.1. Con số này không bao gồm những người chết tại nhà và một số bác sĩ ở Trung Quốc cho biết, họ không khuyến khích ghi COVID-19 vào giấy chứng tử.
Theo dự báo mới nhất từ công ty dữ liệu y tế Airfinity có trụ sở tại Anh, khi việc đi lại tăng cao trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có tới 36.000 người có thể chết mỗi ngày vì COVID-19.
Các chuyên gia khác dự đoán, hơn 1 triệu người sẽ chết vì căn bệnh này trong năm nay.
Nhưng một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia đã phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19.1 rằng, Trung Quốc đã qua thời kỳ cao điểm của bệnh nhân COVID-19 trong các phòng khám sốt, phòng cấp cứu và trong tình trạng nguy kịch.
Số lượng bệnh nhân nguy kịch trong bệnh viện vào ngày 17.1 thấp hơn 40% so với mức cao nhất vào ngày 5.1.
Dữ liệu mới được đưa ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ lo ngại rằng, các khu vực nông thôn không được trang bị đầy đủ để đối phó với sự gia tăng COVID-19 khi kỳ nghỉ Tết chính thức bắt đầu vào ngày 21.1.
Trước khi COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào cuối năm 2019, dịp Tết Nguyên đán được biết đến là đợt di cư hàng năm lớn nhất của con người ở bất kỳ đâu trên hành tinh.
“Công tác phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc vẫn đang trong thời kỳ căng thẳng, nhưng ánh sáng ở phía trước, kiên trì là chiến thắng” - Chủ tịch Tập Cận Bình nói hôm 18.1 trong thông điệp phát trên đài truyền hình nhà nước CCTV.
"Tôi lo lắng nhất về khu vực nông thôn và nông dân. Cơ sở y tế ở khu vực nông thôn tương đối yếu, do đó, công tác phòng chống rất khó khăn" - ông Tập Cận Bình nói và nhấn mạnh rằng người cao tuổi là ưu tiên hàng đầu.
Trung Quốc tuyên bố đã qua đỉnh dịch COVID-19. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, các nhà sản xuất thuốc ở Trung Quốc đang gấp rút tăng gấp ba công suất để sản xuất các loại thuốc trị sốt và ho - tờ China Daily đưa tin.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn sử dụng vaccine nội địa để chống COVID-19, chứ không dùng vaccine do nước ngoài sản xuất.
Thuốc chống virus Paxlovid của Pfizer có ở Trung Quốc nhưng rất khó để có được thông qua các kênh chính thức. Thuốc điều trị kháng virus Molnupiravir của Merck & Co cũng đã được chấp thuận sử dụng nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.
Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel cho biết, đang thảo luận tích cực để cung cấp vaccine COVID-19 cho Trung Quốc.
Tại một cuộc họp trong tuần này, Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia của Trung Quốc đã cam kết ổn định giá các loại thuốc liên quan đến COVID-19 và trấn áp việc bán hàng giả.
Mặc dù có lo ngại về làn sóng COVID-19, song việc Trung Quốc mở cửa trở lại được kỳ vọng sẽ phục hồi nền kinh tế trị giá 17 nghìn tỉ USD đang chịu một trong những tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong gần nửa thế kỷ.
Các nhà máy của Trung Quốc, nơi sản xuất gần 1/3 hàng hóa sản xuất của thế giới, hy vọng sẽ hoạt động bình thường trở lại sau nhiều năm bị gián đoạn vì phòng dịch.
Theo Phó Giám đốc điều hành IMF Gita Gopinath, Trung Quốc có thể chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ từ quý hai trở đi.
Những hy vọng đó đã thúc đẩy các thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ lên mức cao nhất trong nhiều tháng trong những phiên gần đây.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu