Hành vi xâm phạm của Trung Quốc đối với vùng biển VN đi ngược lại cam kết của chính nước này và đe dọa lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Tàu cá dân binh đi kèm bảo vệ tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm EEZ, thềm lục địa VN. Ảnh: Ngư dân cung cấp
Từ tháng 7 đến nay, Trung Quốc hai lần ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vào vùng biển phía nam Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Hành vi này vi phạm hàng loạt quy định của quốc tế và tác động xấu đến trật tự chung.
Vi phạm luật pháp quốc tế
Trước hết, hoạt động của nhóm tàu nói trên vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong phạm vi EEZ và thềm lục địa. Theo điều 56 và điều 77 Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật (hải sản) hay phi sinh vật (dầu khí, khoáng sản). Quốc gia ven biển cũng có quyền tài phán độc quyền đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển và xây dựng, vận hành công trình nhân tạo. Vì thế, bất kể hành vi của nhóm tàu Trung Quốc là thăm dò tài nguyên hay nghiên cứu khoa học biển đều vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam khi chưa xin phép của Việt Nam, theo điều 77 (2) và điều 246 (1) UNCLOS.
Trung Quốc không thể biện minh cho sự vi phạm của mình bằng bất kỳ lý do gì vì không tồn tại bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho nước này yêu sách quyền ở vùng biển phía nam Biển Đông, cách đảo Hải Nam đến 600 hải lý. Vùng biển nơi mà nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 hoạt động nằm xa vượt khỏi mọi giới hạn mà Trung Quốc có thể yêu sách theo quy định của luật quốc tế, trong đó có UNCLOS. Đến nay, những tuyên bố biện minh của Trung Quốc về hành vi của mình đều mơ hồ, không rõ ràng về cơ sở pháp lý. Các luận điểm của nước này đều không phù hợp với UNCLOS và bị Tòa trọng tài bác bỏ hoàn toàn trong phán quyết hồi tháng 7.2016.
Hơn thế nữa, hành vi của tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống thể hiện thái độ gây hấn, bắt nạt, cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam cũng như cản trở tàu công vụ Việt Nam thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp. Điều đó rõ ràng cho thấy Trung Quốc vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực, đi ngược lại các nguyên tắc hòa bình của luật pháp quốc tế, làm căng thẳng leo thang tại khu vực.
Nói một đằng làm một nẻo
Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc nhất trí ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với tinh thần “tăng cường các điều kiện có lợi cho một giải pháp hòa bình và lâu dài cho các bất đồng giữa các quốc gia liên quan”. Một trong những cam kết quan trọng trong DOC là: “Các bên cam kết thực hiện tự kiềm chế trong thực thi các hoạt động có thể làm phức tạp hay gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”.
Hành vi của Trung Quốc đã làm phức tạp hơn tình hình, gia tăng căng thẳng tại Biển Đông và rõ ràng không giúp ích gì cho việc tạo môi trường thuận lợi để tìm kiếm giải pháp giải quyết bất đồng. Hơn nữa, hành động trên thực địa này của Trung Quốc còn đi ngược lại cam kết tích cực cùng ASEAN xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC). Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 31.7.2019 ở Bangkok, Thái Lan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng COC “nhất định” sẽ đạt được đồng thuận trước thời hạn 3 năm tới. Nhưng việc Trung Quốc đưa tàu quay lại vùng biển Việt Nam chỉ chưa đầy một tuần sau khi rút đi đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực, ảnh hưởng lớn đến tiến trình đàm phán COC trong thời gian tới.
Còn nhớ, trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc ngày 23.4.2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển”. Khái niệm này kêu gọi các lực lượng hải quân trên thế giới phối hợp cùng nhau để thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình trên biển: “Các quốc gia cần sử dụng cơ chế tham vấn để giải quyết vấn đề, không nên tùy tiện sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Tuy nhiên, với hành vi mang tính chất chèn ép nước láng giềng như đã phân tích ở trên, rõ ràng Trung Quốc “nói mà không đi đôi với làm”.
Vụ việc Hải Dương Địa chất 8 đang không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Việc một ủy viên thường trực HĐBA LHQ vi phạm nghiêm trọng UNCLOS mà chính mình là một thành viên, có các hoạt động làm xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình ổn định và gây bất ổn trong khu vực không chỉ làm các bên liên quan lo ngại mà còn đe dọa trật tự thượng tôn pháp luật và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Đó là lý do các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới cần cùng nỗ lực đóng góp tích cực để duy trì hiệu lực của luật pháp quốc tế và ổn định chung tại Biển Đông.
Hàng loạt quốc gia lên tiếng Reuters hôm qua dẫn tuyên bố chung của Anh, Pháp và Đức bày tỏ lo ngại tình hình bất ổn ở Biển Đông có thể gây mất an ninh và ổn định trong khu vực, sau khi nhóm tàu khảo sát Trung Quốc liên tiếp vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. “Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia ven biển ở Biển Đông thực hiện các bước và biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì cũng như thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ, quyền tự do lưu thông ở Biển Đông”, theo thông cáo. Tuyên bố nhấn mạnh với tư cách là các bên tham gia Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS), Anh, Pháp và Đức muốn đảm bảo công ước được áp dụng toàn diện. Cùng ngày, Đài News18 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar khẳng định nước này quan tâm đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông vì vùng biển này là một phần của lợi ích chung toàn cầu. “Ấn Độ kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo các luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS", ông Kumar nhấn mạnh. Khánh An |
Quách Thu Huyền (Viện Biển Đông/Học viện Ngoại giao/Thanh Niên)