Trung Quốc sáp nhập ba công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác đất hiếm, lập siêu doanh nghiệp mới gồm 3/6 nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới.
Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc. Ảnh: VCG |
Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc đã phê duyệt việc thành lập tập đoàn mới sau khi hợp nhất ba công ty: China Minmetals Rare Earth Co, Chinalco Rare Earth & Metals Co và China Southern Rare Earth Group Co. Sputnik cho hay, công ty mới thành lập sẽ có tên là Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (China Rare Earth Group) và sẽ tham gia vào việc khai thác đất hiếm tại các tỉnh miền Nam nước này.
Một nhóm lớn khác - Tập đoàn Đất hiếm Bắc Trung Quốc - như tên gọi cho thấy, đảm trách việc khai thác đất hiếm ở các tỉnh miền Bắc. Trong tập đoàn mới, Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước sẽ sở hữu 31,21% tổng số cổ phần. Mỗi công ty trong số ba thành viên tập đoàn sẽ nhận được 20,33% cổ phần.
Kim loại đất hiếm là 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy tính đến xe đạp và máy bay chiến đấu. Vấn đề chính không phải là trữ lượng kim loại đất hiếm trên thế giới, mà là việc khai thác đất hiếm là vô cùng khó khăn.
Trung Quốc có trữ lượng đất hiếm khá lớn theo tiêu chuẩn thế giới - khoảng 36 triệu tấn, tức là 1/3 trữ lượng của thế giới. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh chính của Trung Quốc là việc thiết lập quy trình công nghệ tích hợp xử lý các quặng kim loại này.
Vào cuối thế kỷ 20, Mỹ đã là nhà cung cấp chính các sản phẩm này. Nhưng, vì khai thác và chế biến đất hiếm là một quá trình khó khăn trên quan điểm an toàn và có liên quan đến rủi ro môi trường, Mỹ đã loại bỏ dần ngành công nghiệp khai thác đất hiếm. Hiện nay, nguyên liệu thô từ mỏ Mountain Pass duy nhất của Mỹ ở California, vẫn phải gửi đến Trung Quốc để xử lý.
Trung Quốc hầu như độc quyền trong khai thác đất hiếm
Khoảng 80% đất hiếm nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ với Bắc Kinh ngày càng xấu đi, Washington đã nhiều lần lên tiếng về sự cần thiết phải tạo ra các chuỗi cung ứng độc lập bỏ qua Trung Quốc. Nhưng, vấn đề là ở chỗ hầu như không thể sớm bù đắp cho khoảng thời gian đã mất.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phân công lao động quốc tế, việc dựa vào những nhà cung cấp có lợi thế cạnh tranh sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều. Mei Xinyu - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định rằng, Mỹ mắc sai lầm khi đề nghị tạo ra chuỗi cung ứng loại trừ Trung Quốc.
Các chuyên gia phương Tây ghi nhận, Trung Quốc đang tạo ra tập đoàn khổng lồ và đang hợp nhất các nhà sản xuất đất hiếm nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn đối với giá đất hiếm. Trong khi đó, theo chuyên gia Mei Xinyu, do tập đoàn mới chủ yếu tập trung vào sản xuất sơ cấp nên ban lãnh đạo sẽ có khả năng tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường. Thị trường phân tán khó kiểm soát hơn nhiều, các công ty nhỏ khai thác đất hiếm có ít cơ hội hơn, do đó hoạt động của họ có thể gây hại cho môi trường.
Các doanh nghiệp hợp nhất trong tập đoàn mới chuyên khai thác đất hiếm nhóm nặng. Bên ngoài Trung Quốc, các khoản đầu tư vào Mỹ, Australia và Anh để khôi phục ngành sản xuất tập trung chủ yếu vào đất hiếm nhóm nhẹ. Tức là, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp đất hiếm nhóm nặng - một nguồn tài nguyên quý giá.
Nền kinh tế và công nghiệp toàn cầu đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo đó, nhu cầu về kim loại đất hiếm ngày càng tăng - trong năm qua, giá dysprosi và terbi đã tăng lần lượt khoảng 60% và 90% so với một năm trước. Mặt khác, bất ổn chính trị ở Myanmar, quốc gia cung cấp đất hiếm lớn thứ hai, khiến Trung Quốc trở thành nước đáp ứng nhu cầu đất hiếm toàn cầu.
Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14, bắt đầu từ năm 2020, Trung Quốc tăng hạn ngạch khai thác đất hiếm hàng năm lên đến 140.000 tấn, và năm nay đã tăng thêm 20%.
Theo Song Minh (LĐO)