Tròn đầy Tết sẻ chia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Là một trong những hoạt động diễn ra trong đời sống thường ngày, nhưng có lẽ khi Tết về, người ta mới thấy hết ý nghĩa của sự sẻ chia. San sẻ để ai cũng được có Tết, không ai phải đón năm mới trong đìu hiu đã trở thành văn hóa của người Việt.

Đều đặn vào ngày đầu tiên mỗi tháng, người đại diện Quỹ “Kết nối yêu thương” của nhóm cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương lại chuyển khoản hỗ trợ các em học sinh mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Việc làm thiện nguyện này được nhóm duy trì suốt 2 năm qua với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/em/tháng. Khoản tiền không quá lớn song thật đáng trân trọng, nhất là với những gia đình có đến 2-3 đứa trẻ mất cha, mất mẹ sau đại dịch. Tháng nào cũng “đều như bắp”, cũng đầy tình thương.

Đợt này chưa bước sang tháng 2 nhưng nhóm đã chuyển tiền với lý do “chuyển trước Tết cho các con vui”. Nếu không có tình thương thì sẽ không có sự để tâm vào những chuyện như thế.

Những phần quà Tết được trao đến tận tay đoàn viên, người lao động các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh trong chương trình "Tết sum vầy-Xuân chia sẻ". Ảnh: Lam Nguyên

Những phần quà Tết được trao đến tận tay đoàn viên, người lao động các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh trong chương trình "Tết sum vầy-Xuân chia sẻ". Ảnh: Lam Nguyên

Bà Hoàng Thị Thắm (làng La, xã Ia O, huyện Chư Prông), bà ngoại của 3 đứa trẻ mất mẹ do Covid-19 cho hay, với số tiền 1,5 triệu đồng mà nhóm vừa gửi, bà lo cho các cháu thêm tấm áo mới và ít quà bánh.

“Tôi không biết nói sao cho hết lòng biết ơn của mình với sự giúp đỡ này, nhất là khi các cháu được hỗ trợ tới lúc học xong lớp 12. Nhà có trồng ít điều, tôi dự định gửi làm quà cho những người hảo tâm”-bà Thắm chia sẻ.

Những ngày này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành cũng đến từng địa phương trao quà Tết của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến tận tay các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn.

Đi cùng đoàn công tác của tỉnh do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh đến thăm một số hộ ở huyện Đak Pơ, chúng tôi thấy rõ niềm vui của các gia đình.

Ông Đoàn Đồng Khởi (tổ 2, thị trấn Đak Pơ), người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học-xúc động bày tỏ: “Đúng là “của một đồng, công một nén”. Tôi rất mừng khi được tỉnh và địa phương quan tâm thăm hỏi, động viên mỗi dịp Tết đến, xuân về như thế này”.

Với nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã bắt tay thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa dịp này. Chiều 27-1, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức chương trình “Tết sum vầy-Xuân chia sẻ” nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, ấm áp.

Theo đó, chương trình đã tặng 30 suất quà (700 ngàn đồng/suất) cho 30 đoàn viên, người lao động các Công đoàn cơ sở trực thuộc; trong đó, 500 ngàn đồng tiền mặt và phần quà là gạo do Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện) tài trợ.

Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Võ Hữu Hải cho hay, thông qua chương trình, đơn vị mong muốn chung tay mang đến cái Tết đủ đầy hơn, ấm áp hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có điều kiện về quê đón Tết.

Trò chuyện với P.V, ông Ksor Trơn-công tác tại Phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh-bộc bạch: “Cha mẹ hai bên già yếu nên hay đau bệnh, ra vào bệnh viện liên tục. Vợ tôi là hộ lý Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh, 2 con còn đi học nên gia đình khá khó khăn. Với tôi, đây là món quà rất ý nghĩa, động viên cả về vật chất lẫn tinh thần”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phong-Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, dịp Tết Nguyên đán 2024, mỗi Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có ít nhất một hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động với phương châm “Tất cả đoàn viên đều có Tết”.

Nhiều chương trình thiết thực đã được tổ chức như: giao lưu văn hóa-văn nghệ, tặng quà, “Chuyến xe nghĩa tình”, trao nhà “Mái ấm Công đoàn”… Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tặng gần 300 suất quà (500 ngàn đồng/người) cho đoàn viên khó khăn, đoàn viên đang làm nhiệm vụ trong những ngày Tết ở biên giới, thực hiện nhiệm vụ trong đêm Giao thừa.

Sẻ chia với người khó khăn, hoàn cảnh không may hay đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa còn được lan tỏa thông qua những chuyến thăm, tặng quà Tết của các hội, đoàn thể và nhiều đoàn từ thiện trong, ngoài tỉnh. Hàng chục ngàn suất quà đã được trao đúng người, đúng nơi, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Không đợi đến khá giả mới làm từ thiện. Cho đi đơn giản là chia sẻ đôi chút những gì mình đang có, bằng cả tấm lòng. Nó không làm hao khuyết những gì ta đang có mà ngược lại tròn đầy thêm vị Tết, thêm yêu thương.

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (IQAir) ở mức kém, xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao

(GLO)- Theo chương trình, tuần này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bên cạnh nguồn vốn, công việc cần được tiến hành song song là chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành công trình với số lượng dự kiến có thể hơn 14 ngàn người.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?