Thời gian qua, nhiều người lao động sau khi trở về địa phương đã khởi nghiệp thành công bằng những mô hình hay, tạo dựng được sinh kế ngay trên quê nhà.
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận khoảng 150.000 người từ các tỉnh thành phía Nam, chủ yếu từ TP HCM, trở về. Hiện còn hơn 50% số lao động chưa quay trở lại làm việc, trong số đó có hàng chục ngàn người có xu hướng tìm việc hoặc khởi nghiệp tại địa phương.
Bài học từ ông chủ trà mãng cầu
Thời gian qua, có khá nhiều lao động quê Đắk Lắk sau khi trở về từ các tỉnh phía Nam đã tìm đến xin việc tại Công ty TNHH Nguyễn Văn Foods, đóng ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Điều khá thú vị là ông chủ của công ty này với thương hiệu trà mãng cầu Nguyễn Văn từng là một lao động di cư.
Sau khi tốt nghiệp cao học ngành tài chính tại TP Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Sơn (29 tuổi, ngụ xã Ea Kly) chọn làm việc ở các thành phố. Tuy nhiên, nhiều năm vất vả mưu sinh, anh quyết định trở về quê nhà, khởi nghiệp bằng mô hình chế biến trà mãng cầu.
Anh Sơn tâm sự cây mãng cầu ở Đắk Lắk ngon, sản lượng cao bởi khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp. Tuy nhiên, loại cây này không mang lại giá trị kinh tế cao, chỉ 3.000-4.000 đồng/kg. Trong khi đó, ngoài ăn trái, mãng cầu còn là một dược liệu, có khả năng kháng ung thư. Đó là lý do khiến anh Sơn chọn mô hình sản xuất trà mãng cầu. Anh vay mượn bạn bè được 60 triệu đồng, tận dụng kho phía sau nhà làm "phòng nghiên cứu".
|
Anh Nguyễn Văn Sơn (trái) rời phố về quê lập nghiệp, thành công với sản phẩm trà mãng cầu Nguyễn Văn. Ảnh: Nguyễn Nam |
Là dân "tay ngang" không có chuyên môn về sản xuất, anh Sơn tốn kém khá nhiều thời gian tìm hiểu, thử nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật sản xuất. Sau nhiều lần thất bại, hàng tấn nguyên liệu hư hỏng, anh Sơn đã tìm được cho mình kỹ thuật riêng để tạo ra một sản phẩm trà mãng cầu Nguyễn Văn. Cuối năm 2018, mô hình của anh được trao giải 3 cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, địa phương bắt đầu hỗ trợ anh rất nhiều về quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Anh còn liên kết với nhà vườn ở địa phương, đưa ra những thỏa thuận về quy chuẩn trồng, chăm sóc trái, bao tiêu thu mua với giá cao hơn nhiều so với giá của thương lái. Nhà xưởng được anh đầu tư, sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000 và HACCP. Đến nay, sản phẩm đã có mặt trên khắp các thành phố trên cả nước và xuất khẩu được sang thị trường Hàn Quốc.
Bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, cho biết phần lớn trong số 150.000 lao động Đắk Lắk vừa trở về là lao động nông thôn. Trong đó hơn 70% lao động có nhu cầu vay vốn để làm ăn. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các địa phương phối hợp các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ người lao động.
Nhiều mô hình hay
Ở TP Cần Thơ, nhiều thanh niên sau khi lên TP HCM học tập, làm việc cũng quyết tâm trở về địa phương lập nghiệp. Tháng 3 vừa qua, anh Nguyễn Thanh Phong (30 tuổi; ngụ phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) khăn gói về địa phương, khởi nghiệp bằng mô hình chăm sóc ôtô lưu động. Anh tìm vốn, đầu tư 500 triệu đồng để mua xe cùng một số máy móc, dụng cụ. Ngoài rửa xe, anh còn nhận chăm sóc, vệ sinh nội thất với giá từ 1,5-2 triệu đồng/xe. Mỗi tháng, chàng trai này chăm sóc khoảng 60 chiếc ôtô, thu nhập khá.
Tốt nghiệp đại học, khó khăn tìm kiếm việc làm ổn định ở TP HCM, anh Khưu Tấn Bửu (26 tuổi; ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) quyết định về địa phương, khởi nghiệp bằng mô hình làm tranh gạo và túi xách gạo, ở số 41, đường Cách mạng Tháng Tám, quận Ninh Kiều. "Khi vào đại học, tôi tìm hiểu về tranh gạo và bắt đầu làm với những sản phẩm đầu tay như tranh gạo về hoa sen, con mèo, con trâu… bán qua mạng. Sau đó, tôi nghĩ ra thêm việc đính hạt gạo lên túi xách và bắt đầu khởi nghiệp từ đây với số vốn ban đầu khoảng 30 triệu đồng. Thu nhập giờ cũng ổn, không phải lo cảnh thuê trọ vất vả. Vả lại công việc này cũng giúp mình góp một phần nhỏ cho quảng bá sản phẩm du lịch, hạt gạo Cần Thơ" - anh Bửu chia sẻ.
|
Anh Khưu Tấn Bửu quảng bá túi xách gạo trong một hội chợ triển lãm. Ảnh: Ca Linh |
Sau 2 năm khởi nghiệp, sản phẩm tranh gạo và túi xách gạo Tấn Bửu của anh đạt chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao do UBND TP Cần Thơ chứng nhận. Mô hình của anh Bửu còn tạo việc làm cho nhiều người khác.
Ông Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ, cho biết hiện nay có khá nhiều thanh niên trở về Cần Thơ lập nghiệp thành công như trường hợp của anh Nguyễn Thanh Phong và anh Khưu Tấn Bửu. Vừa qua, trung tâm cũng giúp 2 thanh niên khởi nghiệp thành công với mô hình sản xuất sản phẩm đất sạch hữu cơ NaTa; qua đó giải quyết việc làm cho hàng chục người.
Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ, trong đợt dịch vừa qua, hàng ngàn thanh niên của TP Cần Thơ làm việc tại TP HCM, Bình Dương phải trở về. Trước tình hình trên, TP Cần Thơ đã rà soát, ban hành nhiều chính sách về giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn khởi nghiệp. Theo đó, đối với những lao động có tay nghề, có nguyện vọng ở lại địa phương làm việc thì sẽ được giới thiệu vào làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Những người có nhu cầu học nghề, khởi nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ vốn vay, tư vấn lựa chọn mô hình phù hợp.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Lại Thị Loan cho rằng rất nhiều thanh niên của tỉnh Đắk Lắk khởi nghiệp thành công ngay trên quê hương, nương rẫy của mình. “Việc định hướng nghề nghiệp, giúp họ khởi nghiệp bằng những mô hình gắn với đặc thù sản xuất nông nghiệp của địa phương là hướng đi rất phù hợp. Tỉnh cần tăng cường cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ các trường hợp này vay vốn, tạo sinh kế. Khi làm được việc này, sẽ biến áp lực lao động trở về địa phương thành nguồn nhân lực dồi dào cho địa phương” - bà Loan nói. |
Kỳ tới: Tạo sinh kế, giảm áp lực di cư
CAO NGUYÊN - CA LINH (NLĐO)