Triều Tiên tuyên bố thử loại tên lửa đạn xuyên lục địa mới mà có thể nhắm tới 'toàn bộ lục địa Mỹ'. Vụ thử bị cả Seoul, Tokyo và Washington chỉ trích.
Sau gần 3 tháng "yên ắng" khiến giới chức quốc phòng và tình báo Mỹ bối rối, Bình Nhưỡng thách thức Washington bằng vụ thử nghiệm tên lửa mạnh nhất từ trước tới nay. Triều Tiên tuyên bố đây là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong 15 mới, có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ.
Sau khi giám sát phóng thành công tên lửa Hwasong-15, nhà lãnh đạo Kim Jong Un "tự hào tuyên bố rằng giờ đây chúng ta cuối cùng đã hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hình thành hoàn chỉnh lực lượng hạt nhân quốc gia", Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA cho hay.
Đài truyền hình quốc gia nước này khẳng định ICBM mới uy lực "hơn nhiều" so với các loại vũ khí tầm xa mà Bình Nhưỡng thử nghiệm trước đó. "Hệ thống ICBM Hwasong-15 là tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân siêu lớn có khả năng tấn công toàn bộ lục địa Mỹ", KCNA tuyên bố.
Người dẫn chương trình của Đài truyền hình trung ương Triều Tiên tuyên bố thành công của vụ phóng thử tên lửa mới. Ảnh: Reuters. |
Tên lửa được phóng từ khu vực Pyongsong ở phía đông bắc thủ đô Bình Nhưỡng vào lúc 3 giờ 17 phút ngày 29-11 (theo giờ địa phương), bay khoảng 53 phút trước khi rơi xuống khu vực phía bắc đảo Honshu, đảo lớn nhất của Nhật Bản.
Lầu Năm Góc cho hay tên lửa Triều Tiên vừa phóng bay xa 1.000 km và đạt độ cao đỉnh là 4.000 km. Tên lửa mới ước tính có tầm bắn lên tới 13.000 km và cũng bay lâu hơn đáng kể so với hai lần thử trước: 37 phút hôm 4-7 và 47 phút hôm 28-7.
Chuyên gia David Wright thuộc Hiệp hội các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) ở Mỹ, vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sáng nay của Triều Tiên thành công hơn so với hai vụ phóng hồi tháng 7.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Ông Wright nhận định tên lửa mới có thể đạt tầm phóng tối đa lên tới gần 13.000 km, tức là đủ khả năng vươn tới Washington hoặc bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, tên lửa này cũng đủ khả năng bắn tới châu Âu hoặc Australia.
“Tên lửa này thực sự rất ấn tượng", ông nói với New York Times. "Nó được chế tạo dựa trên những gì Triều Tiên nghiên cứu trước đây. Triều Tiên muốn chứng minh cho Mỹ thấy rằng họ sẽ tiếp tục phát triển tên lửa”.
Daryl G. Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí ở Washington, cũng đánh giá vụ phóng tên lửa mới là vụ thử ICBM “mạnh nhất” của Triều Tiên từ trước đến nay.
“Những tính toán ban đầu cho thấy tên lửa này có thể vươn tới khu vực bờ biển phía đông của Mỹ. Tuy nhiên, tầm phóng hiện nay vẫn chưa tính tới khối lượng đầu đạn mà tên lửa mang theo, trong khi khối lượng đầu đạn có thể hạn chế khả năng bay xa của tên lửa”, Kimball cho hay.
Tuy nhiên, chưa thể chắc chắn khối lượng đầu đạn của quả ICBM lần này. Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên đã sử dụng đầu đạn giả với khối lượng rất nhẹ, giúp tên lửa bay cao và xa hơn. Nếu điều này là chính xác, tầm bắn thực tế của tên lửa khi mang đầu đạn hạt nhân nặng hơn có thể giảm khoảng 20-30%, giảm khả năng đe dọa Mỹ của Triều Tiên.
Tầm bắn ước tính của các loại tên lửa của Triều Tiên. Đồ họa: AP. |
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang tìm cách để theo kịp Mỹ trong việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu. Việc Triều Tiên thử tên lửa vào sáng sớm và không có sự thông báo trước trong vụ phóng mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng đang quyết tâm đạt được tiến triển trong chương trình vũ khí của nước này.
Sau hành động khiêu khích mới nhất của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết tên lửa Triều Tiên phóng lần này "bay cao hơn bất kỳ tên lửa nào do Triều Tiên từng phóng”.
“Đây là nỗ lực nghiên cứu và phát triển của Triều Tiên nhằm tiếp tục chế tạo các tên lửa đạn đạo có khả năng đe dọa bất kỳ nơi nào trên thế giới”, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh. Ông chỉ trích Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đe dọa "mọi nơi trên thế giới".
Ngụy An (zing)