Sau khi vừa đủ 6 nước phê chuẩn để TPP-11 có hiệu lực từ cuối năm nay, 11 quốc gia thành viên đang có ý định nhóm họp để thảo luận về việc kết nạp thêm các nước khác.
Với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12, 11 quốc gia thành viên đang lên kế hoạch cho cuộc gặp sớm nhất vào tháng 1/2019.
Cuộc gặp được tổ chức nhằm thảo luận về việc mời Thái Lan và một số nước khác tham gia, với hy vọng nhanh chóng mở rộng khối thương mại tự do vốn được xem là "thành lũy chống lại chủ nghĩa bảo hộ". Theo Nikkei Asian Review, Tokyo dự kiến sẽ là địa điểm gặp mặt.
Bên cạnh Thái Lan, Anh và Hàn Quốc cũng từng bày tỏ mong muốn tham gia hiệp định.
Thái Lan mong muốn tham gia CPTPP nhằm thúc đẩy thương mại và du lịch. Ảnh: Reuters. |
Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP hồi đầu năm 2017 và không ngừng leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các thành viên của hiệp định hy vọng việc mở rộng sẽ giúp chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ. Đặc biệt, với Nhật Bản, TPP-11 có thể đem đến lợi thế khi nước này bước vào các cuộc đàm phán thương mại song phương với Washington vào tháng 1/2019.
“Trong lúc Mỹ - Trung Quốc khiến nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên mơ hồ, việc tham gia hiệp định này có ý nghĩa quan trọng”, một tờ báo Thái Lan dẫn lời Phó thủ tướng Somkid Jatusripitak.
Anh, dự kiến rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3/2019, đang lên kế hoạch đàm phán với khối thương mại CPTPP sau Brexit.
Hàn Quốc cũng từng bày tỏ mong muốn gia nhập. “Với việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương, chúng tôi muốn ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại”, Nikkei Asian Review dẫn lời ông Kim Dong Yeon, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc kiêm Phó thủ tướng phụ trách kinh tế.
CPTPP, thường được gọi là TPP-11, là hiệp định thương mại tự do giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có 12 nước. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Hiệp định CPTPP, tiền thân là TPP, sẽ thống nhất quy định thương mại giữa các nước có dân số 500 triệu người và tổng giá trị GDP là 11,38 nghìn tỷ USD, tức 13% GDP toàn cầu. Một số lợi ích của thỏa thuận bao gồm ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan đối với nhiều loại cá và gỡ thuế đối với rượu trong năm thứ 8.
Với các nước đã phê chuẩn, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia, hiệp định sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2018. Về phần các thành viên còn lại, như Việt Nam, Malaysia, Chile, Peru và Brunei, hiệp định có hiệu lực 60 ngày sau khi được thông qua trong nước.
Nhật Bản kỳ vọng CPTPP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 8 nghìn tỷ yen (70 tỷ USD) và tạo 460.000 việc làm. Thuế quan đối với ôtô xuất khẩu tới Canada cũng sẽ được giảm từ 6,1% xuống 0% trong vòng 5 năm tới.
Tokyo đang nóng lòng chờ hiệp định mau chóng có hiệu lực trong lúc quá trình chuẩn bị đàm phán với Washington sắp tới gần. Nhà Trắng dự kiến sẽ tạo sức ép khiến Nhật Bản giảm mạnh thuế đối với nông sản. Tuy nhiên, Tokyo không có ý định chịu thua dễ dàng, thay vào đó, sẽ duy trì những gì được quy định trong TPP. Ví dụ, thuế hải quan của nước này đối với thịt bò sẽ giảm từ 38,5% xuống thấp nhất là 9% trong 16 năm.
Vì Nhật Bản và Mỹ từng nhất trí với các điều khoản trong một phiên bản TPP trước đây, chính phủ Nhật cho rằng quyết định trên ít khả năng vấp phải sự phản đối từ các nhóm vận động hành lang trong nước.
Hiệp định TPP-11 dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2018. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, đàm phán có thể sẽ không được như mong đợi của Tokyo. Nhà Trắng đã thành công đạt thỏa thuận với Mexico và Canada, sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ thành Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada. Theo Nikkei Asian Reiview, thỏa thuận này nghiêng về thương mại do nhà nước quản lý.
Đồng thời, vì chính quyền Tổng thống Donald Trump không ngừng cứng rắn trong đàm phán thương mại, không có gì đảm bảo rằng Washington sẽ thay đổi lập trường một khi CPTPP đi vào thực thi.
Cùng lúc đó, Nhật Bản tiếp tục theo đuổi môi trường thương mại tự do, hy vọng đưa Mỹ trở lại với hiệp định đa phương.
Ngoài ra, một thỏa thuận hợp tác kinh tế khác giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019. Tokyo cũng đang rất chú trọng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với sự tham gia của 16 nước châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đến nay dường như bị ngưng trệ khi Trung Quốc phản đối Nhật Bản kêu gọi mức tự do thương mại cao hơn.
Ngọc Hà (zing/theo Nikkei Asian Review)