Đúng như kế hoạch, đại diện 11 quốc gia, bao gồm Việt Nam và Nhật Bản, ngày 8-3 đã chính thức đặt bút ký một thỏa thuận thương mại cột mốc của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dù thỏa thuận này không có sự tham gia của Mỹ. Tin từ Reuters cho biết, một vị Bộ trưởng đã gọi đây là tín hiệu mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.
Đại diện các nước CPTPP trong lễ ký thỏa thuận ở Santiago, Chile. |
Việc ký Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP 11, diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một kế hoạch đánh thuế mạnh đối với thép và nhôm nhập khẩu - động thái khiến nhiều quốc gia và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu.
CPTPP sẽ giảm thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên, nhóm nước với tổng sản phẩm quốc nội đạt hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 13% toàn cầu. Nếu có sự tham gia của Mỹ, thỏa thuận sẽ bao trùm tới 40% GDP của thế giới.
"Ngày hôm nay, chúng ta đã có thể hoàn tất quy trình này trong niềm tự hào, gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng thế giới rằng thị trường mở, hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế là những công cụ tốt nhất để tạo ra cơ hội kinh tế và thịnh vượng", Tổng thống Chile Michelle Bachelet tuyên bố.
Ông Heraldo Munoz, Ngoại trưởng Chile, bày tỏ hy vọng rằng thương mại của nước này với đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng, bên cạnh thương mại với các nước thành viên CPTPP.
Dù không có Mỹ, thỏa thuận vừa ký bao trùm một thị trường gần 500 triệu dân, trở thành một trong những thỏa thuận tự do mậu dịch lớn nhất thế giới.
Ban đầu, thỏa thuận gồm 12 thành viên, trong đó có Mỹ, và có tên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đầu năm ngoái, thỏa thuận có lúc tưởng như đổ vỡ khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi cuộc đàm phán chỉ ba ngày sau khi lên cầm quyền. Ông Trump nói việc ra khỏi thỏa thuận là nhằm bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ.
Không còn Mỹ, thỏa thuận thường được gọi là TPP 11 và sau đó được đổi tên chính thức thành CPTPP. Ngày 21-1-2018 tại New Zealand, các nước còn lại đã hoàn tất một thỏa thuận điều chỉnh.
Sau khi được ký kết, thỏa thuận sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục trong nước để phê chuẩn, có khả năng trước cuối năm nay. "Cũng như các nước thành viên khác, chúng tôi rất hy vọng sẽ chứng kiến CPTPP được thực thi vào khoảng cuối năm nay hoặc sau đó một chút", Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia, ông Steven Ciobo, phát biểu.
Sau khi điều chỉnh cho phù hợp với sự rút lui của Mỹ, CPTPP loại bỏ một số yêu cầu do Mỹ đưa ra trong thỏa thuận ban đầu, bao gồm quy định về đẩy mạnh bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ về dược phẩm - quy định gây lo ngại về việc có thể khiến giá thuốc gia tăng.
11 thành viên CPTPP bao gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, và Singapore.
"Chúng tôi tự hào chứng tỏ với thế giới rằng thương mại tiến bộ là con đường để tiến về phía trước, rằng thương mại bình đẳng, cân bằng và có nguyên tắc là hướng đi đúng, và rằng việc đặt người dân lên trên hết là con đường tiến về phía trước cho thế giới trong vấn đề thương mại", Bộ trưởng Bộ Thương mại Canada Francois-Philippe Champagne phát biểu.
Hồi tháng 1 năm nay, ông Trump - người còn dọa rút Mỹ khỏi Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ - phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ rằng Mỹ có thể trở lại TPP nếu có được một thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand nói điều đó là không thể trong ngắn hạn, trong khi Nhật Bản nói việc sửa đổi thỏa thuận vào thời điểm này sẽ là việc rất khó.
Ngoại trưởng Chile Munoz ngày 8-3 nói CPTPP không phải là một thỏa thuận chống lại ai hay quốc gia nào, và nhiều nước đã nói muốn gia nhập thỏa thuận.
An Huy/Vneconomy