Tốt nghiệp thạc sĩ luật, chàng trai Quảng Ngãi quỳ lạy mẹ: 'Vạn lời cảm ơn cũng không đủ...'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ luật, chàng trai quê Quảng Ngãi đã quỳ lạy cảm ơn công lao to lớn như biển trời của mẹ dành cho mình suốt bao năm qua.

Bức ảnh "chàng trai tốt nghiệp thạc sĩ quỳ lạy cảm ơn mẹ" khi được chia sẻ trên mạng xã hội Facebook lập tức đã lan truyền nhanh chóng. Rất nhiều người chúc mừng 2 mẹ con quê Quảng Ngãi.

40 năm bám chợ với gánh bún để nuôi con ăn học

Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Nguyễn Hoàng Anh (26 tuổi, ở xã Đức Nhuận, H.Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ: "Đây là hành động của mình bày tỏ tấm lòng cảm ơn đối với mẹ. Bức ảnh này là mình nhờ một bạn sinh viên Trường đại học Thủ Dầu Một chụp lại để làm kỷ niệm với người mẹ yêu quý, suốt đời hy sinh vì con".

Nguyễn Hoàng Anh (tân thạc sĩ luật) quỳ lạy cảm ơn công lao to lớn của mẹ dành cho mình suốt bao năm qua

Nguyễn Hoàng Anh (tân thạc sĩ luật) quỳ lạy cảm ơn công lao to lớn của mẹ dành cho mình suốt bao năm qua

Nguyễn Hoàng Anh kể, anh lớn lên nhưng thiếu vắng sự chăm sóc của cha. Cả đời mẹ anh chỉ lo làm lụng nuôi con khôn lớn. Suốt 40 năm bám chợ với gánh bún, mẹ anh chỉ nghỉ mùng 1 Tết Nguyên đán. Còn các ngày còn lại trong năm, dù đau ốm, mẹ anh cũng gắng sức mang bún ra chợ bán.

"Mỗi ngày mẹ tôi chỉ ngủ vài tiếng đồng hồ. Ban ngày mẹ tôi đi bán bún ở chợ, tối về ngâm gạo rồi 1 giờ sáng hôm sau dậy làm bún để kịp phiên chợ. Mẹ tôi cực khổ một mình nuôi 2 chị em tôi khôn lớn. Mẹ tôi chưa một lần đi họp phụ huynh vì sợ vắng buổi bán hàng là hôm đó sẽ các con sẽ đói. Lần đầu tiên, mẹ tôi đi xa nhất là rời Quảng Ngãi đến Bình Dương dự lễ nhận bằng thạc sĩ của tôi", anh Hoàng Anh trải lòng.

Quyết tâm học tập để thay đổi cuộc đời

Nói về lúc còn nhỏ, tân thạc sĩ xúc động nhớ lại, lúc đó nhà anh nghèo tới mức chỉ biết lo cái ăn từng ngày. Nhiều lần, không có tiền đóng tiền điện, nhà bị cắt điện, nhưng mẹ anh chưa một lần từ chối khi con xin tiền học, mua sách vở... Nhiều lúc không còn đồng nào, mẹ anh phải đi mượn tiền quanh chợ rồi bán bún, làm thuê trả dần. Và cũng biết bao lần mẹ anh phải bán đàn heo con để đóng tiền học cho con.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung bên xe bún của mình đã nuôi con ăn học trưởng thành

Bà Nguyễn Thị Kim Chung bên xe bún của mình đã nuôi con ăn học trưởng thành

Năm thi vào lớp 10, Nguyễn Hoàng Anh không đậu vào trường THPT công lập nên học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề H.Mộ Đức, nhưng mẹ anh vẫn động viên anh cố gắng. Tại ngôi trường này, với quyết tâm học tập để không phụ công lao của mẹ, Hoàng Anh đã được nhận học bổng.

Có thể nhiều người chưa ở hoàn cảnh của mình nên không thấu hiểu hết sự biết ơn của mình dành cho mẹ. Vạn lời cảm ơn cũng không đủ với công sức của mẹ

Đến năm 2016, Nguyễn Hoàng Anh thi đậu vào ngành luật Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương). Với quyết học tập để thay đổi cuộc đời, năm 2019, Hoàng Anh xuất sắc nhận được học bổng và là 1 trong 9 sinh viên Việt Nam được tổ chức quốc tế P2A xét chọn đến Trường đại học công nghệ Malaysia và Trường đại học BINUS Indonesia để tham gia trao đổi kinh nghiệm học tập, làm việc cùng với sinh viên, giảng viên các nước Đông Nam Á. Hoàng Anh là đại sứ học bổng Panasonic năm 2023.

Muốn đưa mẹ đi khắp nơi

Những ngày cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Kim Chung (62 tuổi, ở xã Đức Nhuận, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi) từ quê nhà đến tỉnh Bình Dương dự lễ tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Luật kinh tế của con trai. Theo chia sẻ của anh, hôm đó bà Chung dậy thật sớm, chọn bộ đồ đẹp nhất của đời mình. Lúc anh nhận bằng tốt nghiệp, bà Chung ôm con vào lòng và nói: "Mẹ mừng lắm". Bà rưng rưng trong niềm sung sướng, hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung cùng con trai Nguyễn Hoàng Anh chụp hình kỷ niệm

Bà Nguyễn Thị Kim Chung cùng con trai Nguyễn Hoàng Anh chụp hình kỷ niệm

Ngày nhận bằng, Hoàng Anh đã khoác lễ phục tốt nghiệp lên người mẹ. Anh quỳ xuống cảm tạ công lao biển trời mẹ dành cho mình suốt bao năm qua.

Nhìn mẹ, Hoàng Anh xót xa, anh bảo mẹ anh đã quá vất vả vì mình. Nếu không có sự hy sinh vĩ đại ấy, anh không có ngày hôm nay. Biết mẹ vất vả, Hoàng Anh vừa học vừa làm thêm. Anh đã trải qua rất nhiều công việc, từ gia sư đến giao hàng, giúp việc nhà, phục vụ quán... để kiếm tiền. Nhưng sự hỗ trợ chính vẫn từ mẹ, bởi thời gian chủ yếu Hoàng Anh vẫn dành cho việc học.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung khoác lên mình chiếc áo lễ phục nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ của con trai
Bà Nguyễn Thị Kim Chung khoác lên mình chiếc áo lễ phục nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ của con trai

"Có thể nhiều người chưa ở hoàn cảnh của mình nên không thấu hiểu hết sự biết ơn của mình dành cho mẹ. Vạn lời cảm ơn cũng không đủ với công sức của mẹ", anh Hoàng Anh chia sẻ.

Anh cho biết thêm: "Nay tôi đã đi làm, có tiền gửi về cho mẹ. Mục tiêu tới đây của tôi là tiếp tục học lên tiến sĩ, phấn đấu trở thành phó giáo sư. Và xa hơn, tôi muốn đưa mẹ đi khắp nơi, để mẹ cười nhiều hơn, bù đắp cuộc đời vất vả đã qua".

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.