Tổng rà soát bằng cấp "lò ấp" tiến sĩ- cần, nhưng siết chất lượng cần hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thảo luận tại Quốc hội chiều 28.10, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị các cơ quan tổng rà soát bằng tiến sĩ, thạc sĩ, trong đó tập trung vào cán bộ trung cấp, cao cấp của bộ máy Nhà nước.

Cần siết chặt chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Cần siết chặt chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Ông Lê Thanh Vân cho rằng, nhiều cán bộ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nơi được coi là "lò ấp" đào tạo và cấp bằng tiến sĩ đã bị kỷ luật. Cho nên, cần phải rà soát các bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ được cơ quan này cấp.
Đề xuất này cũng có lý, bởi vì tính từ ngày 1.1.2015 đến 31.12.2015, chỉ riêng Học Viện Khoa học Xã hội đã cho “ra lò” 165 tiến sĩ. Nếu chia theo ngày làm việc, năng suất năm 2015 là 01 ngày 03 giờ 55 phút cho ra lò 1 tiến sĩ. Trong 2 năm 2015 và 2016 cho xuất lò 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ.
Nhưng ai sẽ kiểm tra, sẽ rà soát các loại bằng cấp này, nếu cũng những người từng cấp bằng nhận nhiệm vụ rà soát thì huề vốn. Chẳng ai tự vác đá ghè chân mình.
Trong bài Sản xuất tiến sĩ dỏm nhiều như "lò ấp" trứng cách đây 2 năm, Báo Lao Động từng đề xuất phải lôi tất cả các loại bằng tiến sĩ dỏm ra ánh sáng, phải lôi những nhóm lợi ích mua bán bằng cấp ra tòa. Sử dụng quyền lực khoa học thông qua trường, viện để làm tiền trên các loại bằng cấp cũng là một hình thức tham nhũng. Những ai sử dụng bằng cấp "lò ấp", có chứng cứ sai phạm, phải bị kỉ luật, có căn cứ thì xử lý hình sự.
Ai cũng biết với các loại đề tài tiến sĩ từ "lò ấp" này chẳng dùng được vào việc gì, nhiều trường hợp có dấu hiệu gian dối. Nhưng rà soát tất cả các văn bằng, xác định được gian dối hay chất lượng kém lại là điều không dễ. Các vị từng ngồi hội đồng chấm điểm cho các tiến sĩ giấy, tiến sĩ dỏm qua cầu, thì họ sẽ bảo vệ lá phiếu của mình đến cùng.
Trên thực tế, chỉ có thể kiểm tra, điều tra những trường hợp có đơn thư tố cáo, có chứng cứ đạo văn, dùng tiền mua bằng. Vậy thì, những ai có thông tin, chứng cứ về các trường hợp gian dối, hãy cung cấp chứng cứ để các cơ quan chức năng xử lý.
Xử lý tiến sĩ "giấy" cứ làm, nhưng quan trọng hơn, đó là siết chặt chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu tiếp tục buông lỏng quản lý, cho những cái chợ bán bằng, các "lò ấp" hoạt động, thì làm sao có thể kiểm tra, rà soát hết được các loại bằng cấp giả.
Lập lại kỷ cương trong đào tạo, tôn trọng học thuật, đề cao liêm chính khoa học là việc cần làm ngay. Dẹp hết các "lò ấp" tiến sĩ để không còn tiến sĩ dỏm là việc quan trọng hơn đi rà soát các văn bằng.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Chờ sửa luật Đất đai

Chờ sửa luật Đất đai

Đó là tâm trạng của người dân và doanh nghiệp khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi Nghị quyết 18, làm cơ sở sửa luật Đất đai 2024 nhằm khắc phục bất cập về thu hồi đất, tài chính đất đai, kiểm soát giá đất.

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Hành vi nhỏ, hậu quả lớn

Vụ việc khách du lịch nghỉ tại một khách sạn ở Cửa Lò (Nghệ An) bị yêu cầu bồi thường 4,8 triệu đồng vì bất cẩn khi hút thuốc lá làm cháy nệm và ga trải giường của khách sạn cách đây ít ngày, được đăng tải trên mạng xã hội, đã gây nhiều ý kiến trái chiều.

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Ngẫm về những 'video rác' từ AI

Bộ phim Lời nguyền dưới ánh trăng của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đang thu hút sự chú ý đặc biệt, không hẳn vì đây là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên tại VN được tạo hoàn toàn từ AI mà còn bởi kinh phí khiêm tốn: chỉ hơn một chỉ vàng và thực hiện vỏn vẹn trong 72 giờ.

null