Tôi đi… trại!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trại sáng tác là một hoạt động cần thiết cho anh chị em sáng tạo văn học nghệ thuật. Thời gian gần đây, trại sáng tác được mở ra rất nhiều. Có đơn vị mở nhiều lượt trại trong năm cho thành viên của mình và cho cộng tác viên.

Tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ và Tây Nguyên
Tổ chức Trại sáng tác văn học nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ và Tây Nguyên.

Đây là việc làm thiết thực giúp anh chị em có điều kiện để hình thành và hoàn thành tác phẩm, vì trên thực tế, giới sáng tác ở ta hầu như sinh sống bằng những ngành nghề khác để nuôi nghiệp viết! Do vậy mà thời gian, điều kiện để toàn tâm toàn ý hoàn thiện bản thảo là ít ỏi, khó khăn. Các trại viết chính là dịp giúp họ chuyên tâm hơn vào đứa con tinh thần của mình.

Tôi được nhiều lần tham gia trại sáng tác. Đợt ngắn nửa tháng, đợt dài cả tháng. Mỗi đợt trại đều có một ấn tượng riêng, nhưng 2 lần dự trại sáng tác văn học do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào các năm 2001 và 2002, mỗi đợt 30 ngày, tập hợp 30 cây bút ở 30 tỉnh thành, còn lưu nhiều kỷ niệm.

Tiêu chí đề ra cho trại viên là hoàn thiện bản thảo đã có sẵn và viết tác phẩm mới. Bốn tuần lễ, chúng tôi làm quen, trao đổi, động viên nhau viết lách. Ban tổ chức mời hẳn một số tác giả có uy tín thường xuyên đến phụ đạo các nhóm chuyên ngành. Nhà thơ Vũ Quần Phương phụ trách nhóm thơ, nhà văn Đỗ Chu phụ trách nhóm truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Khắc Trường phụ trách nhóm tiểu thuyết, Nghệ sĩ Nhân dân Tất Thắng phụ trách nhóm viết kịch… Ngoài ra còn mời thêm một số tên tuổi đáng kính khác đến nói chuyện, trao đổi, giao lưu, như nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Vũ Giáng Hương, nhà thơ Võ Văn Trực… Mỗi thầy một vẻ, họ đã truyền đạt cho chúng tôi nhiều cảm nhận và kinh nghiệm đáng quý.

Có những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ vì quan tâm, cũng tự tìm đến trại thăm chơi, gặp gỡ trại viên. Phóng viên các báo, đài cũng đến đưa tin và lấy bài vở về giới thiệu. Anh chị em học hỏi được nhiều điều về quan niệm và kinh nghiệm, về tính cách và nhân cách… của lớp đàn anh, của những người nổi tiếng, những người đã có thành tựu nhất định.

Trại còn tổ chức tham quan thực tế các nơi nổi tiếng, các di tích văn hóa lịch sử quanh vùng để anh chị em thêm kiến thức và cảm nhận. Từ những thực tiễn đó, tầm cảm, tầm nghĩ mọi người “mở” ra rất nhiều, nhất là đối với những cây bút “tầm tầm” ở tỉnh lẻ, ở “vùng sâu, vùng xa” như chúng tôi thuở ấy! Tôi tự cảm thấy mình trưởng thành rất nhiều nhờ những đợt trại như vậy.

Bốn tuần lễ là thời gian vừa đủ để chúng tôi tìm hiểu và kết thành tình bạn văn chương ấm áp thân tình, đến mãi sau này vẫn quan hệ mật thiết và quý trọng nhau. Bốn tuần, ngoài việc tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm từ thầy từ bạn, mọi người còn đủ thời gian để sửa chữa, hoàn chỉnh tác phẩm đã có, đủ để cảm nhận, ghi chép, hình thành ý tưởng cho những bài viết mới. Đặc biệt là được thâm nhập tìm hiểu về đất Thăng Long-Hà Nội thiêng liêng mà những người tỉnh lẻ xa xôi không dễ gì có dịp. Lại còn được gặp gỡ làm quen, học hỏi với các tác giả lớn mà lâu nay mình chỉ biết qua tác phẩm. Kết quả khá rõ cho cách đi sáng tác ấy là đến nay hai phần ba trại viên đã khẳng định được tay nghề, viết đều, viết tốt, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Sau này, hầu như các trại chỉ tổ chức trên dưới 15 người trong vòng 15 ngày đổ lại và được tổ chức ở nhiều vùng miền. Cách tổ chức trại rải đều ra các vùng miền cũng tốt, tổ chức ở vùng miền này cho người vùng miền khác tham dự để có dịp khám phá và cảm xúc mới mẻ. Người vùng miền này đến vùng miền khác rất dễ có cảm xúc và ý tưởng mới, lạ hơn.

Tuy nhiên, với thời gian quá ngắn, anh chị em trại viên không kịp làm quen với nhau chứ đừng nói tìm hiểu, giao lưu. Mà giao lưu bè bạn là nhu cầu rất cao, rất cần cho người sáng tác; là nguồn động viên cổ vũ lớn trong quá trình sáng tạo. Với thời gian ngắn ấy cũng khó mà hoàn thành bản thảo (nhất là bản thảo dài hơi) hoặc lập trình viết mới. Ngay cả những trại của các “nhà chuyên nghiệp” cũng không hẳn đến đó với duy nhất mỗi việc “ta đóng cửa phòng văn hì hục viết” (Chế Lan Viên)! Và, như đã nói, đa phần anh chị em đều ít được dịp đi đó đây để mở rộng cảm quan và kiến thức. Như thế sẽ rất tiếc cho một chuyến đi mà với một số người đôi khi là năm thì mười họa mới có được! Trại viên cũng không được dịp trao đổi học hỏi các bậc đàn anh, các cây bút uy tín và cọ xát với bạn bè để tự so sánh đánh giá bút lực của mình, dễ dẫn đến tâm lý “văn mình vợ người”!

Thiết nghĩ các trại sáng tác nên kéo dài thời gian và tăng lượng người tham gia, như mô hình 2 trại đã trình bày trên. Mời người vững tay nghề (ở các thể loại) tham gia kiểu “phụ đạo”, đọc bản thảo, góp ý với từng tác giả, tổ chức thảo luận giữa các trại viên để học hỏi và rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng cho suốt thời gian mở trại (như một khóa học)… Thời gian kéo dài cũng là động lực cho người dự trại phải thu xếp công việc riêng tư để hoàn toàn yên tâm cho một cuộc đi xa lâu ngày mà toàn tâm toàn ý cho sáng tác.

Thật ra mô hình trại sáng tác không phải đến nay mới có. Từ những năm đầu thế kỷ XX đã có “Trại Ánh Sáng” ở Cẩm Giàng-Hải Dương của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Đây là nơi dành cho các “văn hữu” của nhóm họp về nghỉ ngơi và viết văn. Có lẽ đây là kiểu trại sáng tác sớm có mặt ở nước ta. Từ trại này bao nhiêu tác phẩm của nhiều nhà văn đã đĩnh đạc ra đời, góp phần tạo nên một diện mạo mới, mở ra một thời kỳ mới cho văn học nước nhà lúc bấy giờ.

Đành rằng công việc sáng tác văn học nghệ thuật thì lúc nào cũng được, nơi nào chả xong, hà cớ gì phải là ở… trại! Tuy nhiên, trại sáng tác cũng cần cho anh chị em hoạt động văn học nghệ thuật như đã trình bày.

 Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.