Tỏa ngát làng hương xứ Huế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở Huế có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời, nhưng trong không khí của những ngày năm hết, Tết đến, thì không thể không nhắc đến làng hương (nhang) Thủy Xuân và nghề làm hương trầm nổi tiếng đã hàng trăm năm tuổi.
 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Loan của làng hương Thủy Xuân.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Loan của làng hương Thủy Xuân.
Cách trung tâm thành phố Huế hơn 7 km về hướng tây nam, làng hương nức tiếng đất cố đô nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa, ngay trong tuyến đường du lịch đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức. Theo nhiều người cao tuổi trong làng, nghề hình thành từ thời nhà Nguyễn, ban đầu phục vụ nhu cầu thờ cúng của triều đình và nhân dân. Trải qua hàng trăm năm, làng cung cấp hương cho cả vùng rộng lớn miền trung. Vài năm gần đây, khi lượng khách du lịch gia tăng và đều đặn quanh năm, các hộ gia đình trong làng đã lập các cơ sở trình diễn nghề, trưng bày và quảng bá sản phẩm, biến nghề làm hương thành một trải nghiệm du lịch thú vị. Nhờ hình thức đẹp và mùi thơm sâu lắng, dễ chịu, sản phẩm hương Thủy Xuân rất được ưa chuộng trong hoạt động thờ cúng, nghi lễ tâm linh, và dần dần còn được dùng để trị liệu, thư giãn, trang trí phong thủy…
Đến làng hương vào cuối năm, từ xa, mùi hương trầm thơm đã phảng phất trong gió. Trải qua một năm với quá nhiều khó khăn, biến động do dịch bệnh và thời tiết bất lợi, con đường làng Thủy Xuân có phần kém rực rỡ hơn năm ngoái. Khách du lịch giảm, mùa mưa kéo dài, nhiều hộ không bày hương ngũ sắc như những đóa hoa bung nở đầy trên sân và ngoài hiên nữa, do lo hương bị ẩm, hư hỏng. Tuy vậy, nhu cầu của thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán vẫn cao, nhà nào nhà nấy đều đang tất bật sản xuất hương để cung cấp cho hàng trăm cơ sở tôn giáo, thờ tự và cộng đồng.
Mỗi cây hương tuy nhỏ nhắn, nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công và cả cái tâm của người làm ra. Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng cần tới gần 60 nguyên, phụ liệu cho một cây hương có mùi thơm trầm ấm, dìu dịu. Các thảo mộc như: tùng, trắc, bách chỉ, hắc hương, hồi, quế chi, cam thảo, bạch đàn... được xay nhỏ thành bột và pha trộn theo tỷ lệ riêng để tạo thành mùi hương đặc trưng, rồi được nhào với mùn cưa và keo để đạt độ dẻo quánh cho công đoạn se hương (lăn, vê hương liệu quanh lõi để tạo thành cây hương). Phần lõi (tăm) làm từ tre, chẻ thật nhỏ và đều, phơi kỹ đến khô và giòn, để khi hương cháy đến tận chân thì tàn hương chỉ uốn cong chứ không gãy ngang. Xưa kia, chân hương chỉ có mầu nâu và đỏ, thì ngày nay, với sự khéo léo và óc sáng tạo, người dân Thủy Xuân đã tìm cách nhuộm thêm nhiều mầu như vàng, xanh, tím, hồng… cho phong phú, bắt mắt, hấp dẫn khách. Năm ngoái, những tấm hình khách du lịch đội nón lá Việt Nam, tạo dáng bên những khóm hương bung tỏa nhiều mầu đẹp như tranh vẽ, cùng nụ cười hiền hậu, chân chất của các nghệ nhân làm hương Thủy Xuân, đã lan tỏa rất mạnh mẽ trên các trang báo điện tử và mạng xã hội, thu hút khách, đặc biệt là giới trẻ đến đây “check-in”. Dù ngành du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng người dân ở đây vẫn rất lạc quan và hy vọng vào thời điểm mọi thứ khởi sắc trở lại. Bà Ánh Tuyết, thợ làm hương đã gắn bó với nghề hơn 40 năm, cho biết: “Sản phẩm chúng tôi làm ra phần lớn phân phối đi các nơi, chứ sức mua của khách đến đây không lớn. Nhưng nhà tôi vẫn làm điểm dừng chân nghỉ ngơi và trải nghiệm cho khách du lịch, mong được “khoe” cái đẹp, cái thơm của làng mình tới thật nhiều người”.
Hiện nay, làng hương Thủy Xuân còn khoảng 50 hộ còn giữ nghề, trong đó 20 hộ kết hợp làm du lịch. Nhiều năm qua, làng đã tham gia các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế và đã quảng bá hình ảnh làng nghề thủ công truyền thống, điểm đến về du lịch đến bạn bè trong nước và quốc tế. Để tăng năng suất, nhiều hộ đầu tư máy móc chẻ lõi, se hương…, làm bằng máy có thể cho sản lượng tăng gấp năm đến mười lần, góp phần tăng giá trị kinh tế. Tuy vậy, vẫn có những nghệ nhân tâm huyết duy trì đồng thời cả việc làm hương thủ công, như gia đình bà Tuyết, bà Bích Loan… Theo họ thì làm bằng tay sẽ khiến cây hương cháy chậm hơn và tỏa mùi thơm xa hơn, lâu hơn. Và quan trọng hơn, là lưu giữ lại cách làm truyền thống đã được truyền qua nhiều đời, nuôi sống bao con người và làm nên niềm tự hào của làng. Nghệ nhân Hồ Ngọc Thứ, người sáng lập một trong năm thương hiệu hương lớn của làng chia sẻ: “Nếu làm ra cây hương chỉ vì mục đích lợi nhuận, không gửi gắm được cái tâm của mình vào đó, hương đốt lên mà tắt nửa chừng thì nhất định sẽ không còn ai ngoảnh lại với làng nghề nữa”. Tiếng lành đồn xa, hương của làng Thủy Xuân không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà đã có mặt ở những thị trường khó tính như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và bước đầu xuất khẩu. Đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm trưng bày đa dạng về kiểu dáng và mẫu mã: từ những bó hương (từ 20 đến 100 cây), hương vòng, nụ trầm, quạt trầm, túi thơm, tranh, ảnh, đồ lưu niệm… Hương có nhiều mùi thơm phong phú như mùi quế, sả, nhài…, nhưng đắt khách nhất vẫn là hương trầm. Hương trầm Thủy Xuân được sản xuất không hóa chất độc hại, an toàn và có mùi thơm đặc trưng, hòa quyện rất lâu.
Không chỉ tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho lao động địa phương, nghề làm hương còn là một vốn quý văn hóa cần được bảo tồn, phát huy. Làn hương mỏng manh, mùi hương thơm ngát, giống như sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, nối tiềm thức con người với thế giới của đức tin và lòng biết ơn. Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo của người thợ Thủy Xuân, mùa Tết cổ truyền này, hương thơm Thủy Xuân sẽ tiếp tục tỏa ngát trong những ngôi nhà, đền chùa, những con đường từ quê ra phố, mang đến phong vị quê hương và cả những xúc cảm ấm áp, hy vọng vào một năm mới tốt lành.
Bài và ảnh: HẢI LÂM, NGUYỄN TRANG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Bài cuối: Lối mở 'hút' các nhà khoa học, nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết 193/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia ra đời.

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.