Tìm lại vị thế cây hồ tiêu Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời kỳ hoàng kim, cây hồ tiêu mang lại kim ngạch xuất khẩu cho Gia Lai khoảng 150 triệu USD/năm, nhưng hiện con số này đã giảm một nửa. Để lấy lại vị thế cây hồ tiêu, các ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Năng suất, giá cả ổn định nhờ sản xuất sạch

Sau khi cây hồ tiêu trải qua “cơn bạo bệnh”, bà con nông dân bắt đầu thay đổi nhận thức, từ bỏ cách canh tác “ăn xổi”, không còn tình trạng ồ ạt trồng, khai thác quá mức. Giờ đây, người dân đã biết liên kết sản xuất theo hướng xanh, bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp và người trồng hồ tiêu trong tỉnh đã có cái nhìn rõ hơn về những yếu kém, khó khăn cũng như cơ hội trong sản xuất kinh doanh. Qua đó, chú trọng tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết thâm canh bền vững, chuẩn hóa quy trình canh tác và chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất sạch, an toàn, từng bước hình thành vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững cũng như nâng cao giá trị cây “vàng đen” trên đất Gia Lai.

Theo ông Huỳnh Mau (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa), sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ cho năng suất ổn định và bán giá cao hơn hồ tiêu thường 20-22 ngàn đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Quang

Theo ông Huỳnh Mau (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa), sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ cho năng suất ổn định và bán giá cao hơn hồ tiêu thường 20-22 ngàn đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Quang

Những ngày này, tại vườn hồ tiêu của ông Huỳnh Mau (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa), không khí thu hoạch diễn ra nhộn nhịp. Theo ông Mau, tuy năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất vườn cây vẫn đạt khá cao, trung bình mỗi trụ thu khoảng 3 kg tiêu khô. “Gia đình tôi có khoảng 5 ha (tương đương 10.000 trụ) hồ tiêu liên kết với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang sản xuất theo hướng hữu cơ. Canh tác theo hướng này giúp vườn cây phát triển bền vững, ít sâu bệnh, tuổi thọ cao và năng suất ổn định. Đặc biệt, giá bán cao hơn hồ tiêu thường 20-22 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ không những bảo vệ sức khỏe cho mình mà cả người tiêu dùng”-ông Mau vui vẻ nói.

Theo ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, HTX liên kết sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn hữu cơ khoảng 70 ha với hơn 50 hộ tham gia. Nhờ đó, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu tiêu Lệ Chí và được Tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, châu Âu. Bên cạnh cung cấp cho đơn vị trung gian khoảng 100 tấn hồ tiêu đen/năm để xuất khẩu, HTX còn chế biến các sản phẩm như: tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu muối một nắng, tiêu xanh, tiêu bột, tiêu ngâm muối... để đáp ứng nhu cầu trong nước và bắt đầu xuất khẩu sang Đài Loan.

Tại “thủ phủ hồ tiêu” Chư Sê, Công ty TNHH một thành viên An Thắng Gia Lai (xã Ia Blang) cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định với hơn 100 ha hồ tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn 2.000 đồng/kg so với hạt tiêu thường, Công ty còn hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác hồ tiêu bền vững, cung cấp phân bón hữu cơ chất lượng cao cho người dân sản xuất. Ông Nguyễn Đức Thắng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty-cho hay: “Thị trường tiêu thụ hồ tiêu sạch hiện nay rất lớn, nhất là thị trường châu Âu, Mỹ. Trung bình mỗi tháng, Công ty cung ứng cho đối tác trung gian khoảng 100 tấn tiêu sọ (tiêu trắng) để xuất khẩu. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu của Công ty hiện chưa đáp ứng đủ công suất sản xuất mỗi ngày khoảng 13-14 tấn tiêu đen của nhà máy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc với UBND các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông để mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đáp ứng nhu cầu. Chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ người dân khi tham gia vào chuỗi liên kết về quy trình kỹ thuật canh tác, phân bón, giống chất lượng cũng như thu mua với giá cao hơn”.

Các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp nhằm lấy lại vị thế cây hồ tiêu. Ảnh: Nguyễn Quang

Các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai đang triển khai nhiều giải pháp nhằm lấy lại vị thế cây hồ tiêu. Ảnh: Nguyễn Quang

Từ khi tham gia chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng VietGAP của Công ty TNHH một thành viên An Thắng Gia Lai, vườn cây của anh Nguyễn Thanh Bình (thôn 6, xã Ia Blang) luôn cho năng suất cao và ổn định. Anh Bình phấn khởi cho biết: “Dù được trồng xen trong vườn cà phê nhưng mỗi trụ tiêu cho năng suất bình quân trên 5 kg tiêu khô. Bước vào thu hoạch năm thứ 8, cây tiêu vẫn xanh tốt, chưa có dấu hiệu già cỗi. Sắp tới, tôi sẽ liên kết với Công ty để trồng mới khoảng 500 trụ hồ tiêu trên diện tích cà phê tái canh của gia đình”.

Canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt

Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu sẽ giữ ổn định ở mức cao trong vài năm tới, đồng thời nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới từ nay đến năm 2030 sẽ tăng khoảng 3%/năm. Tuy nhiên, bên cạnh thời cơ thì ngành hồ tiêu Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức khi phải sản xuất đảm bảo theo các tiêu chuẩn ngày càng cao của các nước nhập khẩu. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có những giải pháp hỗ trợ, định hướng người dân sản xuất theo hướng bền vững nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Thời gian tới, Phòng sẽ phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê tập trung hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ bền vững; thành lập các tổ kỹ thuật trực tiếp tư vấn cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh ngay tại vườn cây. Đồng thời, lựa chọn những nguồn giống tốt, phù hợp đã được kiểm định để khuyến khích người dân trồng nhằm tránh những rủi ro trong quá trình canh tác. Tổ chức xây dựng, hoàn thiện các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua HTX trong sản xuất, chế biến hồ tiêu an toàn, đảm bảo yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung xây dựng thương hiệu, tiến hành dán tem, nhãn chỉ dẫn địa lý Hồ tiêu Chư Sê cho sản phẩm hàng hóa để nâng cao giá trị, bảo vệ và độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới.

Việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ không những nâng cao thu nhập mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Quang

Việc sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ không những nâng cao thu nhập mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Quang

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 10.040 ha hồ tiêu, sản lượng bình quân đạt khoảng 35.700 tấn/năm. Trong đó, diện tích hồ tiêu được sản xuất theo các tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, Organic, Rainforest Alliance) đã có giấy chứng nhận là 805,7 ha; diện tích còn lại, người dân đang thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (GAP).

Còn ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa thì cho hay: Những năm gần đây, huyện quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng sạch, hữu cơ bền vững, góp phần phát triển ổn định diện tích và nâng cao giá trị sản phẩm. “Chúng tôi đang phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên và HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang triển khai Dự án “Hồ tiêu cảnh quan” tại xã Nam Yang. Dự án nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức của người trồng hồ tiêu về canh tác bền vững, góp phần gia tăng sản lượng đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hồ tiêu vẫn là một ngành hàng mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho Việt Nam với xấp xỉ 1 tỷ USD/năm và Gia Lai vẫn là “cứ điểm” quan trọng trên bản đồ hồ tiêu Việt Nam. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo ra các sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao, tham gia sâu vào những thị trường có giá trị gia tăng cao. Cụ thể, tập trung phát triển, giữ ổn định diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh khoảng 12.000 ha; trong đó, tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP), nông nghiệp hữu cơ (Organic)... Hướng dẫn các địa phương có kế hoạch, định hướng cụ thể phát triển các vùng nguyên liệu hồ tiêu phải gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo nâng cao tính cạnh tranh, giá trị gia tăng và phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Đồng thời, phát triển sản xuất hồ tiêu phải gắn với việc quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm; kịp thời ngăn chặn, không để nguồn vật tư đầu vào kém chất lượng đưa vào sản xuất ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm hồ tiêu chất lượng và tham gia vào những thị trường có giá trị gia tăng cao.

“Sở cũng sẽ phối hợp nghiên cứu, thử nghiệm, tạo ra các giống hồ tiêu năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của người dân. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết hợp đồng sản xuất với người dân, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX liên kết trực tiếp với các đối tác nước ngoài trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu theo chuỗi giá trị, nhất là khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu”-ông Nghĩa nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Tập huấn khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử

Tập huấn khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử

(GLO)- Ngày 12-12, tại TP. Pleiku, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với Trường Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật (Bộ Công thương) tổ chức tập huấn “Đào tạo khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và kiến thức livestream” cho hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này

Một phần hệ thống xử lý nước thải Nhà máy chế biến cao su của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: Đ.Y

Gia Lai: Cấp giấy phép môi trường cho nhà máy chế biến cao su tại Chư Prông

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp vừa ký Quyết định số 588/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép môi trường cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông được thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường của cơ sở Nhà máy chế biến Cao su Trung tâm (tại xã Ia Boòng, huyện Chư Prông).

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chư Pưh giới thiệu 50 gian hàng sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Tối 5-12, Sở Công thương Gia Lai phối hợp với UBND huyện Chư Pưh khai mạc phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Chư Pưh năm 2024. Phiên chợ nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Chư Pưh (10/12/2009-10/12/2024).

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm