TikToker An Đen từng có 9 năm thanh xuân như 'mộng du' giữa TP.HCM

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là một trong 4 nhân vật của chương trình 'Hy vọng 2024' phát sóng trên VTV3 đầu năm mới, TikToker An Đen khiến khán giả phải suy ngẫm về giá trị của những điều bình thường.

Ngày An Đen quyết định từ bỏ cuộc đua phù hoa ở TP.HCM để về nhà với mẹ, cô không biết mình sẽ làm gì. "Nhưng An kệ. Nhà có rẫy, có bò đó, cứ về đã, dẫu sao đó cũng là nhà mình", An Đen chia sẻ.

TikToker An Đen tên thật là Nguyễn Thuý An, cô từng có 9 năm thanh xuân như "mộng du" giữa TP.HCM hoa lệ. Như mọi người trẻ ở những vùng quê nghèo, An bị TP.HCM "dẫn dụ" qua chiếc ti vi đen trắng cũ mà mỗi lần mở phải đập mạnh vài lần mới thấy hình, thấy tiếng.

An Đen cô gái từ bỏ phố về quê sống với những điều giản dị

An Đen cô gái từ bỏ phố về quê sống với những điều giản dị

Lớn lên, An xuống TP.HCM học đại học. TP.HCM rộng lớn, thân thiện và cũng lạnh lùng. Có những lần An đi làm thêm bị người ta chửi là đồ ngu xuẩn. Bị chửi nhiều, chửi riết tới mức An tự thấy bản thân tệ hại, thấp kém, không đủ tiêu chuẩn để làm bất kỳ việc gì.

An chẳng làm ở đâu mà thấy an ổn. Nay công ty này, mai công ty khác, thấy không phù hợp là nghỉ... Không muốn cuộc đời chỉ là một chuỗi ngày được chấm công, nhưng cũng không dám từ bỏ vì mặc cảm thấp kém so với bạn bè đồng trang lứa, An mang nỗi tổn thương và hoài nghi về bản thân đi học 9 năm tuổi trẻ.

Cho đến một ngày cô dám bứt mình ra khỏi những xúc tu mặc cảm, về quê trong hình hài một cô gái sắp 30 tuổi không tiền bạc, không sự nghiệp, không người yêu, không biết tương lai ra sao. Nhưng ở đó có một thứ: người mẹ lúc nào cũng thường trực câu nói "mệt thì về đi con".

"Mọi người nhanh, nhưng mày thì rất chậm, An ạ"

23 tuổi, An bước vào một cuộc khủng hoảng lớn khi so sánh bản thân với bạn bè. Ngày nào cũng dậy đi làm từ 5 giờ sáng mà vẫn kẹt xe cả tiếng đồng hồ, nhiều hôm chấm công muộn. Những lúc chen chúc trong dòng người chật cứng ấy, miên man nhìn vào các cửa hàng, cửa hiệu, thấy người ta ở trong quán thảnh thơi ăn sáng nói cười còn trong túi mình chỉ có vài nghìn đồng, nỗi tủi thân trào dâng trong lòng An.

Bạn cùng phòng trọ làm trợ lý cho một phòng khám nha khoa, cuối tháng được trả lương mấy chục triệu đồng, An lại càng áp lực, trách mình kém cỏi còn bạn sao mà nỗ lực và khéo léo.

An bị ám ảnh với thành công của bạn bè như mặc cảm tâm lý thường thấy ở những người trẻ. Mạng xã hội với quá nhiều phô trương, sống ảo, khuếch đại khiến người ta bị cuốn vào vòng xoáy của so đo đến ngột ngạt, thất vọng về bản thân, tự phủ nhận chính mình. An mất phương hướng, lạc lõng và lạc lối, không biết mình muốn gì, không biết phải làm gì, không thấy ai hiểu mình, không có người để tâm sự, muốn khóc mà không thể khóc. Chỉ thấy cuộc sống bên ngoài những căn phòng trọ không cửa sổ của mình đang trôi rất nhanh, mọi người đã tiến rất xa và bỏ mình lại phía sau.

"Mọi người nhanh, nhưng mày thì rất chậm, An ạ. 23 tuổi rồi đấy An?", An từng viết một dòng tự vấn như vậy trên trang cá nhân của mình.

Một lần đang làm ở công ty thì mệt quá, An tìm một góc kín khóc rồi gọi về cho mẹ. An bảo "Má, hay là con về nhé". Mẹ An không nghĩ ngợi gì đáp liền: "Ừ, mệt thì về".

Bên cạnh việc sản xuất các video triệu view An Đen còn chăm chỉ với các hoạt động thiện nguyện

Bên cạnh việc sản xuất các video triệu view An Đen còn chăm chỉ với các hoạt động thiện nguyện

Thế là An về thật. An dọn đồ, trả phòng, mang gấu bông, quạt máy, nồi cơm điện và tất tần tật những đồ đạc xộc xệch của 9 năm mộng du trên đất TP.HCM ra bến xe miền Đông. Về tới quê Đắk Lắk, An dỡ đống đồ cồng kềnh từ xe đò chất lên xe máy, phi như bay trên con đường đất đỏ đầy nắng đầy gió về nhà.

Dọc con đường thênh thang ấy, An có một chút mông lung khi chưa biết mình sẽ làm gì. Có một chút sợ. Một chút áp lực về điều tiếng. Hàng xóm láng giềng, bạn bè cũ sẽ nói gì, nghĩ gì về mình...

Nhận ra đâu mới là con đường hạnh phúc

An và mẹ là những người biết cách sống giản đơn. Khi chạy theo ảo vọng về sự thành công ở TP.HCM, An thực ra không hiểu mình đang theo đuổi điều gì. An không có được một giấc ngủ ngon, lúc nào cũng trong cảm giác ngột ngạt.

An Đen trải nghiệm thử thách trong chương trình Hy vọng 2024

An Đen trải nghiệm thử thách trong chương trình Hy vọng 2024

Cô từng nghĩ sự ngột ngạt đó là do cô không chịu được máy lạnh và những căn phòng trọ của cô không có cửa sổ. Khi cô chuyển đến một căn phòng trọ có cửa sổ, cô vẫn ngột ngạt vì mối quan hệ với bạn cùng phòng. Cuối cùng cô nhận ra sự ngột ngạt ấy đến từ cuộc sống không thuộc về mình.

Khi quyết định về quê, đi trên con đường đất đỏ thân thuộc, An hết ngột ngạt liền. An làm rẫy, chăn bò, sáng ngủ nướng chút xíu, dậy có con chó vẫy đuôi, nghe tiếng chim hót, đi ngắm nghía vườn tược xung quanh, rồi hai chị em An chở nhau bằng chiếc cúp lùn đi thong dong ra ruộng, hoặc ra chợ ăn cái nọ cái kia.

An nói: "Ngày xưa chạy theo đồng tiền mệt thật. Giờ ăn ngon ngủ yên".

Ăn ngon ngủ yên mới thực là cuộc sống mà An thuộc về, cũng là cuộc sống mà mẹ An mong đợi ở con mình. Tâm sự với MC Diễm Quỳnh, mẹ An nói khi An ở TP.HCM bà luôn lo lắng vì con gái ăn không ngon, ngủ không yên. Khi con về quê, thấy con ăn ngon, ngủ yên, bà rất vui. Người mẹ nông dân chỉ có một ước mơ giản dị "ăn ngon, ngủ yên" ấy xem việc "ừ, mệt thì về" như một lẽ tự nhiên.

5 - 6 năm qua, ngày nào với An cũng là ngày chủ nhật. Đi làm trong vui vẻ. Mệt thì nghỉ ngơi. Từ ngày thành TikToker nổi tiếng với những clip chia sẻ cuộc sống đồng quê nơi cao nguyên, An vẫn giữ cái nhịp thong dong, không chạy đua kiếm tiền bằng mọi cách. Có những tháng thu nhập chỉ 2 triệu đồng, An vẫn thấy ổn. Vẫn có rau, có cá để ăn. An bảo chỉ mong có đủ tiền để ba má đi chợ muốn ăn cái này cái kia không phải suy nghĩ đắn đo, và nếu gia đình có bị đau ốm vặt thì có tiền đi viện là được.

Nhắc về 9 năm ở TP.HCM, An không hối hận. Bởi không có giai đoạn đó có lẽ An cũng sẽ không nhận ra đâu mới là con đường hạnh phúc. Mỗi người có một mục tiêu cuộc sống khác nhau. Mỗi người có một khẩu vị hạnh phúc khác nhau. Điều quan trọng là ngay giây phút hiện tại bạn thấy đúng đắn và thỏa mãn thì đó chính là con đường hạnh phúc của bạn.

"Cuộc đời là một con đường, có đoạn leo lên dốc, leo không nổi, có đoạn thả dốc thì phanh khét lốp. Bây giờ tôi đang đạp trên đồng bằng, thong dong, thỉnh thoảng vẫn gặp ổ gà, ổ voi hoặc đường trơn, sình lầy, nhưng tay lái vững hơn. Tất nhiên, gặp chuyện buồn cũng sẽ vẫn buồn, gặp chuyện mệt vẫn thấy mệt nhưng buồn và mệt nó bình thường", An Đen nói về điều "bình thường" bằng một thái độ trân quý và biết ơn.

Có thể bạn quan tâm

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Những bước chân không mỏi trao yêu thương

Gắn với nghiệp “gieo chữ”, những giáo viên vùng cao, giảng viên trẻ chung bầu nhiệt huyết, họ luôn giữ và thắp lên ngọn lửa tri thức, mang ánh sáng, trao những yêu thương, truyền cảm hứng gieo hy vọng cho bao thế hệ học trò vững vàng tiến bước. 

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.