(GLO)- L.T.S: Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng tỉnh, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn đồng chí VÕ NGỌC THÀNH-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tựu mà tỉnh nhà đã đạt được cũng như định hướng phát triển trong những năm tới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
* P.V: Xin đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh từ sau ngày giải phóng (1975) đến nay, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới?
- Đồng chí VÕ NGỌC THÀNH: Sau ngày tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước đưa tỉnh nhà phát triển.
Sau 41 năm xây dựng, Gia Lai đã có bước phát triển nhanh và khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt khá, giai đoạn 2011-2015 bình quân tăng 12,81%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. GDP bình quân đầu người đến cuối năm 2015 đạt 35 triệu đồng, gấp 37 lần so với năm 1991 (năm chia tách tỉnh). Thu ngân sách năm 2015 đạt 3.314 tỷ đồng (đạt 122,7% dự toán HĐND tỉnh giao).
Từ một địa phương có hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, sau 41 năm xây dựng, Gia Lai phát triển nhanh và khá toàn diện. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn; các vùng động lực phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội và quy mô đô thị các vùng động lực được nâng cao; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang. Kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm như Sân bay Pleiku, quốc lộ 14, quốc lộ 19... được quan tâm đầu tư, thuận lợi cho việc đi lại. Toàn tỉnh hiện có 340 công trình thủy lợi phục vụ tưới cho 48.000 ha; 41 nhà máy thủy điện với tổng công suất 2.174,75 MW, tổng sản lượng điện sản xuất hiện đạt 6,14 tỷ kWh/năm; 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia và gần 100% hộ gia đình được sử dụng điện; trên 90% dân số đô thị được sử dụng nước sạch và trên 85% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa và các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông, thông tin liên lạc... có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo cụ thể với các giải pháp then chốt. Đến nay đã có 22 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 103.000 ha cao su, sản lượng 93.500 tấn mủ khô/năm; 79.700 ha cà phê, sản lượng gần 200.000 tấn cà phê nhân/năm; 14.500 ha tiêu, sản lượng 43.600 tấn/năm; 17.000 ha điều, sản lượng 14.000 tấn/năm; 38.600 ha mía, sản lượng hơn 2,2 triệu tấn/năm; 63.500 ha mì, sản lượng 1.180.000 tấn/năm... Ngành nông nghiệp đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, gồm: 6 nhà máy chế biến mủ cao su, tổng công suất 100.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu, công suất 20.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến chè, công suất 5.500 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến gỗ MDF, công suất 54.000 m3/năm; 2 nhà máy chế biến đường, công suất 30.000 tấn mía cây/ngày; 4 nhà máy chế biến tinh bột mì, công suất 66.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến tiêu sạch, công suất 10.000 tấn/năm...
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt được những thành tựu quan trọng. Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép với chương trình giảm nghèo, đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 11,36% (theo tiêu chí giai đoạn 2011-2015) và qua kết quả điều tra sơ bộ theo tiêu chí giai đoạn 2016-2020 là 19,71%. Đời sống của đồng bào các dân tộc vùng căn cứ cách mạng luôn được quan tâm. Công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và thực hiện các chính sách xã hội, chương trình đền ơn đáp nghĩa đạt kết quả thiết thực. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai đồng bộ; thực hiện chính sách dân tộc đạt được một số kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn chuyển biến rõ nét, hiện 100% làng đồng bào dân tộc thiểu số được định cư.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp tác đầu tư với các địa phương, khu vực được chú trọng; các thành phần kinh tế được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển. Kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức sắp xếp, cổ phần hóa đúng lộ trình. Doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh về số lượng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 3.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký gần 56.000 tỷ đồng.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đạt kết quả tích cực. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được quan tâm giải quyết. Quốc phòng-an ninh được củng cố, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo dựng được thế trận lòng dân, làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; thực hiện có kết quả công tác đấu tranh, tố giác tội phạm.
* P.V: Theo đồng chí, thời gian tới tỉnh cần làm gì để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh ngày càng phát triển ổn định và bền vững?
Một góc TP. Pleiku. |
- Đồng chí VÕ NGỌC THÀNH: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ trong tất cả các ngành. Xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp dần về khoảng cách và mức sống giữa các tầng lớp dân cư. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng-chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Giữ vững quốc phòng-an ninh để tạo điều kiện phát triển các lĩnh vực, phấn đấu xây dựng Gia Lai là một tỉnh phát triển nhanh, bền vững ở khu vực Bắc Tây Nguyên.
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp đồng bộ, cụ thể để tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm 2016. Theo đó, UBND tỉnh xem việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là giải pháp hàng đầu để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Chú trọng bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm. Đẩy mạnh hợp tác với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, đẩy mạnh liên kết vùng và khu vực nhằm khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh; tập trung rà soát, triển khai các giải pháp để phát triển tiềm năng du lịch tỉnh nhà; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh hoạt động, phát triển, nâng cao năng lực, mở rộng thị trường; xây dựng, củng cố, đổi mới phát triển kinh tế hợp tác, tạo bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế tập thể; hoàn thành đúng tiến độ công tác cổ phần hóa. Triển khai đồng bộ các giải pháp, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và đảm bảo an toàn thực phẩm. Chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách địa phương một cách chủ động, tích cực; phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 9-10%/năm; thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách địa phương, đảm bảo hợp lý giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, nâng dần tỷ lệ tự cân đối ngân sách địa phương. Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập; chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện kịp thời chủ trương đổi mới giáo dục-đào tạo, tập trung nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh; xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể để huy động toàn bộ hệ thống chính trị, mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với người có công; tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông; đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế-xã hội phát triển.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Dung (thực hiện)