Tiếp thêm động lực sáng tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng nay (1-12), UBND tỉnh tổ chức trao giải cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 5-2017 và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 8-2017. Qua nhiều năm tổ chức, các cuộc thi, hội thi này đã tiếp thêm động lực cho những người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, khơi nguồn sáng tạo cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh.

Khơi nguồn và lan tỏa

Trao đổi với P.V, PGS.TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết: Đối với cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh, Ban tổ chức sẽ trao 6 giải thưởng cho các mô hình, sản phẩm của các tác giả/nhóm tác giả đạt giải gồm 1 giải nhì (không có giải nhất), 2 giải ba và 3 giải khuyến khích. Các mô hình, sản phẩm đạt giải trên thuộc nhiều lĩnh vực: đồ dùng học tập, sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế... Trong số đó, riêng học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương đã giành 4/6 giải. Cuộc thi cũng ghi nhận 2 học sinh nhỏ tuổi nhất đạt giải là Đặng Văn Vinh và Vũ Thị Thu Huyền (lớp 9B Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Kbang) với mô hình máy bơm tự áp được trao giải ba.

 

Hai em Huyền Vy và Minh Thy trong buổi thuyết trình về “Mô hình học tập quá trình nguyên phân bằng nguyên liệu từ phế thải”. Ảnh: Lê Thu
Hai em Huyền Vy và Minh Thy trong buổi thuyết trình về “Mô hình học tập quá trình nguyên phân bằng nguyên liệu từ phế thải”. Ảnh: Lê Thu

Gây ấn tượng với “Mô hình học tập quá trình nguyên phân bằng nguyên liệu từ phế thải”, 2 bạn Phan Thị Huyền Vy và Bùi Minh Thy (lớp 10C6 Trường THPT Chuyên Hùng Vương) đã đạt giải nhì cuộc thi cấp tỉnh và “ôm” luôn giải khuyến khích cuộc thi toàn quốc lần thứ 13 năm 2016-2017. Huyền Vy chia sẻ: Khi học về quá trình nguyên phân ở môn Sinh học lớp 9, chúng em chỉ học chủ yếu trên giấy chứ không có mô hình thực tế. Trong khi đó, mô hình quá trình nguyên phân bán trên thị trường thì chất liệu không thân thiện với môi trường, giá thành cao (500 ngàn đồng/bộ). Vì vậy, Huyền Vy và bạn cùng lớp là Minh Thy quyết định thực hiện 1 mô hình động, gọn nhẹ, thể hiện rõ hơn sự di chuyển của các nhiễm sắc thể, giúp học sinh dễ hiểu bài hơn; nguyên liệu là 1 thùng xốp, 1 thùng giấy, một ít dây kẽm. “May mắn là đạt giải cao ở cuộc thi cấp tỉnh và còn đạt giải cấp trung ương. Đây là động lực để chúng em tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu khoa học”-Huyền Vy cho biết.

Qua cuộc thi, có thể thấy những mô hình, sản phẩm mà các em học sinh hướng đến đều rất phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập cũng như nhu cầu xã hội hiện nay như: phần mềm hỗ trợ học tập chương trình động học chất điểm-Vật lý 10; tạo chế phẩm xua muỗi truyền bệnh từ phế thải; giải pháp hữu ích trồng rau sạch cho gia đình; dụng cụ giúp phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm…

Tôn vinh từ lão nông đến tiến sĩ

Cùng với đó, sáng 1-12, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ 8-2017 cũng sẽ tôn vinh tác giả/nhóm tác giả của 11 giải pháp đạt giải tại hội thi lần này gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba và 3 giải khuyến khích. Trong số này, các giải pháp về nông nghiệp và cơ khí-điện phục vụ nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 7 giải pháp như: chống hạn bền vững cho cụm công trình thủy lợi Plei Pai, Ia Lâu, Ia Lốp (huyện Chư Prông) trong điều kiện biến đổi khí hậu; phương pháp khai thác mật ong nguyên bánh tổ; máy phun thuốc bảo vệ thực vật bằng xe máy; cày thu hoạch mì; bừa cỏ bằng xe máy; điều chế thuốc bảo vệ thực vật hoạt phổ rộng từ nguyên liệu thảo mộc…

Đặc biệt, hội thi lần này có nhiều phát kiến của những nông dân chính hiệu. Đơn cử là giải pháp “Làm giống chanh dây trên gốc cây lồng đèn (lạc tiên)” của lão nông Lê Văn Thái (xã Phú An, huyện Đak Pơ) được trao giải nhì. Mặc dù sắp bước qua tuổi 63 nhưng ngày ngày ông Thái vẫn miệt mài, say mê với những nghiên cứu bên vườn chanh dây. 500 gốc lồng đèn, sau khoảng 2 tháng được ghép với chanh dây, đã cho kết quả mỹ mãn. Ông Thái cho biết: Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, ông xác định gốc lồng đèn ngoài tự nhiên là phù hợp nhất với cây chanh dây. Sau một năm miệt mài với nhiều đợt thực nghiệm ghép chanh trên gốc lồng đèn đã cho thấy tính ưu việt hơn hẳn so với các giống cũ và cho sản lượng cao hơn. Đây là giải pháp hoàn toàn mới và đem lại hiệu quả cao. “Tôi khẳng định trên toàn quốc chưa có ai ghép chanh dây theo phương pháp này”-ông Thái nói.

 

PGS.TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật tỉnh: “Điều đáng mừng là cuộc thi đã thu hút số lượng người tham gia đông đảo hơn những năm trước, đặc biệt là thành phần có trình độ cao. Các giải thưởng nhất, nhì đều tìm được chủ nhân (trước đây có năm không có giải nhất, nhì). Từ đó khuyến khích nhiều người cùng tham gia sáng tạo, đưa vào ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội”.

Tuy nhiên, giải nhất của hội thi lần này lại không thuộc về lĩnh vực nông nghiệp mà thuộc về lĩnh vực y dược, đó là “Điều trị phẫu thuật bệnh gù cột sống tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh” do TS-BS Phạm Tỵ làm chủ đề tài. Qua thực tế, giải pháp này đã giúp người bệnh lấy lại sự tự tin trong sinh hoạt, giao tiếp thường ngày, giảm chi phí điều trị và đi lại do không phải đến điều trị tại các bệnh viện ở các thành phố lớn… Chính vì vậy, giải pháp này đã được Hội đồng Giám khảo nhất trí chọn gửi tham gia hội thi toàn quốc, hiện đang chờ kết quả chấm giải.

Đảm bảo tính sáng tạo, thân thiện với môi trường, có khả năng áp dụng rộng rãi vào thực tế… những giải pháp trên hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, kỹ thuật, nâng tầm công tác nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

Người đưa hương rượu cần truyền thống bay xa

(GLO)- Sau 3 năm gắn bó với nghề, chị Nay Ly Cơ (tổ 4, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã thành công với việc làm rượu cần truyền thống của người Jrai. Không những vậy, chị còn tích cực quảng bá để hương rượu cần có cơ hội được bay xa.