Tiền của khách và trách nhiệm nhà băng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có một điểm chung ở các vụ tiền trong tài khoản ngân hàng "bỗng dưng bốc hơi" là rất khó lấy lại, ngay cả khi lỗi không thuộc về người gửi.

Tiết lộ của ông Nguyễn Trí Hiếu, người không chỉ nổi tiếng là chuyên gia tài chính có thâm niên gần 40 năm mà còn là người Việt đầu tiên mở ngân hàng (NH) tại Mỹ, cũng bị hack mất 500 triệu đồng trong tài khoản khiến thị trường xôn xao. Theo ông Hiếu, nhóm lừa đảo mạo danh ông yêu cầu NH cấp lại mật khẩu mới. NH gửi mã OTP vào số điện thoại của ông Hiếu nhưng thực tế thiết bị nhận được tin nhắn lại là điện thoại Xiaomi trong khi điện thoại của ông Hiếu là iPhone và hoàn toàn không nhận được mã. Ngay sau khi nhận mã OTP, nhóm lừa đảo đã đổi mật khẩu tài khoản NH và nhanh chóng thực hiện rút tiền gần 500 triệu đồng...

Nếu câu chuyện đúng như ông Hiếu kể thì lỗi rõ ràng không phải ở người gửi và đối tượng bị lừa đảo ở đây chính là NH. Thủ phạm mạo danh khách hàng gọi đến NH còn bản thân chủ tài khoản không hề biết gì. Chỉ đến khi tới NH rút tiền, người gửi mới ngã ngửa vì tiền "không cánh mà bay". Thế nhưng suốt 3 tháng kể từ khi vụ việc xảy ra, phía nhà băng không có phản hồi cho khách hàng. Chưa hết, nhiều vụ mất tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm của khách hàng thời gian qua là do cán bộ, nhân viên NH lừa đảo, tham ô, chiếm đoạt nhưng người gửi muốn lấy lại tiền cũng hết sức gian truân.

Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của NH, đơn vị làm dịch vụ giữ tiền của khách hàng, ra sao? Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội NH và các chuyên gia đều khẳng định khách hàng gửi tiền vào NH mà NH để mất thì phải đền, đó là chuyện hiển nhiên. Thế nhưng, cái sự hiển nhiên này trên thực tế lại không hề hiển nhiên, không hề đơn giản, nếu không muốn nói là hết sức gian truân. Về nguyên tắc, nếu NH không trả tiền, không giải quyết thì khách hàng có quyền kiện ra tòa. Nhưng đáo tụng đình thì mất thời gian, tốn chi phí trong khi tiền biến mất không biết đến bao giờ mới lấy lại được. Trong một số vụ việc, phía nhà băng chủ động nhanh chóng chuyển sang cơ quan điều tra rồi lấy lý do đó để kéo dài thời gian giải quyết cho khách hàng, thậm chí còn "bít" cả thông tin với lý do "sợ ảnh hưởng đến việc điều tra"... Ở đây phải nói thẳng thắn, điều tra tiếp theo là việc của NH, giải quyết vấn đề của NH, không thể lấy đó làm cớ để né tránh trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Khách gửi tiền vào NH, nếu mất do lỗi của NH thì NH phải chịu trách nhiệm bồi thường nhanh nhất, sớm nhất chứ không thể kéo dài bằng cách im lặng, nhùng nhằng, lấy cớ này cớ kia, khiến khách hàng phải kiện tụng đòi tiền...

Quan trọng hơn, khi chọn gửi tiết kiệm, mở tài khoản ở một NH là người gửi hoàn toàn tin tưởng vào sự an toàn, uy tín, trách nhiệm của NH đó. Mà kinh doanh NH là một hoạt động dịch vụ, yếu tố quan trọng nhất để tồn tại và phát triển chính là uy tín, được xây dựng từ thái độ phục vụ, dịch vụ chuyên nghiệp, hệ thống bảo mật và trách nhiệm khi xảy ra các sự cố, vụ việc như nói trên. Còn với các nhà băng lúc nào cũng "nắm đằng chuôi", "ăn thua" với khách hàng ngay cả khi lỗi tại mình thì...

Rủi ro là điều không ai muốn nhưng lại không thể tránh tuyệt đối, với cả người gửi tiền lẫn NH. Nhưng có lẽ cần phải có quy định cụ thể về thời gian trả lại tiền cho khách hàng trong các vụ tiền trong tài khoản "bốc hơi" do lỗi ở phía NH. Việc này vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền, cũng là giữ hình ảnh và uy tín cho các nhà băng.

Có thể bạn quan tâm

Không phải lời xin lỗi nào cũng được tha thứ

Không phải lời xin lỗi nào cũng được tha thứ

(GLO)- Có những lời xin lỗi khiến người ta cảm động, song cũng có những lời xin lỗi mãi mãi không nhận được sự chia sẻ. Trường hợp của MC Bích Hồng-gương mặt từng quen thuộc trên sóng SCTV-là một ví dụ rõ ràng. Lời xin lỗi cô đưa ra không mang lại cảm thông mà chỉ khoét sâu thêm nỗi thất vọng.

Vì việc chọn người

Vì việc chọn người

Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 11 BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đề nghị phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác, liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự khi sáp nhập, hợp nhất và nhân sự Đại hội đảng bộ các cấp.

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Chuyển đổi công việc sau tinh giản

Theo Bộ Nội vụ, quy mô công chức, viên chức dự kiến giảm 20%, tương đương 100.528 người (không tính viên chức y tế và giáo dục). Chủ trương tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước là đúng đắn. 

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Phát triển Quỹ nhà ở quốc gia

Quỹ phát triển nhà ở quốc gia được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập hồi đầu năm nay, nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã vào cuộc triển khai nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật để thực hiện.

Con đường tất yếu

Con đường tất yếu

Vài năm trở lại đây, các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật Việt đã được khai thác với tinh thần mới: vừa trân trọng truyền thống, vừa dấn thân khai phá cái mới.

Xóa mù về trí tuệ nhân tạo

Xóa mù về trí tuệ nhân tạo

(GLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển và nâng cao đời sống người dân.

Chứng khoán lạnh và nóng

Chứng khoán lạnh và nóng

Lên cao vút, xuống mất hút; lúc lên thì không ai bán, lúc xuống lại chẳng ai mua... là tình trạng thị trường chứng khoán trong nước mấy phiên vừa qua. Chuyện này cũng chẳng có gì mới nhưng chỉ lúc xong rồi, rất nhiều người mới nhận ra mình đã phản ứng "quá nóng" ở thời điểm cần có một cái đầu lạnh.