Thương thêm chút nữa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nấu cơm cho tuyến đầu, khu vực chịu phong tỏa; rủ nhau đi hiến máu; hay đêm muộn vẫn có những nhóm người tay xách nách mang từng chút quà, gửi đến những mảnh đời mưu sinh từ hè phố… Dẫu dịch bệnh đang hoành hành, nhưng bằng cách này hay cách khác, người dân TPHCM vẫn tìm cách để thương nhau thêm chút nữa, nhất là những lúc khó khăn như thế này.
Những phần ăn chay do quán chay Thanh Lạc (quận 4) của anh Thanh nấu và gửi đến bà con lao động khó khăn
Những phần ăn chay do quán chay Thanh Lạc (quận 4) của anh Thanh nấu và gửi đến bà con lao động khó khăn
Chung tay ngày dịch
TPHCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần theo Chỉ thị 15, các phương tiện báo đài truyền thông kêu gọi người dân tham gia hiến máu vì nguồn dự trữ đã cạn. Rời điểm hiến máu tại chùa Giác Ngộ (quận 5), chị Nguyễn Thị Thu Thảo (28 tuổi, ngụ quận 5), chia sẻ: “Nghe tin nguồn máu dự trữ cạn nên tôi tranh thủ tới, một mình tôi thì cũng không là bao nhiêu so với số lượng các bệnh viện đang cần, nên tui rủ cả nhóm bạn và người nhà tham gia. Tôi đăng ký thành 3 đợt cho bạn bè và người nhà để đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người”.
Và mạng xã hội cũng trở thành công cụ để kêu gọi và lan tỏa hình ảnh dễ thương từ các điểm hiến máu trong thành phố. Quản lý fanpage về mỹ phẩm với hơn 10.000 lượt theo dõi, nhưng những ngày này mọi bài viết về son phấn hay làm đẹp đều được Huỳnh Mỹ Phụng (26 tuổi, ngụ quận 7) gác lại để liên tục chia sẻ bài viết cập nhật các điểm hiến máu trong thành phố và thông tin về Quỹ vaccine phòng Covid-19. Phụng chia sẻ: “Vì lý do sức khỏe, tôi không tham gia hiến máu được, nhưng vài người thân trong nhà đã đăng ký hiến máu. Tôi nghĩ, mạng xã hội và fanpage của tôi có nhiều người theo dõi, nên cứ chia sẻ thông tin để kêu gọi thêm, ngay lúc này cách nào lan tỏa được những việc có ích thì làm thôi, mỗi người góp một chút thì chống dịch mới thành công được”.
Trong những ngày giãn cách xã hội để chống dịch, mọi chuyện đi lại đều hạn chế, bác sĩ về hưu Hồ Hoàng Tuấn (ngụ quận 11) nghĩ cách tư vấn bệnh qua điện thoại cho người dân cần hỗ trợ. Trên trang cá nhân, bác sĩ Tuấn viết: “Hỗ trợ khám bệnh miễn phí. Tình hình TPHCM giãn cách theo Chỉ thị 15 thêm 15 ngày, nhiều bệnh nhân không đi khám bệnh được, nếu quý vị cần, bác sĩ Tuấn xin hỗ trợ khám chữa bệnh hoàn toàn không thu tiền, nếu bệnh nhân khó khăn xin tặng thêm thuốc”.
Bài viết nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ và chuông điện thoại reo là bác sĩ Tuấn bắt máy liền, bất kể ngày hay đêm. “Trong tình hình này, nhiều người cũng ngại đến bệnh viện. Như hôm qua có một ca đau ruột thừa ở quận Gò Vấp, qua điện thoại nghe người bệnh miêu tả và tôi hướng dẫn họ cách ấn vào bụng thì đúng là ruột thừa rồi, tôi lập tức tới nhà và hỗ trợ đưa họ đi cấp cứu liền”, bác sĩ Tuấn kể.
Không chỉ tư vấn bệnh từ xa, những trường hợp cần, bác sĩ Tuấn cũng trực tiếp mang theo đồ nghề đến tận nhà bệnh nhân và phát thuốc miễn phí. Ngoài việc hỗ trợ sức khỏe cho mọi người, bác sĩ Tuấn cũng tham gia những buổi nấu cơm cho lực lượng tuyến đầu, người dân ở những khu vực phong tỏa… “Trước đây, tôi là bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, còn bây giờ thì về hưu rồi. Những lúc khó khăn này, trong khả năng mình có thể làm được thì chung tay giúp mọi người một chút”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
“Thương gửi tình thương”
Nhận phần ăn và không ngớt lời cảm ơn tới nhóm bạn trẻ đang đứng trao từng hộp cơm cho bà con khó khăn trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), chú Nguyễn Văn Bé (68 tuổi, ngụ quận 4) kể: “Tôi bán vé số, mấy ngày này người ta hạn chế ra đường, nên đâu có bán được nhiêu. Chiều nào, tôi cũng ghé đây nhận đồ ăn để đỡ một chút. Mấy cô chú chỗ này dễ thương lắm, có bữa cho thêm khoai lang rồi trái vải, hộp sữa”. 
Cuối mỗi ngày, sau khi các phần ăn đã trao hết, trên trang cá nhân của mình, anh Trương Hoài Thanh (chủ quán chay Thanh Lạc, 144 Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4) lại cập nhật bài viết với nhan đề “Thương gửi tình thương” ngày 1, ngày 2, ngày 3… để những người chuyển tiền cùng anh chung tay nấu cơm phát cho bà con, có thể theo dõi chi tiết việc thu chi mỗi ngày. 
“Những ngày đầu, trước khi có sự chung tay đóng góp của nhiều người gửi qua tài khoản ngân hàng, tôi trích lợi nhuận của quán từ mấy tháng trước ra để làm. Vì mục đích tôi lập quán chay này cũng chỉ có vậy. Tiền lời đủ duy trì việc kinh doanh, còn lại quán sẽ tổ chức các chương trình tặng quà cho bà con khó khăn theo định kỳ. Thấy tình hình dịch bệnh phức tạp và bà con lao động thêm khó khăn, tôi quyết định thực hiện chương trình 100 phần ăn chay miễn phí mỗi ngày, do lượng người tới nhận nhiều nên từ ngày 16-6 vừa rồi đã tăng lên thành 150 phần/ngày”, anh Thanh cho biết.
Dù là những phần ăn miễn phí, nhưng thực đơn vẫn được anh Thanh và các thành viên trong quán chăm chút, thay đổi mỗi ngày, từ cơm, bánh mì đến bánh bao, bánh chưng, bánh ướt… đều có đủ, để người nhận không bị ngán. Anh Thanh kể: “Lên kế hoạch mai nấu món gì thì tối hôm nay sẽ gửi danh sách thực phẩm cho đối tác cung cấp, đến sáng hôm sau họ giao hàng qua. Tầm đầu giờ chiều, bếp sẽ bắt đầu nấu và đến 5 giờ chiều mỗi ngày sẽ phát để phục vụ bà con đồ ăn tươi mới trong ngày. Do quán ra đời với mục đích dùng 100% lợi nhuận để làm từ thiện nên gần như không thuê nhân viên, tôi cùng gia đình và những người bạn của tôi đảm nhiệm mọi phần việc, từ sơ chế đến chế biến thức ăn và cả việc dọn dẹp”.
Kê một cái bàn phía trước quán để những phần ăn và mỗi người một nhiệm vụ, người xịt sát khuẩn tay cho người nhận, người trao phần ăn và người bên trong canh chừng để châm thêm phần cơm, phần bánh… Niềm vui đổi lại là những phần ăn nhanh chóng hết sạch và người qua đường nhìn thấy tấm lòng, cũng ghé lại chung tay.
Anh Thanh kể: Mới hôm qua đây, có một chị chở con gái đến tấp vào lề đường gần chỗ cả nhóm đang phát cơm rồi chị ngại ngùng đi lại hỏi có thể cho chị đóng góp 1 triệu tiền mặt cho hoạt động của chúng tôi không? Vì ngày nào chị đi ngang cũng thấy chúng tôi phát cơm, chị muốn vào đóng mà sợ chúng tôi không nhận. Rồi có một em bé nhỏ lắm, hay lại nhận đồ ăn nhưng không phải là cho em và gia đình, mà cho bà cụ bên đường gần nhà em, vì bà lớn tuổi, không lại đây nhận đồ được. Thiệt sự là những điều dễ thương mỗi ngày có kể hoài cũng không hết. Ngày thường người với người sống để thương nhau, thì những ngày này thương thêm chút nữa, chia sẻ, hỗ trợ nhau thêm một chút… để cùng vượt qua những ngày giãn cách.
Không chỉ là câu chuyện của anh Thanh, mà những ngày này, ở nhiều quận huyện, cũng có nhiều lắm những tấm lòng sẻ chia trong mùa khó. Thành phố không “buồn”, cũng không bị “trọng thương” như những gì mà mạng xã hội mấy ngày nay lan truyền. Thành phố mình vẫn ấp áp bởi những câu chuyện tử tế và trách nhiệm, hơn cả là sự đồng lòng vượt qua những nỗi lo... 
Câu chuyện về sự đồng lòng chống dịch còn có ở nhiều tỉnh thành khác, ông Nguyễn Chưởng (97 tuổi, ở thôn Phú Long, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là thương binh chống Pháp) đã viết tâm thư và trích số tiền 10 triệu đồng tiết kiệm để ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19. Số tiền 10 triệu đồng nằm trong tổng số 20 triệu đồng mà ông đã dành dụm tiết kiệm được từ tiền trợ cấp người có công và mừng tuổi của con cháu. 
Từ Tây Ninh, em Nguyễn Phương Như (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Bình Linh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) vừa cùng ông ngoại trao cho Xã đoàn xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu số tiền hơn 3,2 triệu đồng được khui từ heo đất để ủng hộ quỹ. Theo ông Lê Văn Hồng (70 tuổi, ông ngoại Như), vài ngày trước, cháu Như xem tivi thấy các đơn vị kêu gọi ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 nên đóng góp toàn bộ số tiền dành dụm được từ dịp Tết 2021.
DƯƠNG QUANG - XUÂN TRUNG
Theo KIM LOAN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.