(GLO)- Rẻ, ngon, hấp dẫn, phong phú về món nên mặc cho việc các loại thức ăn đường phố (TAĐP) hiện nay có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay không vẫn luôn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Chính sự dễ dãi của người tiêu dùng mà thức ăn đường phố vẫn luôn có đất sống và nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn, chực chờ.
Cơ sở kinh doanh TAĐP phớt lờ quy định ATVSTP
Sử dụng thực phẩm rẻ tiền, hư hỏng… khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao. Ảnh: N.N |
Từ ngày 7-12 đến 15-12-2015, Đoàn kiểm tra chuyên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP làm Trưởng đoàn sẽ tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh TAĐP và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Bước đầu thanh kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm.
Kinh doanh hàng mì quảng trên 20 năm nay nhưng kiến thức về ATVSTP của bà Đặng Thị Ý (41 Nguyễn Đình Chiểu-phường Tây Sơn, TP. Pleiku) hết sức hạn chế. Theo bà, việc chế biến thực phẩm chỉ bằng cảm quan chứ chưa qua một lớp tập huấn ATVSTP nào. Dù kinh doanh đã lâu nhưng do không đầu tư sửa chữa nên cơ sở xuống cấp, bếp ăn không đảm bảo nguyên tắc một chiều, chật hẹp, ẩm thấp; nhiều dụng cụ chứa đựng thức ăn tại quán không đảm bảo theo quy định…
Qua kiểm tra, bà Ý thiếu nhiều giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh. Trước đó, quán đã từng nhiều lần bị kiểm tra, nhắc nhở và đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSTP… Chủ cơ sở cam kết khắc phục nhiều lần nhưng hứa rồi… để đó. Với vi phạm trên, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Kiểm tra tại Quán cơm bình dân (122 Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chiều 9-12, Đoàn ghi nhận cơ sở hoạt động bình thường. Kiểm tra tại khu vực chế biến thức ăn nhiều người trong đoàn chỉ có thể thốt lên hai từ “quá bẩn”. Vì là nhà thuê nên khu bếp chỉ làm tạm bợ, bụi bặm; do đun nấu bằng than, củi lại không dọn dẹp thường xuyên nên các vật dụng đều ám bụi khói, mốc meo… Tại đây, đoàn phát hiện lô trứng gà chủ cơ sở mua để chế biến thức ăn cho khách hầu hết đều bị vỡ, có dấu hiệu hư hỏng…
Tăng cường thanh-kiểm tra an toàn thực phẩm TAĐP. Ảnh: N.N |
Qua làm việc, chủ quán cũng không có giấy tờ gì liên quan đến việc kinh doanh và cũng từng bị kiểm tra nhắc nhở nhiều lần vẫn không khắc phục.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa-chủ cơ sở kinh doanh thì vì điều kiện gia đình quá khó khăn, chồng bị tai biến, nhà thưa người, quán buôn bán ế ẩm một ngày chỉ dao động 20 đến 30 đĩa cơm giá một đĩa từ 10.000 đến 15.000 nên vấn đề ATVSTP còn hạn chế… Trước những vi phạm trên, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời tiêu hủy tại chỗ lô trứng hư và đình chỉ có thời hạn hoạt động của cơ sở. Thông qua sự giám sát và kiểm tra của Trạm Y tế phường Ia Kring, cơ sở chỉ được phép hoạt động lại khi đảm bảo vấn đề ATVSTP…
Tại quán Bánh khọt (52B Nguyễn Đường, phường Ia Kring, TP. Pleiku), Đoàn cũng phát hiện nhiều sai phạm và lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định.
Các cơ sở kinh doanh TAĐP hầu hết tạm bợ, chưa đảm bảo ATVSTP. Ảnh: N.N |
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ TAĐP
Đa số TAĐP đều rất rẻ mà càng rẻ thì càng khó đảm bảo ATVSTP. Để có lợi nhuận người bán buộc phải mua thực phẩm rẻ tiền, không kể việc nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, biến chất… để chế biến. Ngoài ra, để thức ăn giữ được lâu, tươi ngon… nhiều cơ sở đã lạm dụng hóa chất, chất cấm trong chế biến thực phẩm vượt nhiều lần mức cho phép… Người tiêu dùng sử dụng nguồn thực phẩm này nếu may mắn không bị ngộ độc tức thời thì về lâu dài cơ thể cũng sẽ bị “bào mòn”. Thực phẩm bẩn cũng chính là một trong những tác nhân gây ra nhiều bệnh mãn tính, ung thư…
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ TAĐP luôn rình rập vì sự chủ quan, dễ dãi của người tiêu dùng mà còn từ chính sự quản lý chưa chặt chẽ của ngành chức năng. Theo thống kê, chỉ riêng tại địa bàn TP.Pleiku đã có gần 500 cơ sở kinh doanh TAĐP. Con số này trên thực tế chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việc quản lý, đảm bảo ATVSTP với loại hình kinh doanh này đã và đang gặp nhiều khó khăn vô kể. Các hàng quán TAĐP chủ yếu tạm bợ, kinh doanh ở địa điểm không cố định, thay đổi thường xuyên… nên dù muốn đưa vào khuôn khổ hay muốn áp dụng các biện pháp chế tài thì cũng “lực bất tòng tâm”.
“Mục đích của đợt thanh kiểm tra lần này ngoài tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở đảm bảo ATVSTP; phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm thì chúng tôi cũng mong cơ quan thông tin đại chúng đưa tin rộng rãi đối với các cơ sở vi phạm cũng như thực trạng về ATVSTP đối với TAĐP hiện nay từ đó giúp người tiêu dùng nâng cao ý thức, chọn lựa thực phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình…”. Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết.
Như Nguyện