Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành bàn giao mặt bằng Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, 2 dự án đường vành đai và 3 dự án cao tốc trục Đông-Tây trong quý II năm 2024.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 28-5-2024 về việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông-Vận tải đúng kế hoạch.

Nội dung Công điện nêu: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu cả nước đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành trục cao tốc Bắc-Nam phía Đông; làm tiền đề đến năm 2030 có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm ngành Giao thông-Vận tải đúng kế hoạch (ảnh tư liệu)

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm ngành Giao thông-Vận tải đúng kế hoạch (ảnh tư liệu)

Thời gian qua, Bộ Giao thông-Vận tải và nhiều địa phương từ Bắc đến Nam được giao làm cơ quan chủ quản đã nỗ lực, cố gắng tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và đã hoàn thành các thủ tục để đang thực hiện thi công các dự án đường bộ cao tốc và đang triển khai các công việc để khởi công trong năm 2024 đối với các Dự án: Hòa Bình - Mộc Châu, Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng,…

Công tác giải phóng mặt bằng là công tác phức tạp, khó khăn do liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sinh kế của người dân; quá trình triển khai thường kéo dài và ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các địa phương đã thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị; lựa chọn vị trí và xây dựng các khu tái định cư với các điều kiện sinh sống tốt hơn và ít nhất bằng với nơi ở cũ; chăm lo đến đời sống, tạo sinh kế ổn định cho người dân sau khi nhường đất, nhà ở, ruộng vườn để xây dựng các dự án.

Chính vì vậy, sau 1 năm từ khi các dự án quan trọng quốc gia được thông qua chủ trương đầu tư và sau 6 tháng từ khi nhận được đầy đủ cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương đã thực hiện thu hồi để bàn giao cho các chủ đầu tư dự án ít nhất trên 70% diện tích, đáp ứng đủ điều kiện để khởi công, đến nay nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, là một thành tích rất lớn so với triển khai các dự án ở giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông-Vận tải một số địa phương vẫn còn chậm trong triển khai ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Để hoàn thành các dự án trọng điểm đúng tiến độ đề ra, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, các đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo các tổ chức trực thuộc các cấp vào cuộc tích cực và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp để vận động nhân dân nơi có công trình dự án đi qua sẵn sàng bàn giao mặt bằng, thực hiện tái định cư.

Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bám sát các mốc tiến độ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, 2 dự án đường vành đai và 3 dự án cao tốc trục Đông-Tây trong quý II năm 2024.

Cạnh đó, tăng cường làm việc trực tiếp với người dân, thực hiện công tác dân vận để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các quy định của pháp luật để giải quyết các khiếu nại, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân; phối hợp với các chủ đầu tư để ưu tiên giải phóng mặt bằng tại các vị trí là đường găng về tiến độ thi công như khu vực xử lý nền đất yếu, công trình cầu, hầm lớn, khu vực đường tiếp cận thi công; tập trung vào một số công việc cụ thể sau:

Các công việc yêu cầu hoàn thành trước ngày 30-6-2024: Các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hậu Giang, Kiên Giang đẩy nhanh việc hoàn thiện các khu tái định cư; Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa đẩy nhanh việc di dời hạ tầng kỹ thuật; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo để sớm bàn giao các diện tích còn lại của Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và các dự án trọng điểm khác.

Tỉnh Bình Định thực hiện song song các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng để bàn giao mặt bằng ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15, bảo đảm việc điều phối vật liệu tại dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Đồng Nai bổ sung nhân lực, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh công tác đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt phương án đền bù, giải quyết khiếu kiện, xây dựng các khu tái định cư tại dự án Biên Hòa-Vũng Tàu và Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh.

Các tỉnh: Khánh Hòa và Đak Lak sớm hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác rừng, đấu giá, thu hồi rừng; tỉnh Khánh Hòa giải quyết vướng mắc về giá đất tại Dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.

Các tỉnh, thành phố: An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật, giải quyết các khiếu nại để bàn giao phần còn lại của Dự án An Giang - Cần Thơ-Sóc Trăng.

Các tỉnh: Bắc Ninh và Hưng Yên đẩy nhanh xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật; tỉnh Hưng Yên phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn trong thu hồi đất để bố trí hoàn trả đất sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng tại dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Các công việc yêu cầu hoàn thành trong năm 2024: Thành phố Đà Nẵng ưu tiên bàn giao các thửa đất nông nghiệp, tăng cường vận động người dân đồng thuận với phương án tạm cư, bố trí vào các khu tái định cư sẵn có; đẩy nhanh công tác chi trả; hoàn thiện các thủ tục để xây dựng ngay các khu tái định cư tại dự án La Sơn-Hòa Liên. Hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6-2024.

Hoàn thiện các thủ tục để xây dựng ngay các khu tái định cư tại dự án La Sơn-Hòa Liên. Hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6-2024 (ảnh minh họa nguồn Báo Đà Nẵng)

Hoàn thiện các thủ tục để xây dựng ngay các khu tái định cư tại dự án La Sơn-Hòa Liên. Hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6-2024 (ảnh minh họa nguồn Báo Đà Nẵng)

Tỉnh Tiền Giang sớm hoàn thành các thủ tục liên quan để triển khai giải phóng mặt bằng Dự án Cao Lãnh - An Hữu, hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 30-9-2024.

Tỉnh Lạng Sơn khẩn trương rà soát chỉ tiêu quy hoạch đất giao thông còn thiếu tại dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh để điều chỉnh, bổ sung theo quy định, hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 30-9-2024.

Tỉnh Tuyên Quang đẩy nhanh di dời hạ tầng kỹ thuật, xác minh nguồn gốc đất, phê duyệt phương án bồi thường, xây dựng các khu tái định cư, hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 31-12-2024.

Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai các thủ tục để sớm hoàn thành hồ sơ di dời đường điện cao thế; EVN đôn đốc các đơn vị thành viên ưu tiên tập trung nguồn vật tư, nhân lực để triển khai di dời các đường điện cao thế; rút ngắn thời gian phê duyệt phương án cắt điện để thực hiện di dời, nhất là tại các địa phương: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng. Hoàn thành trước ngày 30-6-2024.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo và Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cơ quan trong hệ thống chính trị, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện này.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

Gia Lai: Không ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với 4 loại giấy tờ về sở hữu đất và nhà ở

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa thống nhất không ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 137 Luật Đất đai năm 2024 đối với 4 loại giấy tờ do UBND TP. Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thành phố đề xuất.