Hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án thành phần cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhờ công khai phương án bồi thường; giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Đắk Lắk hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng đoạn qua xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc phục vụ Dự án Đường bộ Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Hoàn thành giải phóng mặt bằng đoạn qua xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc phục vụ Dự án Đường bộ Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Dự án Cao tốc Đường bộ Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài hơn 116,5km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần; trong đó, dự án thành phần 3 có chiều dài 48,09km do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ủy quyền cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông và Nông nghiệp Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư.

Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện Dự án Đường bộ Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (gọi tắt là Dự án), dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, các huyện có tuyến cao tốc chạy qua đã quyết liệt triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân trong vùng dự án; phấn đấu đến 31/12, sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch để thi công dự án.

Tại huyện Krông Pắc, dự án đi qua 8 xã với chiều dài 33,31km, diện tích phải giải phóng mặt bằng khoảng 255ha, số hộ dân bị ảnh hưởng trên 2.000 hộ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là làm tốt công tác dân vận, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Ông Trịnh Minh Tâm, Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc cho biết tuyến cao tốc đi qua địa bàn hơn 4km, có 241 hộ dân phải giải phóng mặt bằng.

Do tuyến cao tốc chạy qua khu dân cư, ảnh hưởng đến đất ở, đất sản xuất, công trình kiến trúc, trường học nên khối lượng công việc rất nhiều.

Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, nên cấp ủy, chính quyền xã có quyết tâm chính trị rất lớn trong công tác triển khai thực hiện và xem đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong năm.

Đối với địa phương, đã thành lập tổ kiểm đếm, tiểu ban đi tuyên truyền vận động để người dân đồng thuận cùng thực hiện các bước giải phóng mặt bằng.

Trong quá trình thực hiện kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ những ý kiến của bà con phản ánh về xác định nguồn gốc đất, kiểm đếm chưa đầy đủ... đều được Ủy ban Nhân dân xã phối hợp với các phòng, ban của huyện giải thích cặn kẽ, xử lý hợp tình hợp lý.

Đến thời điểm này cơ bản các hộ dân đã đồng tình ủng hộ để giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn xã.

Ông Trần Văn Phú, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc (một trong những hộ bàn giao mặt bằng sớm nhất cho dự án) chia sẻ từ khi nhận được thông báo về những gia đình có liên quan đến mặt bằng Dự án Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, người dân cũng đồng thuận, tham gia các buổi họp để nắm chủ trương và triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

“Mặc dù có khó khăn khi Nhà nước thu hồi đất ở, đất sản xuất để làm cao tốc nhưng người dân cũng đồng tình, vui mừng vì phục vụ công trình trọng điểm quốc gia. Hy vọng sau khi công trình đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương và nông sản của bà con làm ra cũng thuận tiện trong lưu thông, duy trì được giá cả,” ông Phú vui vẻ cho biết.

Sư thầy Thích Đạo Ứng, Thiền viện Trúc Lâm Đạo Giác, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc cho biết, sau khi nhận được thông báo về dự án cao tốc đi ngang qua phần đất Thiền viện, đây là công trình trọng điểm quốc gia, đem lại lợi ích chung, Thiện viện đã chủ động di dời một số kiến trúc, công trình xây dựng để bàn giao mặt bằng nhanh chóng cho dự án thuận lợi triển khai.

Bà Ngô Thị Minh Trinh (bên phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc đến từng hộ dân để vận động về công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Bà Ngô Thị Minh Trinh (bên phải), Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc đến từng hộ dân để vận động về công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Thiền viện cũng vận động quý phật tử, bà con hoan hỷ, vui vẻ và đồng thuận đối với việc giải phóng mặt bằng của Nhà nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh cho biết, trong tổng chiều dài 48 km của tuyến Dự án thành phần 3 có đến hơn 33km qua địa bàn huyện Krông Pắc với tổng diện tích giải phóng mặt bằng lên đến hơn 255ha.

Đoạn dự án qua huyện Krông Pắc cũng có 4 nút giao, đều nằm ở các khu vực đông dân cư, phải đền bù, hỗ trợ nhiều công trình nhà ở.

Trong quá trình giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt diện tích phải giải phóng mặt bằng chủ yếu các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, cà phê, hồ tiêu... tạo áp lực rất lớn cho địa phương.

"Khối lượng công việc rất lớn, thời gian triển khai thực hiện theo kế hoạch ngắn, lại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống sinh hoạt của bà con trong vùng dự án nên nếu làm không chắc chắn, chặt chẽ sẽ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phát sinh, khiếu nại, khiếu kiện, tạo điểm nóng," bà Ngô Thị Minh Trinh chia sẻ.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm tốt công tác dân vận, cán bộ không quản ngày đêm để đến từng gia đình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; công khai, minh bạch các phương án bồi thường hỗ trợ; giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị chính đáng của bà con nên những "nút thắt" từng bước được tháo gỡ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, từ đó hoàn thành khối lượng lớn công việc giải phóng mặt bằng. Đến nay, huyện Krông Pắc đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư chiều dài tuyến khoảng 32,15km, đạt gần 100% kế hoạch.

Theo chủ đầu tư dự án thành phần 3, đến ngày 20/12, các địa phương đã bàn giao trên 324/333 ha mặt bằng đạt gần 98%. Nguồn vốn đã bố trí cho dự án là 1.372,4 tỷ đồng và thực hiện giải ngân 1.246,3 tỷ đồng đạt trên 90,8%.

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất