Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát một số dự án trọng điểm tại Tiền Giang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương có dự án hạ tầng trọng điểm đi qua cần luôn quan tâm, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và động viên, thúc đẩy tiến độ dự án.

Chiều tối 23-3, trong chương trình công tác tại Tiền Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến khảo sát, kiểm tra tiến độ một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang gồm cầu Rạch Miễu 2, tuyến đê biển Gò Công, quy hoạch xây dựng cảng biển và khu phục hồi diện tích biển Gò Công.

Cùng đi với Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng khảo sát công trình cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng khảo sát công trình cầu Rạch Miễu 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rạch Miễu 2 là cây cầu thứ 2 có quy mô lớn bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; được xây dựng cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 4 km về phía thượng nguồn sông Tiền. Điểm đầu dự án tại ngã tư Đồng Tâm (giao quốc lộ 1 với đường tỉnh 870), tỉnh Tiền Giang; điểm cuối trên quốc lộ 60, đoạn gần cầu Hàm Luông, tỉnh Bến Tre.

Dự án có chiều dài khoảng 17,6 km, phần cầu dài gần 2 km, rộng 21,5 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư 6.810,11 tỷ đồng, khởi công vào tháng 3-2022, dự kiến hoàn thành tháng 12-2025. Dự án sử dụng ngân sách Trung ương, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư do tỉnh Tiền Giang và Bến Tre làm chủ đầu tư và thực hiện.

Rạch Miễu 2 là cây cầu thứ 2 có quy mô lớn bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rạch Miễu 2 là cây cầu thứ 2 có quy mô lớn bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng trong chuyến kiểm tra dự án cầu Rạch Miễu 2 vào ngày 15-2-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo xây dựng lại tiến độ, rút ngắn thời gian thi công để phấn đấu sớm hoàn thành cầu Rạch Miễu 2, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Rạch Miễu 1 vốn đã mãn tải. Bộ Giao thông-Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, tổ chức thi công phấn đấu hoàn thành dự án cầu Rạch Miễu 2 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt hơn 96%, tiến độ thi công đạt hơn 41%, cơ bản đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch. Các cơ quan liên quan phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch trong quý I năm 2024; đến hết năm 2024 đạt tiến độ thi công 70% toàn dự án và hoàn thành toàn bộ trong năm 2025.

Trên công trường, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, địa phương liên quan, các nhà thầu ngày càng có nhiều kinh nghiệm và nâng cao năng lực; cảm ơn đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường đã nỗ lực thi công với tinh thần "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm không bàn lùi", làm xuyên lễ xuyên Tết.

Thủ tướng cảm ơn đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường đã nỗ lực thi công với tinh thần "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm không bàn lùi", làm xuyên, lễ xuyên Tết. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cảm ơn đội ngũ cán bộ, công nhân, người lao động trên công trường đã nỗ lực thi công với tinh thần "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "chỉ bàn làm không bàn lùi", làm xuyên, lễ xuyên Tết. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị chủ đầu tư, địa phương, các nhà thầu tiếp tục cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm hơn nữa trong triển khai dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, kỹ thuật, mỹ thuật, phòng-chống tiêu cực, lãng phí; giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho người dân và hoàn thiện hạ tầng giao thông của hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương có dự án hạ tầng trọng điểm đi qua cần luôn quan tâm, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và động viên, thúc đẩy tiến độ dự án.

Đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, các thủ tục cũng đã xong, Thủ tướng đề nghị Ban Quản lý dự án lập kế hoạch, phấn đấu đẩy nhanh tiến độ 3 tháng, hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2-9-2025, đáp ứng mong đợi của người dân.

Thủ tướng thị sát tuyến đê biển Gò Công. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng thị sát tuyến đê biển Gò Công. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thị sát tuyến đê biển Gò Công, có tổng chiều dài 21 km, trong đó có hơn 6,8 km đê giảm sóng xa bờ chưa được đầu tư. Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của các bộ, ngành và tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng nhấn mạnh đây là tuyến đê rất trọng yếu, việc đầu tư gần 7 km tuyến đê giảm sóng xa bờ là rất cần thiết để ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển xảy ra ngày càng nghiêm trọng bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của khoảng 600.000 hộ dân và tài sản của Nhà nước, bảo vệ gần 54.000 ha đất tự nhiên, trong đó có khoảng 43.000 ha đất canh tác của 4 huyện, thị xã ven biển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương bố trí nguồn vốn cho dự án quan trọng này, trong đó nghiên cứu dùng nguồn dự phòng của năm 2024.

Khảo sát địa điểm dự kiến quy hoạch xây dựng cảng biển và khu phục hồi diện tích biển Gò Công, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh ý tưởng mở rộng không gian phát triển này; yêu cầu tỉnh Tiền Giang phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan lập quy hoạch, dự án cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét. Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng cảng biển và khu vực kinh tế này phải phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và với quy hoạch cảng biển của cả nước; nghiên cứu yếu tố liên kết, liên thông về mặt giao thông, dịch vụ logistics với khu vực và cả nước; phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ cho tỉnh Tiền Giang mà cả khu vực. Thủ tướng lưu ý cần xây dựng dự án, kêu gọi, huy động nguồn lực, triển khai theo hình thức hợp tác công tư.

Chiều cùng ngày, trong chương trình công tác tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng và đoàn công tác đã đến dâng hương, bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ công đức của Anh hùng dân tộc, Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định-một trong những tấm gương tiêu biểu cho lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc tại Đền thờ ông ở huyện Gò Công Đông.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.