Thư cho con của một người Gia Lai kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ba viết cho con về ngày 5-3-1970 ấy. Sự việc hôm đó xảy ra cách nay đã nhiều năm nhưng vẫn in đậm trong lòng ba. Hy vọng rằng, khi lớn lên con sẽ hiểu về tâm hồn của những người Việt cộng lúc bấy giờ, cũng như tấm lòng của người đồng bào dân tộc Jrai với cách mạng trên mảnh đất Gia Lai kiên cường này.
Ông Nguyễn Hồng Nam.
Ông Nguyễn Hồng Nam.
Vào những ngày đầu Xuân năm 1970, ba được Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai phân công về công tác tại một huyện phía Tây của tỉnh-lúc ấy gọi là K4, tức huyện 4 (huyện Chư Pah ngày nay). Sáng ngày 5-3, vùng trời phía Tây đẹp nắng, ba đang họp với cán bộ xã B6 thì anh giao liên xã, người Jrai, đến báo:
- Ayong Nam, ayong Hà Kiăng tơ bơp kơih! (Anh Nam, anh Hà cần gặp anh!).
Bác Hà lúc đó là đoàn trưởng đoàn công tác của tỉnh, vừa ở K4 xuống xã tìm ba.
Ba cất giấu ba lô, mang cặp tài liệu và chiếc đài bán dẫn theo người giao liên nọ đến khu nhà mả làng Băng Út gặp bác Hà. Ba vừa gặp bác Hà cùng bác Leh (bác Leh là Chủ tịch UBND huyện K4, người dân tộc Jrai, nay đã hy sinh rồi) bàn công việc chừng vài phút thì hàng đàn máy bay trực thăng loại HU1A của Mỹ ập đến. Theo sau chúng là mấy chiếc trực thăng quạt-loại máy bay mà đồng bào quê nội của con gọi là “ác ôn”. Cả 3 người lui vào bụi le bên trong hàng rào rẫy nằm kề cạnh nhau, im lặng và chờ đợi. Ít phút sau, chúng ập tới đổ 3 trực thăng đầy lính đủ loại. 
Chỉ trong nháy mắt, những bước chân của 6 tên lính ngụy băng rào, giẫm ngay gần chỗ 3 người đang núp. Từng tên, từng tên đầy đủ súng ống, ba lô, dù… đi sát sạt người bác Leh mà không phát hiện ra. Chúng đi thẳng vào trong làng. Vậy là thoát được một bọn.
Nhưng cũng tức thì, một bọn lính khác chừng 50-70 tên ập tới khu rẫy trống, cách chỗ ba nằm chưa đầy 10 m. Một tên nai nịt súng ống gọn gàng, cầm súng AR15 ngang tay, đứng gác trước chỗ ba và bác Hà nằm. Lúc này, bác Leh đã nhanh nhẹn rút đi đàng nào chẳng biết, còn lại ba và bác Hà.
Bác Hà có mang theo súng ngắn nhưng đành nằm im. Còn ba thì không có súng ống gì cả. Ba nghiêng đầu liên tục theo dõi tên lính gác. Nó đi qua, đi lại trước mặt ba nhiều lần nhưng không nhìn xuống đất mà chỉ ngước nhìn vào phía làng. Lúc đó thực tình ba sợ vô cùng, chưa biết cách đối phó sao đây. 
Thời gian nặng nề trôi qua. Chừng 5 phút sau, tên lính gác bước qua hàng rào, cách chỗ ba nằm chừng 6-7 m rồi cúi nhìn vào. Thấy ba, nó hỏi: “Ai kia?” và bắn luôn. Một tràng đạn AR15 nổ, ba chẳng biết trời đất là đâu nữa. Ba vùng dậy chạy ngược vào làng. Mặc cho mấy lần chạy vấp bờ đất lộn nhào, gai trinh nữ cào đầy mặt, ba vẫn tiếp tục chạy. Nhưng không được nữa rồi. Trước mặt ba đã có 6 tên lính lúc nãy và ngay dưới chân ba là con đường xe tăng đất đỏ trống huơ trống hoác. Nếu tiếp tục chạy là 2 thằng trực thăng quạt trên đầu phát hiện ngay. Vậy là ba chạy lộn ra, nhưng đến nửa chừng thì ba bò sát mặt đất, rẽ về phía tay phải và đành nằm dí một chỗ gần gốc le còi, cách chỗ lúc nãy ba và bác Hà núp chừng 30 m.
Ba nằm im trên mặt đất, không cựa quậy, nhưng trong đầu luôn nghĩ cách đối phó. Nếu chúng xông vào bắt sống thì ba sẽ chạy và mong sao chúng bắn cho chết ngay, đừng để bị bắt sống và cũng đừng bị thương. Ba cũng đã tìm hướng chạy, hướng nào cho khỏi vướng gai nếu chúng ập đến. Có điều, binh hùng tướng mạnh là thế nhưng chúng vẫn không dám xông vào. Chúng chỉ dàn hàng ngang chĩa súng AR15 bắn loạn xạ, đạn rớt quanh mình ba chẳng biết cơ man nào mà kể, nhưng không trúng viên nào. Cùng với tiếng đạn kêu chíu chíu, tiếng nổ chát chúa liên hồi là tiếng hò reo của lũ lính. Bọn nó thi nhau gào:
- Ra đi, ra đi!
- Đầu hàng đi, đầu hàng đi!
Cứ thế chúng gào và bắn suốt cả tiếng đồng hồ.
Chắc bọn chúng căm lắm, làm sổng mất 2 ông Việt cộng, mà Việt cộng lại có súng. Riêng những thằng giặc lái máy bay quạt trên đầu ba thì hoạt động càng dữ tợn hơn, chúng bừa qua, bừa lại không biết bao nhiêu lần. Ba cứ nằm im, chịu trận, nhưng rất bình tĩnh.
Tìm mãi không ra tông tích Việt cộng, địch gọi 3 chiếc phản lực F105 đến dọa. Ba biết chắc chúng không dám ném bom vì gần làng hợp pháp và quân lính chúng cũng đang quanh quẩn ở đó. Chừng 12 giờ trưa, chúng gọi 2 thằng cá lẹp (một loại trực thăng) tới phóng rốc két. 2 thằng cá lẹp này hùng hổ phóng 8 quả đạn chát chúa vào khu vực ba nằm. Tên lửa nẹt hơi nóng kinh người và hết 8 quả rốc két ấy chúng còn thi nhau nhả đạn đại liên từ trên máy bay xuống. Đến lúc này, ba vẫn còn nguyên vẹn nhưng người đói, khát và mệt rã rời. 
Khi đã vào hết trong làng (chừng 2 giờ chiều), chúng bắt đầu châm lửa đốt trụi khu rừng ba đang ẩn nấp. Lửa cháy kinh khủng, ngọn lửa kêu ào ào, phần phật. Nhìn ngọn lửa hung hãn, ba lạnh người nhưng cũng rất bình tĩnh tìm cách đối phó. Thế rồi lửa liếm dần đến chỗ ba nằm, phả ra hơi nóng kinh người. Ba bò vòng quanh theo hướng lửa cháy và cứ thế mà thoát, an toàn. Kẻ thù lại thua ba một keo nữa. Lúc này, cổ họng khô rát và cơn khát lại kéo đến dày vò ba. Biết làm sao? Đái ra uống vậy. Ba thử làm và có kết quả. Cơn khát dịu dần và ánh thái dương nóng rát kia cũng từ từ ngả về Tây.
Khi nửa vầng trăng khuyết đầu tháng đủ sáng, thấy mờ mờ đường đi, ba lần mò ra chỗ ban sáng xem thực hư ra sao. Bụi le ba và bác Hà nằm giờ đây xơ xác vì rốc két kẻ thù. Sau đó, ba lần xuống bến nước của làng Băng Út tìm nước uống. Uống xong một hơi, thấy sức sống đã quay trở lại...
Ba bò về chỗ khi chiều, nằm ngửa nhìn trời sao vằng vặc, đầu nghĩ mông lung.
Trước hết, ba nghĩ về Bác Hồ. Năm ấy, Bác Hồ đã từ trần nhưng tình Bác vẫn mãi mãi sáng đời ba cũng như muôn triệu trái tim trên đất nước này. Ba nghĩ nhiều về Đảng quang vinh mà lúc ấy ba đang là đảng viên dự bị (ba được kết nạp vào Đảng ngày 16-4-1969). 
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
“Mặc dù thần chết và kẻ thù vẫn đang bao vây, song ba không hề hổ thẹn đối với Đảng. Ba có thể báo cáo với Đảng rằng đến giờ phút này người đảng viên dự bị Hồng Nam đã chiến thắng kẻ thù. Ánh sáng của những tấm gương Cộng sản tiền bối đã giúp sức cho ba, con à!”
Ba lại nghĩ đến cuộc đời vàng son của nội con, đến hình ảnh thân thương của cô Năm, cô Sương, chú Trung, cô Bình của con. Và ba cũng tha thiết nghĩ đến 4 năm học tại Học viện Nông lâm Hà Nội, với bao nhiêu bạn bè thân yêu cùng khóa 5 Lâm học. Trong số họ cũng có bao nhiêu chiến sĩ xông pha chiến trường. Ngày hòa bình, nếu còn sống nhất định ba sẽ gặp lại các bác, các cô, các chú của thuở khóa 5 Lâm học năm nào.
Và ba cũng đã chạnh nghĩ đến hình ảnh của người con gái Nghĩa Điền-Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội năm nao. Đây là mối tình đầu trong sáng của đời ba (Khi đó ba chưa gặp mẹ con hiện giờ nên chắc mẹ con đọc thư này cũng sẽ vui lòng).
Ba nhớ, ba nghĩ liên tục mãi đến sáng mà không hề ngủ mặc dù màn trời quá rộng và chiếu đất cũng mênh mông!
Vừa tờ mờ sáng, ba định bước ra thì thấy trước mặt, bên kia rẫy trống, trong khu rừng lá rậm có những cột khói xám đục hiện ra. Ba liền nghĩ chắc bọn lính địch đón lõng Việt cộng đây. Suy nghĩ này về sau hỏi ra hoàn toàn chính xác. Trên tầng không ít lâu sau xuất hiện 2 máy bay quạt sát trên đầu ba. Riêng tiếng kêu “roong roong” của loại máy bay “ác ôn” này nghe kinh khủng lắm. Ba lại nghĩ, thôi được, mày đến tìm thì cho mày tìm. Quần đảo một đỗi mà không thấy gì, chúng rút. Nhưng lính địch trong làng Băng Út thì vẫn đóng kín và bắn đì đùng suốt đêm đến giờ.
Đến quá nửa buổi, khi nắng đã rát da người, có 1 đoàn em bé trạc 9-10 tuổi, nói cười ríu rít tiến về phía ba nằm. Ba cảnh giác xem kỹ không có địch đuổi theo sau nên ra gọi các em lại. Chúng nó sợ, có đứa bỏ chạy. Nhưng những em lớn trấn tĩnh được và biết chắc là ayõng Nam hmâo Radio (anh Nam có đài) thì chạy đến gặp ba hỏi tíu tít. Ngày ấy, ba chưa thạo tiếng Jrai nên cũng khó mà ngã lẽ. Song, các em rất thông minh, chúng hiểu cả sự tình và chúng dặn ba nằm chờ, các em vào tin cho người lớn ra. Các em đi rồi, ba lại bò đến nơi khác ẩn mình. Lúc này, địch đã rút khỏi làng.
Chừng 30 phút sau, đoàn người kéo đến. Một phụ nữ mang gùi, trước ngực địu con nhỏ, dẫn đầu đám trẻ lúc nãy ra tìm ba. Ba tiếp tục cảnh giác chưa ra mặt ngay. Họ đến chỗ lúc nãy tìm không thấy ba. Ba xem xét kỹ, không có gì khả nghi nên làm hiệu. Thế là ba và những người ấy gặp nhau. Người phụ nữ kia đặt gùi xuống, bưng ra một gói cơm to đựng trong lá, xong cô ấy khóc và nói với ba :
- Đồng bào cứ tưởng cán bộ Nam, cán bộ Hà chết rồi, thương lắm.
Nghe cô ấy nói thế và khóc làm ba cảm động, nghẹn ứ cổ.
Rồi cô ấy tiếp :
- Anh ăn tạm, chỉ có cơm chứ không có thức ăn.
Liền ngay đó, một em bé gái chìa ra cho ba một gói ni lông nhỏ gác giàn bếp, bên ngoài bồ hóng đen thui, ba mở ra thì thấy có chừng 8-9 hạt muối nhỏ trông như đường phèn. Đó là muối bà con để dành tiếp tế cho cán bộ khi bị địch càn.
Ba ngồi cắn muối, ăn cơm mà họng cứ nghẹn lại. Cảm động, thương yêu tràn trề…
Đoàn người đi rồi, ba lại yên tĩnh vào bụi nằm chờ du kích đến dẫn đường. Ba chợt thấy đời người Cộng sản lắm gian nan và cũng vô cùng thú vị.
Đến chừng 3 giờ chiều (ngày 6-3-1970), có 3 anh du kích người Jrai đến dẫn ba về chỗ an toàn. Thấy ba, họ mừng mừng tủi tủi. 3 anh du kích đưa ba đến khu rẫy trống, nơi địch đổ quân hôm qua. Trận địa này đất cày xới nhiều vũng to bằng cái nia, do đạn pháo, rốc két của địch bắn và có một vũng máu khô đã đông đặc, ba lấy cái que chọc vào thì xuất hiện những cục máu nâu đậm còn ướt. Mọi người cùng đoán là máu người.
Các anh du kích bảo: “Có 1 người chết, mà anh còn sống thì anh Hà chết”. Nghe vậy, ba thương xót vô cùng. Nhưng sự thật thì không phải như vậy. Bác Hà cũng đã chiến thắng kẻ thù và trở về nguyên vẹn.
Sự là, sau khi tên lính phát hiện ra ba và bắn trượt thì nó xông tới bắt bác Hà. Nhưng chắc chắn là nó sợ, sợ ông Việt cộng vừa chạy biết đâu có mang theo súng thì nó bỏ đời. Nghĩ thế nên nó vừa nói vừa run: “Việt cộng bay, mau đứa nào vào đây bắt!”. Bọn lính đứng ngoài rẫy trống chẳng đứa nào dám vào, chúng đùn đẩy cho nhau. Lát sau, có một tên vào giật cặp tài liệu và tước súng của bác Hà. Tên này quay ra tìm dây trói, còn tên kia đứng ghìm súng giữ bác Hà thì nhớn nhác nhìn vào phía làng, hướng có ông Việt cộng vừa chạy thoát. Bọn còn lại đứng ngoài rẫy trống la hét, bắn loạn xạ. Thừa cơ tên lính cầm cặp tài liệu quay lưng, tên lính gác thì dớn dác nhìn quanh, bác Hà lấy hết sức bình sinh tống vào mặt tên lính gác một quả đấm trời giáng, rồi chạy thoát.
Ba đoán rằng chính vì để sổng mất 2 Việt cộng nên bọn chỉ huy đã xử lý tên lính gác bác Hà tại trận địa, thành ra mới có một đống máu vừa phát hiện lúc nãy. Hỏi kỹ ra thì ba, bác Hà, ông Leh và du kích, người làng không ai bị gì. Vậy chỉ có chúng nó tự giết nhau mà thôi.
Tối 6-3-1970, ba và bác Hà cùng các đồng chí cán bộ xã, huyện, tỉnh gặp nhau tay bắt, mặt mừng, kể lại bao chuyện vui, buồn, dũng cảm và ác liệt của 2 ngày đêm qua và ai cũng tự rút ra những bài học thấm thía cho mình.
Con thân yêu, qua đây chắc con của ba sẽ hiểu thế nào là bộ mặt thật của kẻ thù và tấm lòng kiên trinh của những người Cộng sản. Đảng và nhân dân đã dạy ba chiến đấu và ba đã chiến thắng.
Ngày 5-3-1976
Ba của con
Hồng Nam
 Nguyễn Hồng Nam
Nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
-------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.