Thổn thức bản nghèo-Kỳ cuối: Mưu sinh trong lòng hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giữa mênh mông lòng hồ, những căn nhà lụp xụp, những con thuyền lênh đênh trên sóng nước là nơi họ cư ngụ qua ngày. Kim Đa, Tạ Xiêng, Xiềng Lằm, Chà Coong, Xốp Pột… những cái tên chỉ còn trong hoài niệm.
Lênh đênh
Mưa rơi lộp bộp trên mái lều, ngồi ở chiếc ghế mây, chị Vi Thị Thanh (53 tuổi) nhìn ra lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương (Nghệ An). Mưa ở chốn “sơn cùng thủy tận” bao giờ cũng vậy, hoang hoải, u buồn. Nước da đen nhẹm lẫn nếp nhăn trước tuổi vì dạn dày sương gió khiến người phụ nữ này thêm phần khắc khổ.
Giật mình tỉnh bởi tiếng gọi mua hàng, chị Thanh hối hả vào bếp pha bát mì tôm cho khách vãng lai lót dạ. Nói là khách nhưng những người ngồi ở trong quán nhỏ hầu hết là đồng hương của bà chủ. Họ vốn cùng bản Kim Đa, sau khi thủy điện Bản Vẽ chặn dòng chia tách bản tái định cư hoặc di vén lên vùng núi cao hơn. Cái tên Kim Đa thân thuộc ngày nào, giờ cũng chỉ còn lại trong hoài niệm của người Khơ Mú khi họ nhớ về cố hương.
Gia đình chị Thanh cũng là một phần nhỏ trong dòng người lũ lượt rời nơi “chôn rau cắt rốn”. Chị Thanh kể, sau khi nhận đất tái định cư ở xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương), vợ chồng chị cùng con dắt díu nhau tới nơi ở mới. Ngôi nhà sàn mang hơi ấm của ba thế hệ gia đình được hỗ trợ vận chuyển xuống che nắng, che mưa.
Chừng được 1 năm, vì cuộc sống khó khăn, chị quyết định đơn thân quay trở lại lòng hồ thủy điện để kiếm kế sinh nhai. Dựng một túp lều nhỏ bên vực núi, chị Thanh bán hàng tạp hóa và đồ ăn cho người qua đường, thân cò leo lắt giữa núi rừng hoang vu.
Những năm 2010, 2011, xóm nhỏ ở bến thượng lưu được hình thành bởi các hộ dân từ khu tái định cư về mưu sinh. Kể từ đó, cuộc sống của chục hộ dân nơi đây gắn liền với sông nước, thuyền nhỏ và túp lều tranh nứa làm nơi trú ngụ, ngày ngày ngồi đếm con nước đổ về hồ chứa mênh mông.
“Tái định cư thời điểm đó không có đất sản xuất, người dân cứ quanh quẩn trong nhà rồi ra ngoài đường chứ không biết làm gì. Con cái đói quá, khóc thét suốt ngày. Còn bến thượng lưu của lòng hồ thủy điện lại nhộn nhịp, tôi lên đây buôn bán và có lãi, ngoài tiền lấy hàng hóa thì cũng có của để dành gửi về cho chồng con trang trải cuộc sống.
Dù cô độc, lúc mưa bão chẳng biết dựa vào ai nhưng ít ra, các con không đói. May thay mấy đứa con đã lớn, biết lên rẫy trồng ngô, xuống suối bắt cá chứ mẹ không thể bám trụ trong lòng hồ mãi được”.

Những hộ dân ở bến thượng lưu lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
Những hộ dân ở bến thượng lưu lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
Quán nhỏ lắc lư theo nhịp sóng tròng trành, chị Thanh cúi gập xuống nhặt nhạnh bó rau dại. Chúng tôi hiểu, chị muốn che giấu sự mệt mỏi của ngày tháng bươn chải lênh đênh như con nước lòng hồ. Những người có mặt trong quán cũng chẳng ai lên tiếng, chỉ có tiếng mưa, tiếng sóng nước rầm rì, ánh mắt của họ hướng xa xăm, tiếng sóng lòng cuộn trào trong cơn mưa rừng hiu quạnh… Thấy khoang thuyền đã chứa nhiều nước mưa, cậu bé Moong Văn Sửu (13 tuổi, bản Cà Moong) chạy ra dùng gàu múc.
“Gia đình em làm nghề đánh cá trong lòng hồ, ngày nhiều được 4kg, ngày không có con nào. Hôm qua thả lưới cả đêm cũng chỉ được 2 con cá rô phi to bằng bàn tay, bố nói em đem bán lấy tiền mua gạo. Bố thường than thở, cá không bắt được, thế này thì chết đói. Rồi tính chuyện cho em đi làm thuê dưới thành phố”, Sửu chia sẻ.
Có thuyền và đi bán cá, Moong Văn Sửu chở những người trong bản Cà Moong và Xốp Cháo ra bến thượng lưu mua sắm. Cũng chẳng mua gì nhiều, ngoài mấy kg gạo, thùng mì tôm và chai nước mắm…

Ông Nguyễn Phúc Sơn vớt cá lồng chết trên lòng hồ thủy điện Khe Bố
Ông Nguyễn Phúc Sơn vớt cá lồng chết trên lòng hồ thủy điện Khe Bố
Chiếc thuyền độc mộc gắn máy nổ của gia đình em Moong Văn Sửu rẽ sóng đi xa. Ở chỗ neo đậu bên cạnh, ông Lương Văn Phòng tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa trong khoang thuyền. Mưu sinh bằng nghề lái thuyền ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ được 13 năm, ông Phòng quá quen với nơi này.
“Trước đây khách đông, ngày chạy 4 chuyến ngược xuôi lòng hồ nhưng giờ ít lắm, chỉ chạy 2 chuyến nữa thôi. Chật vật, không biết bám trụ được với nghề đến khi nào. Mỗi ngày tôi bỏ ra 500 ngàn đồng mua xăng nhưng sáng nay chỉ có 2 khách xuống bến, chiều mà không có khách về thì bù lỗ sao nổi”. Nói đoạn, người đàn ông này lại nằm xuống khoang thuyền được che lợp mái tôn và chẳng muốn nói về ngày mai.
Dân khổ vì… thủy điện
Xuôi về hạ du, chúng tôi dừng chân ở địa phận xã Tam Thái (huyện Tương Dương). Đây là một trong những địa phương có số hộ dân nuôi cá lồng nhiều trên dòng Lam Giang. Khi thủy điện Khe Bố chặn dòng, những bãi bồi ven sông đã bị nhấn chìm, không còn ngô, khoai xanh mướt mà thay vào đó là bến nước mênh mang.

Thủy điện Bản Vẽ - Đại công trình của thập niên 2000 đồ sộ giữa núi rừng điệp trùng hùng vĩ. Để xây dựng nhà máy lớn nhất Bắc Trung Bộ này, 3.022 hộ dân của 34 bản, 7 xã thuộc hai huyện Tương Dương, Kỳ Sơn phải di dời.

Để thoát khỏi đói nghèo, người dân linh hoạt vận dụng vào lợi thế nước lòng hồ để nuôi thủy sản. Thấy những con cá lớn dần và tạo nguồn thu tốt, người dân bắt đầu chăm chút phát triển. Niềm vui chẳng tày gang khi họ luôn nơm nớp lo sợ thủy điện xả nước bất ngờ làm mực nước thay đổi hoặc không đủ sâu khiến cá nuôi lồng bị ngột chết.
Nhớ lại giữa tháng 5/2022, ông Nguyễn Phúc Sơn vẫn chưa hết bức xúc khi cá nuôi lồng của gia đình và 6 hộ dân khác trong bản Lũng bị chết hàng loạt do thủy điện xả nước.
“Khoảng 16 giờ, ra kiểm tra lồng cá, tôi phát hiện mực nước lòng hồ thủy điện Khe Bố xuống thấp với tốc độ rất nhanh. Chẳng mấy chốc, lòng hồ trơ đáy, cá bị ngột, chết trắng bụng. Tôi hoảng hốt, gọi hơn 20 người trong bản tới giúp sức, chuyển lồng cá ra vị trí nước sâu nhưng không kịp. Mọi người tá hỏa vớt số cá còn sống vào bồn nước rồi tiếp tục kéo lồng.
Quần quật cứu cá đến suốt đêm mới xong nhưng cũng chỉ cứu được nửa số lượng cá. Tại sao thủy điện lại không thông báo cho người dân một tiếng rồi mới xả chứ? Họ xả đột ngột, xả cho trơ đáy. Họ vô cảm quá", ông Nguyễn Phúc Sơn nói.
Trước đó, mùa mưa năm 2018, thuỷ điện dọc sông Lam bất thình lình xả lũ khiến dân không kịp trở tay. Lũ đổ về đột ngột khiến mố Nam cầu treo Chôm Lôm bị sóng nước đánh tan hoang, hai bờ chia cắt, hàng ngàn người dân bên kia sông bị cô lập, hàng trăm em học sinh Trường THCS Lạng Khê (Con Cuông) không thể tới trường…
Theo Cảnh Huệ (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.