Động thái mới đáng lưu ý là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn dẫn đầu trong số các lĩnh vực được nhận vốn trong nửa đầu năm qua, nay tiếp tục bật tăng mạnh, chiếm gần 10,69 tỷ USD (bằng 70,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng tới 26,3% so với cùng kỳ năm trước) với sự góp mặt của nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử…
Những cơ hội hợp tác đầu tư lớn trong lĩnh vực bán dẫn đang được mở rất rộng, hứa hẹn sự phát triển bền vững trong tương lai (ảnh minh họa) |
Đặc biệt, dự án “tỷ đô” đầu tiên của năm 2024 chính là dự án tăng vốn của một doanh nghiệp tên tuổi trong ngành bán dẫn - Amkor. Đây là một trong các nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn thuê ngoài lớn nhất thế giới. Amkor có 2 đồng sáng lập là người Hàn Quốc, đặt trụ sở ở Mỹ. Tuy vậy, Amkor đầu tư vào Việt Nam qua pháp nhân ở Singapore (tương tự như nhiều tập đoàn lớn khác, bao gồm cả Samsung).
Dự án của Amkor tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư tăng thêm của cả nước trong tháng 6-2024 đạt gần 1,9 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư tăng thêm trong 6 tháng. Cũng cần nói thêm là theo kế hoạch ban đầu, phải đến năm 2035 Amkor mới đầu tư đủ 1,6 tỷ USD, nhưng sau khi khánh thành nhà máy tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh) vào tháng 10-2023, nhà đầu tư đã quyết định dốc vốn trước 11 năm so với dự kiến.
Không phải đến bây giờ Việt Nam mới lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư công nghệ. Thực tế, ngay từ những năm 2000, Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận sự có mặt lần lượt của một số “ông lớn công nghệ” như Intel, Samsung… Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch đầu tiên cũng được thành lập tại Đại học Quốc gia TPHCM vào năm 2005. Năm 2023, hàng loạt “sự kiện công nghệ” đã diễn ra tại Việt Nam, nổi bật là chuyến thăm của Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA Jensen Huang. Gần đây nhất, ngày 26-6, trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đến Mỹ, ông Richard Lawton Thurston, nguyên Phó Chủ tịch TSMC, công ty sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan, tiếp tục khẳng định với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rằng, Việt Nam có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Bán dẫn có thể xem như một “thỏi nam châm” rất mạnh đã và đang “hút” vốn từ các doanh nghiệp công nghệ về Việt Nam.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn
Việt Nam đẩy nhanh tiến độ đào tạo 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn
Ông Richard Lawton Thurston nêu rõ: “Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là sự tích hợp của hàng loạt công nghệ khác nhau, như cảm biến, bộ nhớ, thu thập và xử lý dữ liệu... Việt Nam có thể chọn một trong các công đoạn để tập trung phát triển và xây dựng chiến lược cho riêng mình”. Hồi đáp đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chuyên gia bán dẫn hàng đầu này đã khẳng định sẽ làm cố vấn cho Việt Nam trong xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngay sau đó, bên lề chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp tục làm việc với Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc (VINK). Nhiều hoạt động cũng đã được VINK xúc tiến thời gian qua như thành lập Trung tâm AI Việt Nam - Hàn Quốc, tổ chức các hội thảo về AI và Internet, tư vấn pháp lý cho một số doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc, thúc đẩy triển khai chương trình Vườn ươm tài năng trong lĩnh vực AI với sự đồng hành và hỗ trợ kết nối từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam…
Không hẹn mà có một sự tương đồng trong những đề xuất về việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam của VINK với chuyên gia người Mỹ: lựa chọn những khâu phù hợp nhất để phát triển. Và đó có thể là những phân đoạn như đóng gói bán dẫn, thiết kế chip và sản xuất chip truyền thống…
Còn rất nhiều việc phải làm để hệ sinh thái bán dẫn “bén rễ xanh cây” và cho những vụ mùa bội thu ở Việt Nam, nhưng rõ ràng những cơ hội hợp tác đầu tư lớn trong lĩnh vực này đang được mở rất rộng, hứa hẹn sự phát triển bền vững trong tương lai.