(GLO)- Làm thế nào để sống chung với “những quả bom nước” trên đầu là bài toán buộc phải có lời giải cho bất cứ dự án nào tác động vào môi trường tự nhiên của dòng chảy, tích nước. Thiên tai chúng ta có thể đo lường được, còn “nhân tai” phải kiên quyết loại ra khỏi hoạt động liên quan đến sinh mệnh con người. Phải khắc phục những mặt tiêu cực từ các công trình thủy điện, thủy lợi, sử dụng nước phục vụ tối ưu nhất cho đời sống, xã hội.
Những ngày qua, báo chí khắp nước và người dân Gia Lai rất quan tâm đến vụ vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy (tỉnh Attapeu, Lào). Attapeu là tỉnh tiếp giáp với Kon Tum, cách Gia Lai chỉ tầm 200 km đường chim bay, là nơi có khá đông người Gia Lai làm ăn, sinh sống. Đây cũng là địa phương mà doanh nghiệp Gia Lai sang đầu tư, kinh doanh rất lớn với số vốn lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Nhiều nạn nhân phải leo lên mái nhà để tránh nước lũ do vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy. (nguồn internet) |
Gia Lai cũng là tỉnh có nhiều công trình thủy điện và cũng đã xảy ra một số lần vỡ đập thủy điện khi đang thi công như ở Attapeu. Đặc biệt, Thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) liên tục trong 2 năm (2013 và 2014) đã 2 lần vỡ hồ chứa nước làm một số nhà cửa, cây cối, hoa màu của người dân phía hạ lưu bị thiệt hại nghiêm trọng, khiến công trình phải dừng thi công cho đến nay, gây tốn kém cho cả chủ đầu tư và người dân trong vùng.
Thủy điện là một nguồn năng lượng tương đối rẻ, cần thiết cho một số quốc gia nghèo đầu tư xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng thủy điện thường đắp hồ tích nước, ngăn dòng, chuyển dòng chảy đã gây hệ lụy đến môi trường sinh thái và dân sinh quanh vùng. Đấy là chưa kể nguy cơ “những quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu dân, rủi ro ngày càng gia tăng bởi sự xuống cấp theo thời gian của các công trình.
Gia Lai có 43 công trình thủy điện và hàng trăm hồ thủy lợi. Từ nhiều năm qua, các công trình thủy điện và hồ thủy lợi đã có tác động rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Hàng năm, đóng góp của các thủy điện ở Gia Lai cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia là không hề nhỏ. Thử hỏi nếu không có các công trình thủy điện, thủy lợi như đã xây dựng hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh ta sẽ ra sao.
Sự cố vỡ đê quai của công trình thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai) ngày 1-8-2014 gây thiệt hại cho cả người dân lẫn chủ đầu tư. |
Xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi là cần thiết cho những địa phương nghèo, tuy nhiên để xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện là khó chấp nhận. Vỡ đập thủy điện, nguyên nhân trực tiếp là thiên tai, mưa lũ, song gián tiếp lại do con người, bao gồm việc khảo sát thiết kế không đúng kỹ thuật, không sâu sát với tình hình địa tầng địa chất, những biến động thất thường của thủy văn, không thi công đúng chất lượng, kỹ thuật… Người xưa nói “nhất thủy nhì hỏa”, một khi thiên tai kết hợp với “nhân tai” hủy hoại đời sống của người dân thì không có cách gì chống đỡ, trở tay kịp, hậu quả khôn lường.
Ngày nay, nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã bỏ dần nguồn năng lượng có độ rủi ro cao, đặc biệt là thủy điện và điện nguyên tử, tập trung khai thác năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Muốn làm được điều đó cần có trình độ khoa học kỹ thuật cao, nguồn vốn lớn, trong khi các nước nghèo, nước chậm phát triển thì cả 2 yếu tố cần thiết đó đều thiếu.
Làm thế nào để sống chung với “những quả bom nước” trên đầu là bài toán buộc phải có lời giải cho bất cứ dự án nào tác động vào môi trường tự nhiên của dòng chảy, tích nước. Thiên tai chúng ta có thể đo lường được, còn “nhân tai” phải kiên quyết loại ra khỏi hoạt động liên quan đến sinh mệnh con người. Phải khắc phục những mặt tiêu cực từ các công trình thủy điện, thủy lợi, sử dụng nước phục vụ tối ưu nhất cho đời sống, xã hội.
Thực tế nếu làm tốt, các công trình thủy điện lớn sẽ phát huy chức năng điều tiết nước trong mùa khô, ngăn lũ, điều tiết lũ vào mùa mưa. Chủ động trong dự báo thời tiết và có trách nhiệm với nhiệm vụ thì các công trình thủy điện sẽ phát huy hiệu quả khả năng điều tiết lũ. Trước khi mưa lũ đến, người ta đã xả bớt lượng nước đáng kể trong lòng hồ thủy điện, thủy lợi; khi lượng nước ồ ạt trút xuống, lòng hồ sẽ chứa một phần, phần còn lại tiếp tục chủ động cho đổ về xuôi. Mưa lũ lớn thường xảy ra trong thời gian ngắn, song điều tiết lũ thì có thể kéo giãn thời gian ra, đảm bảo cho lượng nước hạ du thấp hơn lưu lượng lũ gây ra.
Lũ lụt còn lệ thuộc lớn vào diện tích và chất lượng rừng đầu nguồn. Hiện nay, diện tích, trữ lượng, chất lượng rừng suy giảm nghiêm trọng. Ngày trước rừng nhiều, mưa xuống, rừng thẩm thấu nước dần dần, nhưng khi mất rừng, mưa là nước trôi tuột đi. Lâu nay, chúng ta có nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, song hiệu quả giữ rừng thì không như mong muốn, rừng vẫn suy giảm chưa có điểm dừng do nhu cầu lâm sản, nhu cầu đất đai và sự phát triển sinh kế con người. Một khi rừng suy giảm là có thêm “nhân tai”, nguy cơ lũ lụt, lở núi, đe dọa nghiêm trọng đến các công trình thủy điện, thủy lợi, đe dọa đời sống người dân hạ du.
Nhật Cường