(GLO)- Gia Lai là một trong 9 địa phương trên cả nước triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) theo Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, TP. Pleiku là đơn vị triển khai cấp huyện và phường Hội Thương (TP. Pleiku) là đơn vị cấp xã được chọn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP của tỉnh. Ngoài xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từ ngày 8-8 đến 30-8, các địa phương cử cán bộ, công chức tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP do Sở Y tế phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra (Hà Nội) tổ chức. Qua đó, đã có 70 người được cấp chứng chỉ đảm bảo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại địa phương.
Trao chứng chỉ cho học viên hoàn thành lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra ATTP. Ảnh: N.Y |
Đại diện đơn vị cấp phường được chọn triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường Hội Thương-cho biết: “Phường đã cử 5 cán bộ, công chức, trong đó có Chủ tịch UBND phường tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao kiến thức, các điều kiện cần thiết để triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP trên địa bàn trong tháng 9-2019. Qua lớp bồi dưỡng, chúng tôi đã nắm vững các nội dung trọng tâm để tiến hành triển khai thí điểm thanh tra thuận lợi. Hiện nay, trên địa bàn phường có khoảng 500 hộ kinh doanh. Trước mắt, chúng tôi tập trung thí điểm thanh tra đối với những hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý và tăng cường tuyên truyền đến chủ cơ sở cũng như người dân để có sự đồng thuận, phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP là nhiệm vụ khá mới mẻ, chắc chắn quá trình triển khai bước đầu sẽ gặp một số khó khăn nhất định nên rất cần sự hỗ trợ của thành phố cũng như các ngành liên quan”.
Sau thí điểm thanh tra 2 cấp, Gia Lai sẽ triển khai diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Hồ Huỳnh Thiện Trung-Phó Trưởng phòng Y tế thị xã Ayun Pa-chia sẻ: “Xác định thanh tra chuyên ngành ATTP là nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian đến nên địa phương đã cử cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng các lớp nghiệp vụ. Qua đó, chúng tôi đã được tiếp thu, cập nhật nhiều kiến thức và kinh nghiệm về thanh tra ATTP. Từ trước đến nay, do không nắm rõ nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ lại kiêm nhiệm nên việc triển khai nhiệm vụ còn gặp khó khăn, hình thức xử lý chủ yếu là nhắc nhở, ít xử phạt vi phạm hành chính. Chúng tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm từ đơn vị triển khai thí điểm là phường Hội Thương, đồng thời căn cứ kế hoạch của tỉnh để tham mưu UBND cùng cấp triển khai thanh tra đạt hiệu quả khi có yêu cầu”.
Để giúp Gia Lai triển khai tốt việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, Trường Cán bộ Thanh tra (Hà Nội) đã cử cán bộ về tại địa phương, phối hợp với Sở Y tế mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP. Ông Vũ Văn Chiến-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Cùng với việc tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật để tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo ATTP thì việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm là nhu cầu thiết yếu. Công tác này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, đảm bảo quy định của pháp luật, theo trình tự và trên nguyên tắc đảm bảo các quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, trang bị kiến thức về quy định của ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương trong sản xuất là hết sức quan trọng. Chúng tôi được Tổng Thanh tra Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và PTNT tổ chức các lớp bồi dưỡng ở các tỉnh, thành, trong đó có tỉnh Gia Lai là vì lý do trên”.
NHƯ Ý