"Thầy cô chúng ta đã thay đổi"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thầy cô nên hạn chế đọc chép, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, không nên quá khắt khe khiến lớp học lúc nào cũng căng thẳng, mặc đẹp hơn khi đến lớp… là những điều mà lần đầu tiên học sinh Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) được phép nói ra với mục đích rất tốt đẹp: Thầy cô sẽ vì các em mà thay đổi.

“Thầy cô chúng ta đã thay đổi” là phong trào thi đua lần đầu tiên được Ban Giám hiệu và Công đoàn Trường THPT Trần Cao Vân phát động. Tháng 12-2017, thông qua “Phiếu khảo sát ý kiến học sinh”, 15/15 giáo viên chủ nhiệm đã được biết những nhận xét và mong muốn từ chính học sinh của mình.

 

Các cô giáo mặc đẹp tham gia khiêu vũ thể thao trong buổi tập thể dục giữa giờ. Ảnh: N.G
Các cô giáo mặc đẹp tham gia khiêu vũ thể thao trong buổi tập thể dục giữa giờ. Ảnh: N.G

Những con số… gây sốc

“16,8% trong tổng số 45 học sinh lớp tôi chủ nhiệm chọn phương án C (chưa tốt), cũng có nghĩa là: mỗi khi đến tiết dạy của tôi thì các em chán, không muốn học; cách tổ chức giờ dạy của tôi đơn điệu, thiếu sáng tạo; cách giải bài tập của tôi không hay, khó hiểu; trong quá trình chủ nhiệm, tôi thiếu sự quan tâm... Còn 49,3% chọn phương án B, có nghĩa là từ phương pháp dạy đến thái độ hành vi, ứng xử với học sinh của tôi được các em đánh giá là bình thường. Khi nhận kết quả thông qua phiếu khảo sát ý kiến học sinh, tôi đã bị sốc nặng”-thầy Từ Ngọc Diệp (giáo viên bộ môn Vật lý, chủ nhiệm lớp 12A1) bày tỏ. Sau 13 năm đứng trên bục giảng, đây là lần đầu tiên thầy Diệp nhận được những nhận xét rất thật của học sinh. Dù rất buồn và sốc nhưng được sự động viên kịp thời của Công đoàn và Ban Giám hiệu nhà trường nên những căng thẳng của thầy Diệp được nhanh chóng giải tỏa.

Là một giáo viên trẻ dạy Ngữ văn, cô Lâm Thị Mỹ Viện (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2) rất tự tin mỗi khi đứng trên bục giảng bởi cô là một trong những giáo viên được Hội đồng sư phạm đánh giá cao về chuyên môn. Tuy nhiên, qua phiếu khảo sát ý kiến học sinh, chỉ có 41,7% học sinh chọn phương án A (tốt), còn 50% học sinh cho rằng cô chỉ đạt mức bình thường và 8,3% học sinh nói cô dạy đơn điệu, ít ứng dụng công nghệ thông tin, trang phục khi lên lớp của cô chưa phù hợp, thiếu thẩm mỹ... “Thực sự khi đó tôi đã bị sốc nặng, nhưng bản thân là một người cầu tiến nên tôi đã đón nhận toàn bộ ý kiến đóng góp của học sinh để thay đổi bản thân”-cô Viện bày tỏ.

Thay đổi bản thân vì học sinh

Chọn một chiếc váy công sở đẹp, trang điểm một chút cho mình thêm tươi tắn để xuất hiện trước học sinh trong 15 phút sinh hoạt chủ nhiệm đầu ngày khi bắt đầu hành trình thay đổi, cô Lâm Thị Mỹ Viện đã khiến học sinh ồ lên thích thú. Em Lê Đức Duy Đạt (lớp 12A2), từng là một học sinh ngỗ ngược, nói: “Cô Viện và rất nhiều thầy cô khác thực sự đã thay đổi. Không chỉ mặc đẹp hơn, vui vẻ với học sinh hơn mà thầy cô còn tạo sự thú vị trong mỗi tiết dạy khiến chúng em hào hứng học tập hơn trước rất nhiều. Thầy cô cũng không còn mỉa mai những học sinh phạm lỗi mà thay vào đó là khích lệ chúng em cố gắng. Sự thay đổi của cô đã khiến em cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với lớp. Mấy tháng nay em không còn cúp tiết đi chơi game nữa”.

Còn thầy Từ Ngọc Diệp đã thường xuyên rời chiếc bàn giáo viên để gần gũi, hướng dẫn học trò trong từng tiết dạy. “Đó là điều chúng em rất cần vì trước đó, phương pháp dạy của thầy khá “cổ điển”. Thầy cũng đã có những cách giải bài tập nhanh, hay và dễ hiểu hơn trước rất nhiều. Thầy còn quan tâm đến chúng em nhiều hơn, chỉn chu hơn trong ăn mặc. Em cảm thấy rất vui khi nhà trường cho chúng em cơ hội được nói ra mong muốn của mình để từ đó thầy cô vì chúng em mà thay đổi”-em Trương Thị Thùy Vy (lớp 12A1) xúc động nói.

Sự thay đổi này không chỉ mang lại nhiều cảm xúc cho học trò mà chính thầy cô cũng đã có được những khoảnh khắc đẹp không cầm được nước mắt. Mắt cô Viện vẫn rơm rớm khi nhớ lại buổi tiệc sinh nhật lần thứ 30 đơn giản nhưng ấm áp mà tập thể lớp 12A2 đã dành cho mình. “Đó là lần đầu tiên tôi được học trò tổ chức sinh nhật. Hôm ấy, tôi bước vào lớp trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm thì gặp những quả bóng bay đủ màu sắc, 45 gương mặt học trò rạng rỡ đồng thanh nói lời chúc mừng sinh nhật cô, tôi đã vô cùng xúc động”-cô Viện nói.

Trao đổi thêm về những sự thay đổi mà nhà trường đã ghi nhận được qua phong trào thi đua “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, thầy Bùi Quang Vinh-Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Môi trường sư phạm đã thực sự thay đổi khi thầy cô thay đổi cả về hình thức và phương pháp giảng dạy, quan hệ giữa thầy và trò cởi mở hơn, sự gắn kết giúp đỡ nhau giữa các đồng nghiệp cũng tốt hơn. Đặc biệt, những học trò cá biệt đã có sự thay đổi tích cực khi các em có ý thức học tập hơn, có trách nhiệm với các phong trào thi đua của lớp”.

Thầy Bùi Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân: “Phong trào này được tôi khởi xướng sau khi theo dõi và chia sẻ với tất cả giáo viên trong trường toàn bộ 8 tập trong chương trình truyền hình thực tế “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” của VTV đặc biệt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ động viên các thầy cô tiếp tục thay đổi và mở rộng phong trào này đến các giáo viên bộ môn với thông điệp: Thay đổi chính mình là việc làm thực tế hơn nhiều so với thay đổi người khác”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Chư Păh nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2-Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn.

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

Cô gái gen Z khởi nghiệp với tinh dầu bơ địa phương

(GLO)- Cô gái Lê Ánh Thùy Trang (20 tuổi, thôn Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã từ bỏ giảng đường cao đẳng để về quê khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu bơ thuần thiên nhiên. Sản phẩm không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương.

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

Tặng 500 chiếc áo ấm cho học sinh huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 12-11, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam-Hội đồng Đội huyện Chư Pưh tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” cho học sinh huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai).

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Nữ 9X khởi nghiệp từ trái cây sấy khô

Từng theo học Trường đại học Tây Nguyên, ngành kế toán, công tác tại nhiều công ty, chị Phạm Thị Nga (32 tuổi, trú tại Ea M'Nang, H.Cư Mgar, Đắk Lắk) quyết tâm về quê khởi nghiệp mô hình trái cây sấy khô.

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Hành trình từ kình ngư Ánh Viên trở thành hot TikToker

Tại 'TikTok Awards Việt Nam 2024', kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên có tên trong danh sách đề cử hạng mục Nhà sáng tạo nội dung thể thao của năm. Cựu vận động viên có những chia sẻ thú vị về hành trình trở thành TikToker để lan tỏa niềm đam mê bơi lội đến mọi người.