Thấp thỏm bản quyền World Cup

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia trong lĩnh vực bản quyền truyền hình thể thao nói vui rằng, trừ khi đội tuyển Việt Nam giành vé dự World Cup để hưởng quyền ưu tiên, thì giá bán bản quyền mới ngừng “nhảy múa” và người hâm mộ Việt Nam mới thôi thấp thỏm ở mỗi kỳ World Cup.
 
 
Vấn đề là từ năm 1994 đến nay, chưa có kỳ World Cup nào không được mua và phát sóng trực tiếp tại Việt Nam. Nói đơn giản, thị trường Việt Nam đã là “khách quen”, và theo lý thuyết, càng về sau thì lẽ ra quá trình đàm phán lại phải dễ dàng và chắc chắn hơn mới đúng. Thực tế, tại World Cup 2018 cũng như năm nay, việc mua bản quyền khá trắc trở.
Lần trước phải trải qua đến 12 tháng đàm phán, giờ cuối VTV mới mua được sau khi có sự hậu thuẫn tài chính từ 2 tập đoàn lớn. Hiện tại, khi chỉ còn chưa đến 3 tháng nữa World Cup 2022 sẽ khai mạc, mới có thông tin là đã chốt được hợp đồng nhưng vẫn chưa thể công bố chính thức VTV hay Viettel là đơn vị mua bản quyền. Cũng phải nhắc thêm, giá bản quyền 2 kỳ World Cup này rất cao, trên 12 triệu USD.
Sự phức tạp nhất trong việc mua bản quyền World Cup không phải vì giá quá cao. Nói cho cùng, đơn vị phân phối bản quyền quốc tế không thể đưa ra một mức giá trên trời để khiến bị từ chối. Họ phải dựa vào các số liệu cụ thể từ thị trường Việt Nam để định giá. Tuy nhiên, vấn đề là không đơn vị nào ở Việt Nam có thể khai thác tối đa những quyền lợi đến từ mức giá cao ấy để bù chi phí bỏ ra.
Bản quyền World Cup không đơn giản chỉ là hình ảnh trên truyền hình, mà còn là quyền khai thác trên nhiều hạ tầng, trên thiết bị di động và internet (OTT), quyền phát thanh và cả quyền sử dụng hình ảnh tĩnh của báo điện tử. Không chỉ đáp ứng tài chính, mà đơn vị mua bản quyền còn phải có khả năng bảo vệ các sản phẩm ấy bao gồm cả điều khoản về độc quyền hay không độc quyền trong lãnh thổ của mình.
Nói cách khác, cái gọi là bản quyền World Cup là một gói dịch vụ đi kèm điều kiện. Mua mà sử dụng được hết thì sẽ thấy giá cả hợp lý, và ngược lại. Ví dụ như VTV không thể chỉ mua bản quyền phát sóng trên truyền hình khi mà đài này hiện đang phát triển hạ tầng OTT. Ngược lại, Viettel mua bản quyền để phát triển các dịch vụ độc quyền của mình, nhưng cũng phải lên kế hoạch kinh doanh trên các đài truyền hình, bán quảng cáo…
Như vậy, việc mà cứ đến World Cup hay phần nào đó là EURO thì người hâm mộ phải thấp thỏm về bản quyền không hẳn vì do đối tác nước ngoài ép giá. Có lẽ cũng cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo hơn về năng lực của các đơn vị truyền thông đa phương tiện ở Việt Nam. Những đơn vị lớn của nhà nước như VTV, VOH hay Thông tấn xã Việt Nam dù có kinh nghiệm, hạ tầng và định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn nhưng vẫn chưa thể cùng lúc tự triển khai bản quyền trên mọi hạ tầng công nghệ.
Việt Nam cũng chưa có một công ty tư nhân kinh doanh truyền thông, nhất là lĩnh vực sản xuất và phân phối bản quyền, đủ lớn để đấu thầu và phân phối lại cho thị trường trong nước. Chúng ta cũng chưa có một hệ thống kinh doanh bản quyền trả tiền nào chuyên nghiệp, không sở hữu được các “gói” bản quyền nào mang tính chất quốc tế để có thể đàm phán theo kiểu “bánh ít đi, bánh quy lại” với những đơn vị chuyện sở hữu bản quyền nước ngoài. Tóm lại, khi ngồi vào đàm phán, thường thì Việt Nam sẽ có rất ít “bài tẩy” trong tay và lẽ đương nhiên, mọi thứ lúc đó chỉ xoay quanh chuyện giá cả. 
Gần như chắc chắn giới hâm mộ Việt Nam sẽ được xem trọn vẹn World Cup 2022 trên mọi nền tảng và cũng hầu hết là miễn phí. Đó chính là sự ưu việt dành riêng cho người dân Việt Nam, nhưng cũng là lý do chúng ta luôn phải thấp thỏm khi quá trình hình thành một thị trường kinh doanh sản phẩm thể thao, phân phối bản quyền, thương mại hóa các dịch vụ truyền hình… vẫn chưa hoàn thiện và tạo ra các giá trị định lượng thay vì định tính bằng niềm đam mê.
Theo ĐĂNG LINH (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

Thuế tiêu thụ đặc biệt được "định nghĩa" rất rõ, là áp cho một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ (như rượu, tàu bay, du thuyền…) nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Trong khi đó, có đánh thuế bao nhiêu thì người dân vẫn phải mua xăng để chạy xe.

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

Việc phổ cập – “xóa mù” AI không chỉ giúp người lao động không bị tụt hậu mà còn tạo ra một xã hội năng động, sáng tạo, nơi mỗi cá nhân đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế của các doanh nghiệp đặt ra nhiều suy ngẫm cho chúng ta trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng trong kỷ nguyên mới.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

MV Bắc Bling của Hòa Minzy đạt hơn 77 triệu lượt xem sau 20 ngày phát hành, đứng tốp 1 Trending YouTube Việt Nam liên tục gần 2 tuần lễ. Đây là thành công của một sản phẩm âm nhạc, minh chứng cho cách một tác phẩm có thể khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc mà không cần những khẩu hiệu cứng nhắc.