(GLO)- Tại buổi làm việc với Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã chỉ đạo: UBND TP. Pleiku chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải, Công an tỉnh, Sở Công thương cùng các cơ quan có liên quan nghiên cứu để xe buýt đậu đỗ trong thành phố tại một địa điểm phù hợp.
Các loại xe khách từ các huyện, thị xã về thành phố tập trung tại Bến xe Đức Long và xây dựng phương án tổ chức chợ nông sản, chợ trái cây tại địa điểm bến xe nội thành Pleiku hiện nay.
Việc quy hoạch chợ nông sản và trái cây là hoàn toàn cần thiết khi hiện nay trên địa bàn TP. Pleiku chỉ có một chợ tự phát thường gọi là chợ đêm. Đây được coi là chợ đầu mối tập trung tất cả các mặt hàng nông sản phục vụ cho nhu cầu toàn thành phố và phân phối đi các địa phương trên địa bàn tỉnh. Chợ nhóm họp trên đoạn đường Nguyễn Thiện Thuật (đoạn từ Lê Lai đến Hoàng Văn Thụ).
Toàn cảnh bến xe nội thành Pleiku. Ảnh: H.D |
Đây là đoạn đường tập trung nhiều cơ quan, ngân hàng, khách sạn…, đồng nghĩa với việc cần có không gian di chuyển hợp lý. Song việc hình thành một cái “chợ” ở đây càng làm hẹp không gian vốn đã không mấy rộng rãi. Với tính chất là một chợ đầu mối nên số lượng phương tiện di chuyển hàng hóa ở đây khá lớn. Thêm nữa, là chợ tự phát, hàng hóa tập kết và các hoạt động mua bán đều diễn ra dưới lòng đường nên giao thông ách tắc, lộn xộn là điều ai cũng thấy.
Với đà phát triển kinh tế hiện nay, Pleiku rất cần có một chợ nông sản, trái cây đầu mối đúng tiêu chuẩn, có đủ chỗ bán hàng, kho lưu, bãi đậu xe, hệ thống cấp thoát nước, khu tập kết và xử lý rác thải. Bởi vậy chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xây dựng phương án tổ chức chợ nông sản, chợ trái cây là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Bởi xét cho cùng, TP. Pleiku cũng cần một chợ ổn định để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả của nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Thêm nữa, có chợ, hàng hóa sẽ phong phú đa dạng hơn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân trong tỉnh, góp phần bình ổn giá cả. Ngoài ra, chợ hình thành đúng tiêu chuẩn và được quản lý tốt sẽ bảo đảm được trật tự, mỹ quan đô thị, trả lại không gian lưu thông cho mặt đường Nguyễn Thiện Thuật và một phần đường Hoàng Văn Thụ.
Tuy nhiên, về địa điểm tổ chức là bến xe nội thành Pleiku hiện nay thì cần xem xét. Bến xe hiện là nơi đậu đỗ của các tuyến xe buýt, xe vận tải hành khách và hàng hóa từ Pleiku đi các huyện, thị xã và ngược lại. Qua tìm hiểu thì hiện vẫn có một số ý kiến chưa được thống nhất bởi bến xe không chỉ phục vụ vận chuyển hành khách từ các huyện, thị xã về trung tâm thành phố và ngược lại mà còn là nơi đậu đỗ của các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nông sản phục vụ chính cho Trung tâm Thương mại Pleiku.
Là nơi đậu đỗ cho các xe nội thành và xe buýt công cộng, nên hệ thống hạ tầng, thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đảm bảo để xây dựng chợ. Việc chuyển các xe vận tải hành khách xuống Bến xe Đức Long là hợp lý, còn bố trí đậu đỗ xe phục vụ cho Trung tâm Thương mại Pleiku và xe chở hàng nông sản cho chính chợ nông sản sau này (nếu được triển khai thực hiện) thì không thể chuyển xuống theo mà phải xem xét kỹ lưỡng.
Vì nếu không bố trí chỗ đậu đỗ hợp lý cho xe buýt và xe vận tải hàng hóa tại một vị trí cố định trong trung tâm thành phố thì các loại xe trên sẽ đậu đỗ dưới lòng đường Trần Phú, Nguyễn Thiện Thuật, tức những tuyến đường quanh chợ nông sản và trái cây, gây ách tắc và không đảm bảo an toàn giao thông.
Đặc biệt, Trung tâm Thương mại Pleiku đã được UBND tỉnh giao cho Tập đoàn HA.GL cải tạo, xây dựng, bắt đầu từ năm 2014 đến 2016. Vì vậy khu vực bến xe nội thành thành phố sẽ là nơi hợp lý nhất để bố trí kinh doanh tạm cho các hộ hiện tại đang kinh doanh trong Trung tâm Thương mại.
Thiết nghĩ, việc quy hoạch, xây dựng một chợ đầu mối hàng nông sản và trái cây là cần thiết nhưng phải xem xét kỹ lưỡng cũng như bố trí thời gian sao cho phù hợp với chủ trương đầu tư của tỉnh, vừa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Kim Linh