(GLO)- So với những năm trước thì năm 2012 được đánh giá là một năm thành công của chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Trong đó, việc chọn những xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để tổ chức các phiên chợ đã mang lại ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào địa phương. Song, nhìn chung các phiên chợ vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, sản phẩm đơn điệu và doanh thu bán hàng thấp…
Với vai trò là đơn vị trực tiếp tổ chức các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, trong năm 2012 Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương Gia Lai) đã tổ chức được 15 phiên chợ hàng Việt tại các huyện Krông Pa, Đức Cơ, Kbang, Chư Prông, Kông Chro…, tổng doanh thu bán hàng đạt gần 2 tỷ đồng.
Đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh: L.L |
Mặc dù hầu hết phiên chợ đều diễn ra tại các xã vùng sâu, xã đặc biệt khó khăn, công tác phối hợp của một số địa phương vẫn còn hạn chế, tuy nhiên bằng sự nỗ lực của mình, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại đã tổ chức thành công các phiên chợ.
Trong đó, công tác phối hợp với các địa phương trong việc tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ đã được cải thiện hơn so với năm 2011. Đa số các đơn vị đều xác định đây là nhiệm vụ chính trị, triển khai theo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động nên tham gia nhiệt tình và trách nhiệm. Nhiều địa phương không chỉ tạo điều kiện về mặt bằng, điện, nước, cung cấp đầy đủ các thiết bị phục vụ công tác tổ chức mà còn tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân địa phương đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ. Đặc biệt, là sự gắn bó, hỗ trợ hết mình của các doanh nghiệp tham gia như Siêu thị Co.op Mark Pleiku, VNPT Gia Lai, Cà phê Thu Hà...
Ngoài tổ chức các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”, Trung tâm cũng tranh thủ sự quan tâm của sở, Cục Xúc tiến Thương mại để huy động thêm các nguồn kinh phí hỗ trợ tổ chức các hội chợ quy mô lớn như phiên chợ Hàng Việt được tổ chức tại huyện biên giới Đức Cơ với sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đến từ thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt, sự thành công trong công tác phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao trong việc tổ chức Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và Công nghiệp thương mại Gia Lai trong dịp khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên mới đây đã khẳng định được sự trưởng thành của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại trong công tác tổ chức hội chợ, phiên chợ.
Song bên cạnh thành công trên thì các chương trình “Hàng Việt về nông thôn” cũng còn không ít hạn chế như việc mời gọi, mở rộng số lượng các doanh nghiệp tham gia còn hạn chế, điểm đi điểm lại phiên chợ nào cũng chỉ vài doanh nghiệp “truyền thống” như Siêu thị Co.op Mark Pleiku, VNPT Gia Lai, Cà phê Thu Hà, Mobifone Gia Lai...; do đó quy mô phiên chợ chỉ lèo tèo vài gian hàng, mặt hàng cũng kém đa dạng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hạn chế và doanh thu bán hàng quá thấp.
Chẳng hạn, tại phiên chợ hàng Việt tại xã Ia Drăng (huyện Chư Prông), tổng giá trị hàng hóa đem đi 300 triệu đồng thế nhưng doanh số bán hàng tại phiên chợ vỏn vẹn chỉ 13 triệu đồng (chỉ bằng 1/23 lần tổng giá trị hàng hóa). Trong khi chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí nhân viên có đơn vị lên đến cả chục triệu đồng… lỗ nặng khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà.
Công tác tuyên truyền quảng bá chưa được đầu tư bài bản, sâu sát. Ông Ngô Tấn Giác- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà chia sẻ: Đừng nói gì đến việc quảng bá tuyên truyền đối với các phiên chợ nhỏ như “Hàng Việt về nông thôn”, ngay cả một hội chợ lớn như Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và Công nghiệp thương mại Gia Lai, công tác tuyên truyền quảng bá còn hạn chế, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhiều cơ quan thông tấn báo chí thường trú tại địa phương cũng không được mời đến dự buổi khai mạc. Hậu quả là, hội chợ chỉ đông khách vào 2 đêm trước ngày lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên còn sau đó thì thưa thớt dần. “Vẫn biết tham gia hội chợ chủ yếu quảng bá hình ảnh, không đặt nặng vấn đề doanh số nhưng không có người thì quảng bá thế nào được”-đại diện một doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao từ thành phố Hồ Chí Minh nói.
Như vậy, để chương trình “Hàng Việt về nông thôn” mang lại hiệu quả thiết thực, cân đối được cả lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cần có sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa về kinh phí của tỉnh và Trung ương. Bản thân đơn vị tổ chức cũng cần rút kinh nghiệm, nâng cao tính chuyên nghiệp và nhất là sự chung tay vì cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng việt Nam” từ phía các doanh nghiệp.
Lê Lan