(GLO)- Đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đồng loạt tấn công vào các căn cứ quan trọng của Mỹ-Ngụy ở hầu hết các đô thị miền Nam. Theo một số tài liệu của nước ngoài, trong cuộc tấn công này có khoảng 84.000 người thuộc các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam tham gia đánh vào các cứ điểm của địch ở 5 thành phố lớn, 36 thị xã, 36/242 huyện lỵ, 25 sân bay và nhiều kho tàng, ấp chiến lược, trụ sở chính quyền, trạm cảnh sát, đồn bốt của các sắc lính Mỹ-Ngụy...
Quân đội ta tiến vào thành nội Huế Tết Mậu Thân, ngày 2-2-1968. Ảnh: Tư liệu |
Cuộc tấn công nhằm vào sào huyệt ngụy quyền Sài Gòn, nơi tập trung sức mạnh quân đội và sự phòng thủ vô cùng vững chắc. Thế mà, sáu mục tiêu chính tại đây như: Sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh đều bị tấn công bất ngờ và thiệt hại là không nhỏ. Bởi, theo đánh giá của “phía bên kia”, chỉ tính riêng tại mặt trận nội đô Sài Gòn “đã có tới 4.000 người tham gia, là những chiến sĩ bao gồm cả nam và nữ, họ vô cùng thành thạo đường ngang ngõ dọc trong thành phố và những nơi mà họ có ý đồ tấn công”.
Sứ quán Mỹ là “điểm đến” mà Quân Giải phóng đặc biệt quan tâm. Có một tài liệu mới công bố cách đây chưa lâu, tường thuật trận tấn công vào Sứ quán Mỹ, tóm tắt như sau: Từ một xưởng sửa chữa ô tô cách sứ quán 5 khối nhà, 19 đặc công thuộc Đại đội 10 lên một chiếc xe vận tải nhỏ hiệu Peugeot và một xe taxi tiến ra phía sứ quán. Một viên cảnh sát Sài Gòn thấy xe không có đèn chiếu sáng nhưng không có hành động gì. Trong khi đó 4 cảnh sát bảo vệ vòng ngoài sứ quán bỏ chạy. Khi những chiếc xe này đến gần cổng sứ quán thì 2 quân cảnh Mỹ bị bắn, cũng lại bỏ chạy. Những người đặc công xuống xe, dùng thuốc nổ phá tường, một lỗ thủng rộng một mét... lúc này là 2 giờ 47 phút sáng. Một quân cảnh Mỹ báo tin qua máy bộ đàm “Sứ quán bị tấn công, địch đã lọt vào bên trong sứ quán, cứu tôi với”. Hai quân cảnh Mỹ nghe tin đến cứu viện liền bị đặc công bắn chết.
Tin báo của tiểu đoàn quân cảnh Mỹ tại sứ quán qua radio được ghi nhận: “3 giờ 59 phút, cối và rốc-két bắn vào sứ quán, yêu cầu tăng viện; 4 giờ 7 phút, xe chở 25 lính Mỹ đến tăng viện bị trúng rốc-két và mìn, thương vong nặng; 4 giờ 8 phút, xe jep số C9A trúng đạn, 2 quân cảnh chết;... 4 giờ 20 phút, Tướng Westmorland ra lệnh ưu tiên cướp lại sứ quán...”.
Trong khi Sứ quán Mỹ bị Quân Giải phóng tấn công, làm tê liệt nhiều giờ, thì cũng tại đây, nhiều phóng viên báo chí phương Tây và Mỹ đã có mặt kịp thời, và nhiều bản tin đã được phát đi khắp thế giới chỉ sau 15 phút khi cuộc tấn công bắt đầu. Đặc biệt có thể nói là, các bản tin đăng ở các báo vào buổi sáng tại miền Đông Hoa Kỳ, đã làm rúng động cả nước Mỹ khi hay tin sứ quán của họ ở Sài Gòn bị tấn công bởi Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đó là, “Việt Cộng đã chiếm một phần Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn... Biệt kích Cộng sản đã đột nhập được vào tòa nhà bất khả tiến công bằng một cuộc phối hợp pháo binh và xung phong của du kích, đưa cuộc chiến tranh hạn chế vào Sài Gòn...”-(Lược ghi theo: Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong hai cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và mùa Xuân 1975, Nhà Xuất bản Lao Động-2012).
Cùng thời điểm, như đã nói ở trên, các vị trí yết hầu của Mỹ-Ngụy ở Sài Gòn cũng cùng chung số phận: Nơi được coi là sự phòng thủ mạnh nhất Sài Gòn, có đầy đủ lực lượng bảo vệ, quân cảnh, cảnh sát, xe tăng... Dù vậy, theo mô tả của một tài liệu mà chúng tôi có được, thì “một đội đặc công 34 người dùng B.40 bắn vào cổng và đột nhập vào Dinh”-Dinh Độc Lập. Những nơi “nhạy cảm” như Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Hải quân, Đài Phát thanh đều bị Quân Giải phóng đánh chiếm, có nơi đã bị tấn công làm tê liệt nhiều ngày.
Đồng loạt với Sài Gòn trong đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 là những trận tấn công vào hầu hết các sào huyệt của Mỹ-Ngụy ở các đô thị miền Nam, nhưng đặc biệt hơn cả, từ nhận thức của người viết bài này, thì trận đánh ở đây (và sau đó là Huế) có tính chất quyết định làm lung lay ý chí xâm lược, làm thất bại cuộc chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris (Pháp), tiền đề cho sự mở rộng các chiến dịch và những thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường miền Nam và đánh bại các trận tập kích bằng không quân, kể cả “thần sấm con ma” của Mỹ ra miền Bắc về sau này, tạo đà thuận lợi cho sự xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng ở miền Nam và sự đồng tình ủng hộ giúp đỡ to lớn của bạn bè năm châu và cũng là bài học lớn để rồi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 dành thắng lợi tuyệt đối, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối!
Tổng quát về trận tấn công quyết chiến chiến lược Mậu Thân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Thắng lợi quan trọng nhất của cuộc tiến công Mậu Thân đã làm lay chuyển ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Tổng thống Giônxơn phải xuống thang chiến tranh chịu ngồi lại đàm phán với ta ở Paris... Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân về cơ bản đã đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, mở ra khả năng cho ta thực hiện chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, để tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giành lại độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc Việt Nam”-(SĐD, trang 175).
Đoàn Minh Phụng